Chuyện lạ 'xứ Tây': Xấu hổ khi trót... phá rừng

27/07/2023 07:03 GMT+7

Với slogan "Rừng còn Tây Giang còn", đồng bào Cơ Tu sinh sống ở H.Tây Giang (Quảng Nam) bảo vệ rừng như bảo vệ sinh mệnh chính mình. Để rồi bao đời qua, người dân nơi rẻo cao Trường Sơn hình thành văn hóa giữ rừng hết sức độc đáo.

CÚNG RỪNG ĐỂ XIN… GỖ MỤC

Có lẽ hiếm có nơi nào như Tây Giang khi rừng tự nhiên bạt ngàn, lên đến 91.000 ha với nhiều cây cổ thụ thuộc nhóm quý hiếm nhưng nhiều năm liền không xảy ra vụ xâm hại rừng nào nghiêm trọng. Những năm gần đây, có một số vụ xâm lấn rừng nhưng theo ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, đó là những vụ việc mang tính chất nhỏ lẻ và đều do người dân không… cố ý. "Tập quán người dân là thường phát rẫy để trồng trọt. Cách đây không lâu có trường hợp trở lại rẫy cũ sau hơn 10 năm. Lúc này cây rừng đã lớn, người này cứ nghĩ đó là rẫy của mình, cứ thế phát đốt… Khi biết mình vô tình xâm hại rừng, người này đã rất xấu hổ và tìm cách khắc phục", ông Sinh kể.

Chuyện lạ 'xứ Tây': Xấu hổ khi trót... phá rừng  - Ảnh 1.

Nhờ văn hóa giữ rừng mà người Cơ Tu đã giữ lại những cánh rừng di sản quý giá, như: pơ mu, lim, dổi, đỗ quyên...

HOÀNG SƠN

Mới đây, tại xã Lăng xảy ra một vụ phá rừng với diện tích khoảng 1.000 m2. Ngay sau khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng đã quyết tâm vào cuộc xử lý. Ngày đưa hộ dân này ra trước thôn để giải quyết, đông đảo người dân đã kéo đến xem và buông lời trách móc. Người dân Cơ Tu bao đời nay giữ rừng không hết, thế mà có người đi phá nên câu chuyện có người xâm hại rừng trở thành chuyện lạ. "Khi nghe xong quyết định xử phạt, chủ hộ run lên… Khi nói những lời với bà con, người này đã nhận lỗi về phía mình và bày tỏ sự xấu hổ vì làm điều sai trái. Thực hiện lời hứa với làng, người này đã trồng lại cây để khắc phục", ông Sinh tiếp lời.

Ông Sinh cho hay ý thức giữ rừng của đồng bào Cơ Tu rất cao nên chỉ cần phá một khoảnh rừng thì người đó đã đi ngược lại với tiếng nói chung, với lợi ích của bản làng. Bởi vậy, tại các làng bản, người dân muốn phát rẫy sẽ tìm hiểu hoặc sẽ hỏi cán bộ lâm nghiệp xem địa điểm nào được phép, nơi nào không. Anh Pơloong Plênh, cán bộ Phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết với văn hóa giữ rừng lâu đời như thế, người Cơ Tu hình thành tập tục xin phép "thần rừng", "mế rừng" mỗi khi có việc gì đó cần phải hạ cây dù lớn hay bé.

"Người Cơ Tu luôn tôn thờ "mế rừng". Còn rừng là còn làng. Và văn hóa giữ rừng chính là sợi dây xâu nối những mảnh ghép văn hóa khác tồn tại bao đời qua. Chính điều này mà rừng nguyên sinh ở Tây Giang được gìn giữ rất tốt. Từ xa xưa cho đến nay, người Cơ Tu luôn nâng niu rừng xanh. Những gì ở rừng đều có sự cai quản của thần linh, chặt một cây nhỏ để dựng nêu, chặt cây lớn để làm gươl (nhà làng) hay muốn kéo về một cây gỗ mục để lấy lõi làm quan tài thì bất cứ ai cũng phải làm lễ để xin phép", anh Plênh chia sẻ.

ĐỘC ĐÁO LỄ HỘI TẠ ƠN RỪNG

Già làng cấp tỉnh Bríu Pố (74 tuổi, trú tại xã Lăng) cho biết người Cơ Tu cho rằng rừng là tất cả, không có rừng là không có gì hết. Có rừng mới có suối, có nước, có cây cỏ, muông thú… Mọi thứ người Cơ Tu có cũng đều từ rừng mà ra. Do đó, người Cơ Tu mang ơn rừng. "Từ xa xưa, đồng bào chúng tôi đã tổ chức lễ hội khai năm tạ ơn rừng vào những ngày đầu năm mới. Đó là nét văn hóa truyền thống để chúng tôi bày tỏ sự mang ơn đối với "mẹ rừng". Chính rừng xanh đã nuôi nấng cộng đồng Cơ Tu", già Pố nói và cho biết thêm: "Bản thân lễ hội độc đáo này cũng quy tụ nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể đặc sắc…".

Tại lễ hội này, phần lễ sẽ thực hành các nghi thức quan trọng về phong tục cúng rừng, như: dựng cây nêu, cúng khai năm mới tạ ơn rừng… Còn ở phần hội, thanh niên quây quần biểu diễn văn nghệ với các nhạc cụ truyền thống, làn điệu đặc sắc, già làng thì nói lý hát lý… Ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng lễ khai năm tạ ơn rừng là hoạt động văn hóa nổi bật của người Cơ Tu cho thấy họ trân quý rừng xanh đến nhường nào. Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống, ý thức giữ rừng không chỉ riêng ở Tây Giang mà cả với người dân ở các địa phương khác. "Đặc biệt, người Cơ Tu rất tôn trọng các già làng. Ở lễ hội, với sự góp tiếng nói của các già làng trong bảo vệ rừng, cộng đồng sẽ càng cố kết hơn trong bảo vệ rừng", ông Sinh nói.

Nhờ bảo vệ rừng tốt mà ít nơi nào trên cả nước có được nhiều khu rừng cổ thụ với những loài cây gỗ quý như ở Tây Giang. Đây là nơi duy nhất bảo tồn được quần thể pơ mu với hơn 2.000 cây, trong đó có khoảng 1.000 cây được công nhận Cây di sản VN. Tây Giang còn có quần thể đỗ quyên rừng mọc trên đỉnh K'Lang (thuộc xã Tr'Hy) ở độ cao 2.005 m. Khu rừng này được người Cơ Tu gìn giữ và coi như báu vật, trở thành số ít rừng đỗ quyên nguyên sinh còn lại ở VN, trong đó, có hơn 430 cây trăm tuổi đã được công nhận là Cây di sản VN.

Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, vui mừng chia sẻ thông tin, mới đây ngành chức năng đã cùng Hội Bảo vệ môi trường và thiên nhiên VN khảo sát, khoan xác định độ tuổi rừng lim có diện tích 400 ha để lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng cây di sản. Nếu được công nhận trong dịp kỷ niệm 20 năm tái lập H.Tây Giang vào đầu tháng 8 tới, chắc chắn Tây Giang sẽ là địa phương hiếm hoi trên cả nước khi có đến 3 quần thể rừng già được công nhận là Cây di sản. Ngoài ra, ở huyện này còn có rừng dổi cổ thụ (250 ha) cũng được cộng đồng Cơ Tu bảo vệ rất nghiêm ngặt.

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.