Mười lẵm năm sà rồi bây, mà nó chưa chịu dìa. Thằng mê chơi thiệt à nghen. Nay mần mắm mà nó cũng hổng thèm”.
Ngoại dáo dác về phía con đường làng, cho đến khi ánh tà hiu hắt tiếng ríu rít của bầy sẻ lùa đàn về tây, sau một ngày xoải cánh bươn chải kiếm ăn, mới chịu theo cậu Hai Chốt vào nhà.
Bữa cậu Hai Chốt điện thoại lên bảo má về đi, chớ ngoại năm nay lại đòi làm đó, già rồi kham sao nổi. Má cúp máy, thở dài thườn thượt.
Ngoại bây lẫn rồi, lẩm cà lẩm cẩm chuyện nhớ chuyện quên, vậy mà vẫn không bỏ cái nếp, mỗi năm chỉ có một mùa, chỉ duy nhất một mùa là ngoại bây nhớ rành rọt như thể chuyện mới vừa hôm qua.
Hông ấy, bây coi vén khéo nhà cửa, má về đôi tuần một tháng phụ ngoại nghen. Ngoại bây tính vậy rồi, có nói tới nói lui, thành ra giận hờn, buồn lòng ngoại.
Má nói vậy rồi thu xếp đón chuyến xe sớm mai lót tót về.
2
Mùa cá đìa tháng ba âm lịch, mương rạch, đìa bào, bún đập, cả những khúc lóng, cá về như trẩy hội. Bầy đàn ngoi lộp bộp, thay phiên lên móng như cơm sôi. Ngoại lại làm mắm. Lẩn thẩn bảy chục rồi mần chi cho cực vậy má. Giờ má thèm thì con ra chợ mua về má ăn. Chớ sức đâu kham nổi.
Mặc cậu Hai Chốt cằn nhằn, ngoại vẫn làm mắm, chục năm rồi vẫn vậy. Riết cậu Hai Chốt cũng chẳng thèm nói tiếng nào. Cứ theo mùa mà chuẩn bị cho ngoại.
Muối làm mắm thường phải là loại muối Bạc Liêu, không bao giờ ngoại chịu muối bọt. Muối Bạc Liêu tuy đen, nhưng độ mặn rất đậm đà, muối mắm ít khi bị mắm trở. Ngoại tẩn mẩn xếp cá muối vào mấy cái khạp mái đầm, rồi cài vỉ tre lên, cẩn thận dằn thêm mấy tấm thớt gỗ để nén chặt cá.
Độ hai ba tháng sau, khi những cơn mưa giông sa dầm dãi, ngoại lại rang gạo lức cho thật chín vàng, biểu cậu Hai Chốt dùng cối xay nhuyễn ra thành thính, rồi đem trộn đều vào từng con cá, ngay cả bên trong bụng cá, làm vậy cá mới thấm thính, dậy lên mùi mắm khăm khẳm mà vẫn lừng lững thơm nao nức.
Ngoại lại canh chừng hai ba con trăng tròn khuyết mà chao mắm, ngoại thắng đường chảy sền sệt kèo kẹo, trộn thêm cháo nếp, rồi xốc đều từng con mắm cốt cho mắm dịu lại. Tiếp tục ủ mắm, lèn chặt để không bị nong nước.
3
Ngoại chỉ nhớ một chuyện, là chuyện làm mắm.
Hễ nhắc tới mắm, mắt ngoại lại ngời sáng, giọng hào sảng ron rót chuyện làng, chuyện đời, chuyện nghề.
Hồi đó người ta gọi cồn Hạ là làng Mắm, nghề truyền từ đời này sang đời nọ. Vô mùa làm mắm, thôn xóm nhộn nhịp, không khí rần rần, tiếng cười nói pha lẫn tiếng đánh vảy, tiếng xay thính vang động khắp những đêm trăng vằng vặc. Tình nghĩa xóm giềng bình dị chân tình mà sống. Nghe nó thân thương gì đâu, chớ hông có đãi bôi như bây giờ.
Rồi chiến tranh tuôn vào, tía bây đi kháng chiến. Hễ dìa phép, dù chỉ chút ít thời gian, lại lần giở mấy khạp mắm mà coi. Bận nào má cũng dấm dúi cho bịch mắm mà đem theo. Tía bây thích mắm lắm.
Hồi đó cực khổ trăm bề. Thằng Chốt có biết mặt chữ đâu, cắm mặt vào đất bán lưng cho trời. Mỗi con Linh là được ăn học đàng hoàng. Tội là tội thằng Út Sặc, sanh thiếu tháng, lớn lên còm cõi, lại suốt ngày ú ớ nói chữ được chữ mất, tiếng tía tiếng má gọi cũng ba chừng bảy đỗi mới thành câu.
Rồi một đêm tía bây ra đi, hẹn chỉ thêm một mùa chiến dịch nữa là dìa. Mà cái bận đó ổng hông có dìa. Ổng nằm mãi tận bên chiến trường Cam. Ổng hết thương má.
Ngoại đong đưa cái võng, rành rọt từng lời cho cô con gái duy nhất nghe vào một tối trăng tròn tháng ba vằng vặc, soi sáng cả con đường quê hun hút. Đám le le gọi bầy xao xác cả trời đêm.
Chiến tranh gọi tên chỉ đơn giản có hai từ mà nó đằng đẵng cả quãng đời người. Có những sự ra đi biền biệt mất hút, đến cả nắm xương tàn cũng chẳng có ngày quay về cố hương.
Ngoại đặt cái linh vị lên bàn thờ, nấc nghẹn hai tiếng “Mình ơi”!
Rồi một thân quàng gánh ba đứa con giữa những ngày bom đạn lan tràn. Cứ sau mỗi lần pháo kích, nhìn cả nhà mình vẫn thau láu cặp mắt, vẹn nguyên da thịt, là ngoại lần mò về bàn thờ mà khấn vái rì rầm.
4
Ngày tuổi đời chồng chất theo từng sợi tóc trắng màu sương mai, ngoại bắt đầu nhớ quên lẩn thẩn.
Ngoại quên mất cái thằng Út Sặc một chiều giao liên, bị pháo kích trúng, bước chân sáo của nó mãi mãi dừng lại nơi gốc bần đầu cồn.
Ngoại quên luôn cái lần mình bồng thằng con trên tay, mà chạy la khắp xóm, nước mắt chảy dài, té lên té xuống. Thêm một cái bài vị trên bàn thờ. Ngoại thêm một nỗi đau hằn in vết sẹo mang tên chiến tranh.
Nên cứ chiều chiều ngoại lại ra cổng rào mà gọi: “Út ơi, Út à”. Tiếng gọi bàng bạc theo gió chiều nghe não nề ruột gan.
Ngoại quên luôn cái hồi gả Ba Linh, ngoại ấn vào tay đứa con gái thương yêu bịch mắm mà dặn, bây lớn rồi phải hiểu, không dưng mà người mình ai cũng thích ăn mắm. Làm mắm kỳ công cực khổ trăm bề, gian nan đoạn trường mới chắt chiu được từng con mắm thơm ngon. Đạo nghĩa vợ chồng cũng tựa thể con cá làm ra con mắm, vợ chồng cho dù đến già vẫn cứ phải thương lắm mình ơi!
5
Ngoại dặn vậy nên hồi con Ba Linh lấy chồng về thành phố, gieo neo phận làm dâu xa xứ, bao bận nước mắt tuôn ngược vào lòng, cũng một lòng một dạ an phận tròn đạo can trường, nào dám tơ tưởng chuyện về với ngoại như hồi còn là con gái.
Ngày đó, lạ nước lạ cái ở cái đô thị phồn hoa này, chỉ mỗi cái con đường từ nhà ra chợ, má chồng dẫn đi đôi bận rồi để mình ên con nhỏ tự đi, lạc xất bất xang bang nẻo về nhà. Lắm khi con nhỏ nước mắt chảy dài dáo dác nhìn cái ngả đường thênh thang, dập dìu người qua lại, lần lựa giữa dòng người hối hả vội vã lao vút qua, xem ai rỗi rãi thong dong đôi chút, mà sáp lại thỏ thẻ hỏi đường về.
Thảng khi anh chồng bộ đội nghỉ ca trực về nhà, hai vợ chồng mới có những ngày ấm áp. Anh chở Ba Linh dạo phố vòng vòng. Lần nào con nhỏ cũng xin chở ra mé sông Thủ Thiêm. Ngồi nhìn sóng nước vỗ tràn bờ cỏ lau, mà mắt đỏ hoe nhớ quê thắt dạ. Anh chồng biết vậy, nhưng cũng đâu làm gì khác được. Chỉ ôm nhẹ Ba Linh vào lòng vỗ về. Mình nhớ thì để tui xin mẹ cho mình về thăm nhà vài bữa rồi lên lại. Chớ thấy mình như vậy, tui buồn da diết. Tui đâu có ở gần mình nhiều như mấy anh chồng khác. Nên mình thương tui thì ráng sống thiệt vui nha. Lấy chồng bộ đội làm mình thiệt thòi quá thể.
Con Ba Linh biết chứ. Nhưng cái duyên cái nợ nó gắn kết anh chàng bộ đội với cô giáo làng, bận hai đơn vị tổ chức giao lưu kết nghĩa từ mấy năm trước rồi. Có những mối lương duyên thể như trời định sẵn. Chỉ cần một ánh mắt, tích tắc trong một khắc giây, là tự lòng mình đã nguyện ý gắn bó đời mình với người ta suốt đời.
Trẻ người non dạ, lại từ nhà quê mà lên phố thị, nên cái chuyện làm dâu của con Ba Linh cũng lắm chuyện đắng đót. Mỗi cái vén khéo chuyện bếp núc cũng năm ba tháng mới vừa lòng mẹ chồng. Thêm cái khoản áo quần chẳng hợp thời, mấy bận khách tới nhà, con nhỏ cứ bà ba quần lãnh đen ra vào, cũng khiến mẹ chồng chẳng ưng bụng. Nào giờ con nhỏ đâu có biết mặc đầm, mặc váy chi cao sang như người thành thị. Dưới quê chỉ cần vài bộ áo dài, thêm mớ đồ bộ giản đơn, để sau buổi dạy còn ruộng vườn phụ gia đình.
Nhưng ngặt nỗi gia đình mỗi mụn con trai, mà anh chồng thì rất mực thương vợ, nên con Ba Linh vì thế cũng gọi là dễ thở chút đỉnh trong cái gia đình chồng rất nhiều khoản mục phải đúng lề đúng lối.
Bận con Ba Linh thủ thỉ với chồng, làm sao để đi dạy lại được. Chạy một chỗ dạy vào biên chế của trường ở Sài Gòn là không dễ. Huống chi mẹ chồng chỉ muốn con dâu luẩn quẩn ở nhà chăm nom gia đình. Vợ chồng lừng khừng năm thì bảy đỗi chẳng dám xin. Thì Ba Linh cấn bầu. Coi như từ bỏ cái giấc mơ áo dài ngày hai buổi đến trường.
Trộm vía con nhỏ sanh tốt. Ba năm tù tì một trai một gái. Nếp tẻ đầy đủ nên từ dạo đó mẹ chồng lại thương chiều hơn xưa. Nhưng cũng từ dạo đó, Ba Linh thêm xa rời quê nhà. Mười lẵm năm sà mới về ngày giỗ kỵ tết nhứt.
Chừng theo năm tháng tóc pha màu sương mai, mẹ chồng ra đi, rồi chồng cũng sớm từ bỏ Ba Linh vì căn bệnh ung thư quái ác. Ba Linh bươn chải đời mình gồng gánh hai đứa con đi qua quãng đời này giữa phố thị buồn tênh.
Giờ về đây, soi mình xuống dòng sông quê, thấy mái đầu bạc thếch, lại nhớ hồi chồng còn sống. Cũng một bận ngồi từ phía bên Thủ Thiêm nhìn về phía bên kia Sài Gòn trở mình vươn dậy hối hả. Chồng bảo, sau này ai đi trước ai đi sau gì đó, thì cũng đừng thèm ra ngoài mé sông này ngồi nữa. Có nhớ thương, ráng mà nuôi dạy con thiệt tốt, cho nó cuộc đời thật bình yên. Chớ ra chi mé sông này ngồi đắng đót mấy cái yêu thương xưa xa cũ kỹ cũng không thay đổi được gì đâu. Nhìn chi mải miết mấy con sóng. Lắm khi nó đánh cho bạc cả mái đầu. Đó là khi anh biết mình chỉ còn sống thêm vài tháng nữa, khi căn bệnh đã vào kỳ cuối.
6
Cậu Hai Chốt mở khạp mắm kiểm tra, nghe mùi thơm bắt đầu dậy lên nồng ngái cả gian nhà sau. Chừng tháng nữa là ăn được rồi nha. Ngoại lại móm mém cười. Đung đưa cái võng ngoài gốc ô môi cạnh mé sông quê. Trời chiều đổ tím cả triền sông. Phía xa xa, ai bắt bài vọng cổ, nghe chiều rót những thanh âm yên ả lạ thường. Mùa này, ô môi trổ hồng khắp cả ven sông. Những cánh hoa theo gió rụng lả tả như trải thảm. Ba Linh ngồi mông lung nhìn chiều bảng lảng theo từng cánh sẻ dáo dác về tổ.
Cả tháng trời về dưới này rồi, sắp xếp mà lên lại coi sóc mấy đứa nhỏ trên đó đi. Cậu Hai Chốt nhắc nhở Ba Linh. Con mình dù lớn già cái đầu thì vẫn cứ phải dòm ngó cho nó đi về thẳng đường đúng lối. Ở chi miết dưới này. Chừng nào về gói theo mấy hũ mắm đem lên nói tía tụi nó cho tụi nó lấy thảo nghen.
Cậu Hai Chốt của tụi nhỏ không gia đình. Chịu ở mình ên để nuôi má. Cũng vài đám ngấp nghé hồi anh còn trẻ. Nhưng thôi, anh mà đi lập gia đình, rồi lấy ai sau này cho má nương tựa. Sống mình ên chỉ phải lo riêng cho má. Có gia đình rồi, bộn bề lo toan nhiều thứ lắm.
Cho nên, hồi Ba Linh sanh con, Hai Chốt bảo cho Hai Chốt làm tía nuôi. Để anh có cái mà biết thương mà biết lo, có đứa gọi là con, chừng nữa anh có nằm xuống, có đứa bưng bát lư hương là anh vui rồi. Ba Linh nghe vậy, nước mắt chảy dài.
Sau này dạy con một tiếng phải gọi cậu bằng tía, hai tiếng phải dạ, ba tiếng phải thưa. Thương tía như thương ba má. Lỡ may ba má nằm xuống trước, thì cũng ráng mà lo cho tía như đúng bổn phận làm con.
Được cái hai đứa con ngoan và cũng thương ông cậu theo đúng chữ tía mà tụi nó gọi. Tía có món gì ngon, lại gói ghém ra chành gởi lên Sài Gòn cho con mình. Dẫu đôi khi chỉ là những thứ vụn vặt quà quê. Lễ tết tụi nhỏ có về, tía lại lén lút dấm dúi vài mớ tiền lẻ cho con mình có cái mà dành riêng xài.
Tía tụi nhỏ hay nói, bây dầu ba mất sớm, nhưng cứ yên lòng vì còn có tía nghen bây.
Hồi thằng Thái gom góp tiền mua chiếc xe máy để dễ dàng đi học đi làm thêm, tía lại hốt chân hụi tính dành sửa nhà, cho thằng nhỏ. Tía cứ lo sợ phải vay mượn tiền người ta rồi còng lưng làm mà trả, chẳng có thời gian học. Thời bây giờ chữ nghĩa quan trọng lắm bây à. Ráng mà lo cho cái thân. Tía ở quê có cần xài chi nhiều đâu mà bây lo.
Bận con Trèn lấy chồng tuốt bên trời Tây, tía mắt đỏ hoe dặn dò cẩn thận, xứ người xa xôi tận nửa vòng trái đất. Nếu ở không được về liền nghen con. Không có tiền về thì điện thoại tía, cùng lắm bán vài công đất là bây về được liền à.
Con nhỏ nước mắt vắn dài cũng phì cười, tía làm như gần kề lắm vậy đó, đâu có dễ vậy
tía. Thằng chồng con nhỏ phải hứa lấy hứa để sẽ chăm lo đàng hoàng, sẽ yêu thương hết mực, thì tía mới thôi vặn vẹo đủ thứ chuyện.
Vậy mà cho tới bây giờ, tía tụi nhỏ vẫn tiếc đứt ruột vì gả con Trèn xa quá đỗi. Buồn vui, khổ cực mình ên nó gánh chịu. Lại chẳng thể gởi hũ mắm nào sang đó được cho nó. Nó cũng mê mắm lắm đó.
Ba Linh ngồi nhìn những dề lục bình trôi mênh mang giữa dòng. Chiều nhá nhem tối. Trăng chênh chếch trên mấy ngọn ô môi.
7
Má hạ giọng với thằng Thái, khi nó điện thoại về hỏi thăm ngoại:
- Ngoại bây giờ quên ráo trọi, chuyện mười lẵm năm sà rồi, giờ chỉ nhớ mỗi chuyện con cá làm ra con mắm. Tía mày hỏi mày có về hông kìa. Ổng nói đám ô môi sắp tàn cả mùa hoa mà chưa nghe tiếng mày nữa đó.
Thái cúp máy.
Nhớ hồi nhỏ, những mùa gió chướng ô môi, nó hay xuýt xoa trước dãy cây ô môi thẳng tắp dạt mé sông trổ hồng cả khoảng trời. Ở Sài Gòn làm gì biết ô môi đẹp nao lòng vậy. Làm gì có khoảng trời bình yên dưới tán ô môi, ngửa mặt nhìn mây trôi nhẹ tênh. Hồi đó nó còn nhất định với tía, sau này có cưới, thể nào cũng về mé sông quê, ngay mùa ô môi trổ hồng, mà chụp cho bằng được bộ ảnh cưới thiệt ngọt ngào.
Mới đó mà nó lớn nhanh quá thể, chừng nhìn lại, thấy thời gian vun vút cuốn nó miệt mài nơi Sài Gòn hoa lệ, đôi khi quên hẫng lắm nhiều ký ức ngọt ngào nơi miền quê xa ngái của mình.
Vội vàng đặt chỗ cho chuyến xe cuối tuần này, biết có kịp mùa ô môi muộn mằn bên triền sông quê?
Chiều sẫm trời tan tầm, Thái ghé chợ Bàn Cờ kiếm mấy trái bần chua, trong tủ lạnh còn bịch mắm lóc để đâu hồi mười lẵm năm sà, câu nói tính mười lăm năm qua của ngoại. Nghe chiều chênh chao nghiêng qua tiếng gọi.
Bình luận (0)