Chuyện một nhà báo 'nằm vùng' tại Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968

03/02/2025 07:08 GMT+7

Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những mùa xuân đáng nhớ trong lịch sử. Đó là mùa xuân mà quân và dân ta bất ngờ mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở khắp các đô thị miền Nam, tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến của dân tộc.

1

Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 đã mở ra cục diện mới, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam lớn mạnh, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.

Chuyện một nhà báo 'nằm vùng' tại Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968- Ảnh 1.

Từ trái qua: Bác sĩ quân y Phạm Tương Lai và nhà báo Cao Kim cùng một số nhà báo TP.HCM thăm mộ “liệt sĩ Cao Kim” tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (đầu năm 1998)

ẢNH: XUÂN MAI

Những người con thân yêu của Tổ quốc anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc vì nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất nước nhà đã để lại trong lòng nhân dân ta muôn vàn tình yêu thương, cảm phục, trân trọng và sự biết ơn vô bờ bến…

Trong binh chủng hợp thành tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy có đội quân các nhà báo cách mạng. Tôi đã được đọc những trang sách của nhà báo Cao Kim qua các tác phẩm Làm báo ở chiến trường, Viết trong lửa đạn, Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch... Từ đó, tôi được biết nhà báo Cao Kim từng bí mật hoạt động giữa Sài Gòn, từng tay bút tay súng trong "bão lửa" Mậu Thân 1968. Và ông đã nhiều lần vượt qua đạn bom để trở về trong vòng tay yêu thương của đồng bào, đồng đội, để hôm nay là một trong những nhân chứng về mùa xuân rực lửa ấy…

Chuyện một nhà báo 'nằm vùng' tại Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968- Ảnh 2.

Nhà báo Hồng Châu, tức Thép Mới (phải) và nhà báo Cao Kim, tức Kim Toàn - hai nhà báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từng bí mật hoạt động báo chí tại Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

ẢNH: XUÂN MAI

Cao Kim là bút danh của nhà báo Kim Toàn tại chiến trường. Ông sinh năm 1940, nguyên phóng viên Báo Hải Phòng, tình nguyện đi B từ cuối năm 1965, và là phóng viên Báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Cao Kim trở về tiếp tục gắn bó với tờ báo của thành phố Cảng quê hương. Những năm sau đó, ông làm Tổng biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, nhiều năm tham gia Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là một trong số các nhà báo từng được OIJ (Tổ chức Quốc tế các nhà báo) cấp thẻ nhà báo quốc tế (1984), được tặng Huy chương danh dự của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (1976)…

Mấy năm gần đây, các tập sách của Kim Toàn viết về hoạt động của các nhà báo trong chiến tranh tại miền Nam, trong đó có cuốn ghi chép khá công phu Hai lần vượt Trường Sơn (ra mắt năm 2023), gây tiếng vang trong giới báo chí cả nước. Hàng ngàn trang sách chân thực, sống động của nhà báo Kim Toàn, người từng làm báo gần 10 năm tại chiến trường, thực sự cuốn hút bạn đọc và tiếp thêm năng lượng tích cực, sự trân quý, đồng cảm và niềm tự hào cho nhiều nhà báo viết nên những trang cảm nhận chân thành về các nhà báo - chiến sĩ năm xưa.

Với tôi, sự cảm phục và ấn tượng về Kim Toàn là hình ảnh một nhà báo cách mạng bí mật hoạt động trong lòng địch, một đội viên của Đội Võ trang tuyên truyền dũng cảm và xông xáo của Sài Gòn - Gia Định Xuân Mậu Thân 1968… Đó là hình ảnh một nhà báo từng đóng vai thợ chụp ảnh dạo tại vườn hoa, có dáng vẻ quen thuộc như con em của bà con lao động trong các xóm nghèo, lúc ẩn lúc hiện giữa đô thành...

2

Qua những trang sách của ông, người đọc còn được biết thêm những ngày "nằm vùng" tại Sài Gòn chính là thời gian nhà báo Cao Kim nhận lãnh một nhiệm vụ rất quan trọng.

Từ cuối năm 1967, Cao Kim được cấp trên phân công cùng nhà báo Hồng Châu (tức Thép Mới - lúc ấy là đặc phái viên của Trung ương Đảng) bí mật vào Sài Gòn trước khi ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vừa viết bài phản ánh cuộc đấu tranh của quân và dân ta, vừa gấp rút chuẩn bị mọi mặt để xuất bản tờ báo cách mạng ngay nội thành Sài Gòn khi thời cơ đến…

Theo kế hoạch, nhà báo Hồng Châu sẽ viết xã luận cùng một số bài chủ chốt và chọn lọc nội dung các văn bản quan trọng cần công bố; còn các việc khác để ra báo - từ tập hợp lực lượng làm báo tại chỗ, viết tin, bài, chụp ảnh, minh họa, trình bày các trang, mục… đến tìm cơ sở in, phát hành và tổ chức lực lượng chiến đấu, bảo vệ… đều do nhà báo Cao Kim đảm nhiệm.

Thông thường, để ra một tờ báo, cần có thời gian nhất định, có kinh phí, và một số người chuẩn bị. Tuy nhiên, trong trường hợp bí mật này, chỉ có nhà báo Cao Kim gánh vác. Đây là nhiệm vụ rất mới, đầy khó khăn và cực kỳ nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể hy sinh tính mạng và đổ bể cơ sở cách mạng. Trước thử thách lớn chưa từng có, bằng nhiệt huyết và ý chí của người chiến sĩ giải phóng, nhà báo Cao Kim đã dồn hết sức mình để làm mọi việc, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy và hy sinh vì sự nghiệp báo chí cách mạng.

Từ mùng 1 Tết Mậu Thân, tình hình chiến sự diễn ra rất nhanh và phức tạp; các lực lượng của ta chịu tổn thất không nhỏ. Việc chuẩn bị ra báo tuy sắp hoàn tất nhưng không thể tiếp tục. Để bảo đảm an toàn, cấp trên quyết định rút Hồng Châu khỏi nội đô, chỉ để Cao Kim ở lại, bổ sung vào Đội Võ trang tuyên truyền vừa viết báo vừa tham gia chiến đấu chống phản kích.

Từ đây, nhà báo Cao Kim lao vào các trận chiến ác liệt suốt cả ngày lẫn đêm, từ nội đô đến các vùng phụ cận. Nhiều lần bị bao vây, ông cùng đồng đội vẫn bám trụ trận địa và chiến đấu đến cùng.

3

Cuối mùa xuân ấy, cơ quan Báo Giải Phóng tại khu căn cứ Tây Ninh nhận "Giấy báo tử" của Ban Quân y Phân khu 3 (Mặt trận phía Tây Nam Sài Gòn - Gia Định), báo tin nhà báo Cao Kim đã hy sinh trong trận chiến đấu chống càn ngày 8.3.1968 và được chôn cất tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Anh chị em trong tòa soạn tổ chức truy điệu Cao Kim trong nỗi đau buồn, tiếc thương người đồng chí, đồng nghiệp thân thiết...

Tuy nhiên, mấy tháng sau, cả cơ quan ngỡ ngàng và vỡ òa xúc động khi thấy nhà báo Cao Kim bất ngờ trở về căn cứ với thân hình gầy gò, đen nhẻm. Hỏi ra mới biết, người hy sinh trong trận chống càn nói trên là Hai Ca, Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền T4. Khi gia nhập đội, Cao Kim nộp Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng cho Bí thư Hai Ca rồi lập tức cùng anh em lao vào các cuộc chiến đấu triền miên. Trong một trận đánh ác liệt, nhiều chiến sĩ của đơn vị bị thương vong, trong đó có một người bị thương rất nặng, khuôn mặt biến dạng và hy sinh tại trạm quân y tiền phương. Bác sĩ tìm trong túi áo anh chỉ có tờ giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, mang tên Cao Kim. Kiểm tra thêm, bác sĩ thấy người hy sinh cũng dáng dong dỏng cao, và cũng mặc quân phục màu đen như Cao Kim, nên mới có sự nhầm lẫn. Khi biết tin Đội trưởng Hai Ca hy sinh, nhà báo Cao Kim đã báo ngay với Đội Võ trang tuyên truyền để ghi lại chính xác danh tính liệt sĩ.

Đó là câu chuyện hy hữu mà mỗi lần nhắc đến, Cao Kim không khỏi nghẹn ngào. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về Long An, tìm gặp người đã ký "Giấy báo tử", thăm lại "ngôi mộ của mình", và tưởng nhớ vong linh anh Đội trưởng Hai Ca dũng cảm. Từ sâu thẳm trong lòng, với niềm biết ơn chân thành, Cao Kim thấy như sự sống của mình được Hai Ca, đồng đội, đồng bào bảo vệ bằng xương máu. Bởi nhà báo - chiến sĩ Cao Kim đã may mắn được trở về dù phải trải qua nhiều gian khổ, thân thể còn mang đầy thương tích, nhất là những ngày bí mật "nằm vùng" nơi đô thành Sài Gòn - Gia Định tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 anh dũng của quân và dân ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.