Vợ tôi nói anh đừng vội mừng. Mấy ổng khen là khen cái chỗ ngồi mát cho mấy ổng thôi. Trưa nào cũng đem võng qua, giăng ngang giăng dọc, nói chuyện tùm lum, lâu lâu còn hối “cho bình trà đi chú em”.
Vợ tôi xéo xắt, tính toán với mấy ông bạn vong niên của tôi cũng phải. Cô ấy đòi chặt bụi tre để lấy chỗ nuôi con heo, con gà cải thiện đời sống. Tre thì được cái tích sự gì? Chỉ mất công quét lá, lại tốn tiền trà… Với chút lương hưu còm cõi, tôi không thể mạnh miệng “phản biện”. Nhưng tôi có tài… thủ thỉ: “Em ơi, lúc còn sống, ngày hè mẹ vẫn thường ôm cháu ra ngồi mát dưới bóng tre. Tre như cái mốc, để ba hay hỏi trăng lên khỏi ngọn tre chưa bay. Ba thường nói trong tre có nhạc, mùa hè xào xạc, mùa đông xao xác, buồn vui lẫn lộn cùng người. Em thấy không, bụi tre chút xíu mà chiều nào chim cò cũng về đậu, ríu ra ríu rít cho tới khi tối hẳn”… “Sao anh không nói thêm: Chặt bụi tre rồi tụi nó biết dắt díu đi đâu mỗi khi trời chạng vạng?”, vợ tôi dịu giọng.
Từ lúc đó, tôi biết mình đã biến “dự án giải phóng bụi tre” thành… quy hoạch treo. Tôi đồ rằng trong những quy hoạch treo đáng ghét đang tồn tại thì quy hoạch treo của vợ tôi về bụi tre là… dễ thương nhất.
2. Ngày hai cữ, trên cột điện, loa sáng hô hào bộ mặt nông thôn đổi mới, loa chiều kêu gọi đổi mới bộ mặt nông thôn. Vâng! Nông thôn đang thay da đổi thịt từng ngày. Bê tông hóa đường làng, quá tốt! Đêm về điện sáng khắp đường ngang ngõ tắt, rất hay! Trạm y tế, dù chỉ lèo tèo mấy phòng bệnh với vài chiếc áo blouse nhưng cũng mang lại chút yên tâm cho cả chục ngàn dân. Trường học không to hơn trụ sở ủy ban nhưng sẽ ấp ủ những giấc mơ chữ nghĩa. Bộ mặt nông thôn mới, không ai cãi. Nhưng còn cái thẳm sâu hồn vía của quê của làng ngày một nhạt nhẽo thì tính sao đây?
Cái cổng làng lâu đời, rêu phong, hình mái vòm, được làm bằng đá ong bị thay bằng “cổng chào” xây gạch tinh tươm, sắc sảo. Đình chùa lăng miếu được thay áo sơn phết đỏ xanh cho mới toanh. Những con đường rợp mát bóng dừa bóng trúc giờ đã “thông thiên”. Được cho phép, công ty này, doanh nghiệp nọ thuê dân đốn cây, tạo mặt bằng để làm nhà xưởng, trồng trụ bê tông, mắc trên đó hàng chục loại dây của văn minh công nghệ. Có đắng cay không khi tiền công trăm rưỡi ngàn một ngày, những người nông dân vốn yêu cây lá đã làm trơ trụi chính ngôi làng của mình?
Dưới bóng tre là mấy bóng người có lúc trầm ngâm. “Ăn giỗ nói việc làng”, nhưng trước mặt tôi và mấy ông bạn già có mâm cỗ nào đâu mà câu chuyện của làng cứ mãi không đầu không cuối.
Bình luận (0)