Chuyện làng báo: Biên tập cái… lốp

Câu chuyện này xảy ra ở một cơ quan báo chí trong năm cuối cùng của thời bao cấp. Nhân ngày Báo chí Việt Nam kể lại để nhớ một thời…

Chuyện làng báo: Biên tập cái… lốp
Xe đạp thời bao cấp Ảnh: John Ramsden trưng bày tại Viện Goethe Hà Nội
Lê Văn là dạng người rất khó đoán. Lắm lúc trông y như một con mèo bị người ta nhúng nước. Lắm lúc con mèo bị nhúng nước ấy chỉ cần rùng mình một khắc, lông khô, trông y tinh khôn như một con cáo. Bấy giờ, y chỉ có hai thú vui: uống trà và đánh bài tiến lên.
Từ khi đoạt giải thưởng báo chí viết về đề tài nông nghiệp do một tờ báo tổ chức, y hầu như không viết gì nữa, dù chỉ là một cái tin con ruồi. Thế mà trong tòa soạn ai cũng nể y, như quan lại trong triều nể một công thần.
Trong tòa soạn có một công thần nữa tên Cao. Ông này được coi là cây đa cây đề của làng báo tỉnh Bình Trị Thiên. Tôi chưa từng đọc một bài viết nào của ông, vì vào thời điểm đó, ông là trưởng phòng, bậc lãnh đạo nên không viết là lẽ đương nhiên.
Hồi đó không viết nữa mới là cây đa cây đề.
Tất cả lý luận báo chí đối với ông chỉ gom lại trong một câu: Cái gì dài gọi là bài, cái gì ngắn gọi là tin. Khi kể chuyện sau lưng ông, Lê Văn bổ sung để làm sáng tỏ lý luận đó bằng cách nói: Tin dài gọi là bài, bài ngắn gọi là tin. Câu này hắn thuỗng được của tôi, nhưng tôi thì không dám nói.
Cánh trẻ trong tòa soạn nghe chuyện trên chỉ bấm bụng cười, nhưng chớ có mà để bật thành tiếng.
Lê Văn không chỉ có uy trong tòa soạn mà danh tiếng còn lẫy lừng đến tận từng công ty, xí nghiệp, đến cả HTX sản xuất... hòm, nơi mà đài truyền thanh có lần đưa tin: “Chào mừng đại hội phường P, HTX đã sản xuất vượt mức 5 cái quan tài...”.
Bằng chứng là, hễ đến cuối năm, công đoàn cơ quan lại phải cậy đến Văn đi mua đồ phân phối. Nhưng mua hàng về, chia nhau như thế nào lại không thể không qua tay ông Cao, dù ông không giữ chân gì trong công đoàn, thế mới gọi là người có uy!
Năm 1985, tôi chân ướt chân ráo về cơ quan chừng tháng thì đến Tết, nên được xếp vào loại chưa có cống hiến gì. Nhìn người ta chia đường bánh, nước mắm, cá khô... mà rỏ dãi, dù bên ngoài trông giống một quân tử không trọng miếng ăn.
Lần ấy Lê Văn liên hệ mua được của Nhà máy Xe đạp Phú Xuân một ít lốp và xích (sên) xe đạp. Sau hai tiếng đồng hồ hội ý căng thẳng, người ta quyết định thực thi theo sáng kiến của ông Cao: bắt thăm.
Quy định như sau: hai lá thăm ghi chữ L được chung một chiếc lốp; hai lá thăm ghi chữ X được chung một cái xích. Lê Văn vì có công đi liên hệ nên được ưu tiên mua trước một cái xích lại còn được có quyền bắt thăm như mọi người.
Thăm được vo tròn, bỏ vào một cái hộp phấn, mọi người xếp hàng, lần lượt...
*
Văn mở lá thăm vừa bốc rồi phá lên cười ha ha. Y bắt trúng chữ L. Được ưu tiên cái xích, giờ thêm lốp thì còn gì bằng. Mọi người nhìn y với vẻ mặt đầy ganh tỵ.
Người đại diện công đoàn ghi danh sách xong thì đọc to: “Anh Văn và ông Cao một chiếc lốp!” rồi đưa chiếc lốp cho y. Đột nhiên tôi thấy mặt y nghệt ra. Đoạn, xách chiếc lốp đi khuyềnh khoàng về phía khu tập thể, trong khi mọi người đang bàn tán chuyện chia nhau.
Y xăng xái mở phòng, lôi ra cái cục kê và cây rựa vẫn dùng để chẻ củi, đặt chiếc lốp lên và... bụp, bụp. Chỉ hai nhát, chiếc lốp đã chia làm đôi thành hai nửa vòng tròn.
Y xách nửa chiếc, chạy lên cơ quan, gọi lớn: “Ông Cao! Bài lốp của ông đã được biên tập thành hai tin lốp!”.
Y giúi nửa chiếc lốp vào tay ông Cao rồi đi khuyềnh khoàng về phía khu nhà tập thể để lại đằng sau hàng chục cái mồm há hốc như bị trúng gió không thể ngậm lại được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.