Chuyện người con dâu “đi lạc” đến làng

26/01/2023 13:35 GMT+7

H’Uyên Niê, một người trẻ dân tộc M’nông đã viết nên câu chuyện đẹp mộc mạc ở những làng xa của xã Ia Mơ Nông, H.Chư Pah (Gia Lai). Cô nhen lên ngọn lửa ấm nơi bản làng xa vắng giúp cộng đồng có cuộc sống tốt hơn.

Xung quanh câu chuyện về H’Uyên Niê (38 tuổi) cũng lắm điều thú vị. Cô quê quán ở H.Krông Bông (Đắk Lắk) nhưng lại “lạc” sang tận xã Ia Mơ Nông, H.Chư Pah (Gia Lai) xa xôi. H’Uyên Niê kể: “Người dân tộc mình theo chế độ mẫu hệ. Thường là chồng ở bên nhà vợ sau khi cưới một thời gian rồi mới ra ở riêng tùy theo hoàn cảnh. Nhưng trường hợp của mình cũng là ít ỏi trong cộng đồng. Lấy chồng xong là... theo về quê chồng luôn! Nói em “đi lạc” chắc chẳng sai”.

Chồng của H’Uyên Niê là một chàng trai dân tộc Jrai. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Học viện Quân y, anh trở về làng làm việc tại Trạm y tế xã Ia Mơ Nông, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Ngày ấy, từ buôn làng xa xôi của Tây nguyên, H’Uyên Niê thi đậu vào Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Tốt nghiệp năm 2009, cô công tác tại Đoàn ca múa nhạc Đắk Nông được 4 năm rồi chuyển sang Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) thêm 4 năm nữa trước khi về định cư hẳn ở quê chồng tại thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông. H’Uyên Niê về làng, làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông và bắt tay cùng bà con bản địa khởi nghiệp.

H’Uyên Niê (đang bồng con) trao đổi với các nghệ nhân để chuẩn bị đón khách

TRẦN HIẾU

Câu chuyện khởi nghiệp cũng bắt nguồn từ đây khi cô có ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng. Nghĩ là làm, cô tập hợp mọi người, thành lập từng nhóm để phát triển nghề đan lát, dệt thổ cẩm, thu dọn vệ sinh từ nhà cửa đến đường sá trong làng để mở dịch vụ homestay, đưa khách thưởng ngoạn cảnh thác Công Chúa, trải nghiệm nhiều hoạt động của người làng. Nhiều sản phẩm du lịch bản địa như cồng chiêng, trò chơi dân gian… cũng được đưa vào phục vụ du khách. Những sản phẩm của người làng làm ra, cô còn giúp bán cho du khách và nhiều nơi qua mạng xã hội. Khách từ các miền Tổ quốc tìm tới ngày một nhiều hơn. Và hiện đây là một trong những địa chỉ phát triển du lịch cộng đồng tốt nhất Gia Lai. Trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” năm 2022 do Hội Liên hiệp phụ nữ Gia Lai tổ chức, H’Uyên Niê tham gia và đã đoạt thành tích xuất sắc với mô hình “Du lịch cộng đồng”.

“Cuộc chơi” thấm đẫm văn hóa làng buôn do H’Uyên Niê bày nên nay đã thành hình và đang gặt hái những tin vui. Phải nói thêm là xã Ia Mơ Nông vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là thuận lợi lớn để H’Uyên Niê có thể cùng mọi người mở ra dịch vụ du lịch cộng đồng.

“Khi còn học ngoài Hà Nội em được đi nhiều nơi nên nghĩ tại sao không phát triển tại nơi mình ở. Đấy cũng là cách hay để gìn giữ giá trị văn hóa bản địa và giới thiệu cho mọi người biết cái hay, cái đẹp của cộng đồng mình mà. Tiền thu được em chia cho mọi người, chỉ giữ lại chút ít làm quỹ để giúp những hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, hiếu hỉ”.

Hơn 20 hộ của làng Kep 1 và những làng lân cận đã tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng do H’Uyên Niê lập nên. Khi mới khởi nghiệp năm 2019, xã Ia Mơ Nông đón 15 đoàn khách đến từ các nơi như TP.HCM, Hà Nội… với gần 200 du khách. Qua hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, đến năm 2022 đã có nhiều du khách tìm đến, trong đó không ít khách quay lại. Ngoài dịch vụ lưu trú, mô hình này trong hai năm 2019, 2022 đã đem lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng cho người làng. Đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình đang khó khăn. Và đặc biệt, ngày càng có thêm nhiều du khách hứng thú với mô hình du lịch này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.