Chuyện lạ 'xứ Tây': Nhà có số, 'phố' có tên

26/07/2023 07:25 GMT+7

Trong khi không ít khu vực ở tỉnh lỵ Tam Kỳ (Quảng Nam), người dân ca thán vì có tên phố mà lại không có số nhà thì ở huyện miền núi Tây Giang, cả 2 "thông số" này đã hình thành từ nhiều năm qua, mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân.

"NHÀ BỐ SỐ 4 NHÉ !"

Từ trung tâm H.Tây Giang, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi tìm về thôn Achiing (xã A Tiêng) để tham quan ngôi làng được mệnh danh là "phố giữa đại ngàn" nằm trên một ngọn đồi. Quả thật, đúng như lời giới thiệu, khách phương xa chỉ cần thấy tấm biển được viết bằng 3 thứ tiếng: Cơ Tu - Việt - Anh ghi rõ "thôn Achiing" là biết ngay đã đến địa điểm mình cần tìm.

Thấy già Bhling Pranh (60 tuổi) đang rảo bộ, tôi nhờ ông chỉ đường đến nhà của Bhling Nhịp - một hộ đông nhân khẩu trong thôn để tìm hiểu đời sống gia đình này. Sau cái nhăn trán, già Pranh tặc lưỡi: "Vào làng tìm nhà có số 23, đó là nhà Nhịp. Xong việc ghé nhà bố chơi. Nhà bố số 4 nhé!".

Chuyện lạ 'xứ Tây': Nhà có số, 'phố' có tên - Ảnh 1.

Tên “phố” Achiing được đặt ngay đầu làng giúp người dân và du khách dễ tìm đến

HOÀNG SƠN

Không khó để nhận ra quy luật đánh số nhà tại Achiing bởi vừa qua khỏi chiếc cầu ở đầu "phố" có gắn biển tên thì nhà đầu tiên là nhà số 1. Qua khỏi con đường đầu thôn, rẽ trái là các nhà số 2, số 3, số 4… Với tập quán quần cư thành hình vòng tròn bao bọc quanh mái gươl (nhà làng), số nhà các hộ dân người Cơ Tu được đánh số tuần tự theo chiều kim đồng hồ từ số 1 cho đến số lớn nhất - đó cũng là nhà của hộ dân cuối cùng trong làng. Tôi nhanh chóng tìm được nhà của Bhling Nhịp với biển số 23 được đóng trên tường nhà.

Đón khách với nụ cười thân thiện, bà Bhling Thị Anh (41 tuổi, vợ ông Nhịp) cho biết, cách đây khoảng 10 năm, UBND xã A Tiêng tổ chức đánh số nhà dân trong thôn rồi phát biển số ghi rõ tên thôn, tên xã kèm tên chủ hộ. "Ngày nhận biển số, cả thôn mừng lắm. Người Cơ Tu bao đời ở núi, có ai nghĩ rằng nhà mình có số như dưới phố vậy đâu. Ai cũng bảo, Achiing giờ có tên "phố", có số nhà, người dân phải chung tay xây dựng đời sống văn hóa, văn minh hơn nữa", bà Anh cười tươi. Bà bảo, hồi đầu người dân còn lạ lẫm với số nhà nên không để ý các tiện ích mang lại. Sau này, bà Anh mới thấy, có số nhà tiện đủ đường. "Hay nhất là những dịp phát quà, chỉ cần đọc số nhà thì không cần đọc tên, chủ hộ vẫn lên nhận đúng", bà Anh tiếp lời.

Quay trở lại nhà số 4, già Bhling Pranh hồ hởi: "Cũng dễ tìm nhà phải không. Từ ngày gắn biển số nhà, chỉ cần đọc đúng số thì ai cũng dễ dàng tìm ra, khỏi lòng vòng xe máy, đỡ tốn xăng".

Chuyện lạ 'xứ Tây': Nhà có số, 'phố' có tên - Ảnh 2.

Hộ Bhling Nhịp với số nhà 23

CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ… ĐÁNH SỐ NHÀ

Già Bhling Pranh kể đã chứng kiến không ít lần cán bộ xã tìm về nhà người dân để xử lý công việc hành chính mà không cần đến sự trợ giúp, chỉ đường từ người dân. Bởi, qua nắm được số nhà, chính quyền địa phương chỉ cần nắm được họ tên, năm sinh và truy ngược trở lại là ra số nhà. Từ đó cán bộ tìm về đến ngay nhà cần tìm mà không tốn công sức.

"Mừng nhất có lẽ là bọn trẻ và mấy chú shipper. Có số nhà, bọn trẻ đặt đồ qua mạng rất thuận tiện, còn người chuyển hàng hóa thì dễ dàng tìm ra số nhà mà không phải tốn nước bọt hỏi thăm", già Pranh khề khà.

Tìm đến Tà Vàng - một "khu phố" cũng được gắn biển tên ở xã A Tiêng, tôi được nghe nhiều người dân kể về sự tiện lợi khi được gắn biển số nhà. Người nhà ông Pơloong Dêếc ở nhà số 34 cho biết, ngoài gươl không được đánh số thì tất cả nhà trong thôn đều có biển số nhà. Bạn bè của bất cứ nhà nào từ nơi khác đến, chỉ việc nhìn lên tường nhà để tìm số và định vị mình đang đứng ở đâu thì không cần chỉ cũng tự tìm ra. Ở khía cạnh quản lý nhân hộ khẩu, chính quyền địa phương cũng dễ dàng nắm bắt các thông tin qua số nhà.

Ông Pơloong Tâm, Phó chủ tịch UBND xã A Tiêng, nhận định việc đánh số nhà đã phục vụ đắc lực cho quản lý hành chính, nhất là công tác điều tra, nắm di biến động dân số, nhà ở, hộ nghèo, hộ chính sách… Cán bộ xã chỉ cần rà soát rồi đưa thông tin hộ gia đình vào sổ, từ đó quản lý chặt chẽ thông tin cụ thể về nhân khẩu. Theo ông Tâm, người dân đến UBND xã làm việc, chỉ cần đọc số nhà, cán bộ phụ trách chỉ cần mở sổ là có thể nắm được chủ hộ và tên tuổi từng thành viên.

Bà A Lăng Thị Déo, trưởng thôn Achiing, cho biết từ năm 2012 các nhà dân trong thôn đã được đánh số theo quy luật, tạo nhiều thuận lợi trong công tác quản lý dân cư. Tuy nhiên, từ sau năm 2014, trong thôn có thêm một số hộ dân tách ra từ hộ chính và làm nhà mới nên cần phải thực hiện việc cấp số nhà để tạo sự đồng bộ, nhằm giúp các hộ dân được hưởng sự thuận tiện như nhau.

Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết sau khi sắp xếp, bố trí lại dân cư gắn với phát triển, sản xuất mang mô hình làng bản theo bản sắc của đồng bào Cơ Tu, để quản lý dân cư dễ dàng hơn, huyện thực hiện ý tưởng đánh số nhà thứ tự theo chiều kim đồng hồ tại 3 xã A Tiêng, Lăng và Dang. Trên cơ sở đó, giấy tờ, sổ sách hành chính cũng theo số nhà để dễ quản lý.

"Liên quan đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, thời gian tới, huyện sẽ rà soát 115 khu vực dân cư (thuộc 63 thôn/10 xã). Những khu vực nào bà con Cơ Tu đã định cư ổn định sẽ tiếp tục đánh số nhà để quản lý cư dân, nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia thuận lợi hơn", ông Blúi thông tin. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.