Chuyện làm báo ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam

16/06/2020 06:42 GMT+7

Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ kể chuyện báo chí cách mạng mà còn kể những câu chuyện lịch sử Việt Nam, trong đó báo chí vừa là người quan sát, vừa là nhân chứng.

Trước ngày ra mắt trưng bày (19.6), Bảo tàng Báo chí Việt Nam (tọa lạc tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã có trên 20.000 hiện vật tư liệu. Trong đó khoảng 700 hiện vật được trưng bày, số còn lại đưa vào bảng thống kê, máy tra cứu. Bảo tàng cũng có những bộ phim tư liệu về lịch sử do VTV2 phối hợp cùng Truyền hình Nhân dân thực hiện. “Chúng tôi có quyết tâm trưng bày hiện vật gốc là chính, với 95%”, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cho biết.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng có những hiện vật đáng nhớ. Chẳng hạn, ở những trang đầu của lịch sử báo chí Việt Nam, bảo tàng có các tờ báo như Gia Định báo, Nam Phong, Đông Pháp thời báo… Chúng ta cũng được đọc truyền đơn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cổ động mua báo Việt Nam Hồn, ngày 15.5.1923 tại Paris, Pháp. Trên đó có mẫu tờ khai “Tôi tên là… Ở số nhà… Tỉnh… Gửi lại 12 quan để mua báo Việt Nam Hồn 6 tháng”.
Ở tủ trưng bày về báo chí Trường Sơn, bên cạnh tờ báo ra đời thời kỳ đó, còn có chiếc ba lô và chiếc võng thủng. “Đây là khi nhà báo nằm ngủ và bị đạn bắn. Hiện vật này bảo tàng chúng tôi được tặng”, bà Hoa nói. Cùng lúc, tờ báo có tên Trường Sơn, số 145 ra ngày 20.6.1972 có hình vẽ những đoàn người ra chiến trường.
Chuyện làm báo ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam1

Báo Thanh Niên được giới thiệu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Ở gian trưng bày về ảnh báo chí, có thể thấy buồng tối của Báo ảnh Việt Nam được tái dựng. Những bức ảnh thời chiến, những PV ảnh chiến trường cũng được giới thiệu tại đây. Trong bảo tàng, có cả góc dành cho những tác phẩm ảnh báo chí nói về chiến tranh Việt Nam đã đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá.
Tuy nhiên, theo bà Hoa, việc tìm tư liệu hiện vật cho bảo tàng sinh sau đẻ muộn này khó và có những điều bất khả kháng. Chẳng hạn, những tờ báo cách mạng giai đoạn 1925 - 1945 rất khó tìm. Số báo này hầu như nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hay chiếc máy quay “lịch sử” của báo hình lại là hiện vật mà Đài truyền hình Việt Nam đang lưu giữ làm kỷ vật truyền thống. “Những hiện vật báo chí cách mạng chúng tôi phải chấp nhận phục dựng do đã có chủ rồi. Cái máy do chính ngành truyền hình dùng nguyên vật liệu tự chế để làm, gọi là máy quay ngựa trời vì giống con ngựa, nhưng đài truyền hình không cho được thì phải phục chế”, bà Hoa chia sẻ.
Ông Lê Quốc Trung, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, vẫn còn nhớ những ngày lên ý tưởng về một bảo tàng báo chí quốc gia. Lúc đó, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 8 đã nung nấu điều này. “Lúc đầu, chúng tôi đã định xin phép thành lập Bảo tàng Báo chí cách mạng. Nhưng sau đó, thấy nền báo chí nước ta là cả một quá trình gắn bó nên quyết định làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam”, ông Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.