Chuyện người phụ nữ 'bảo vệ người âm', ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà

08/03/2023 09:08 GMT+7

10 năm bén duyên với nghề bảo vệ, trông coi phần mộ cho người đã mất là từng ấy thời gian chị Trần Thị My (45 tuổi, trú H.Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà.

Gắn bó với nghề do chữ "duyên"

Mỗi ca làm việc kéo dài từ 17 giờ 30 đến 6 giờ 30 hôm sau, trong suốt 10 năm qua, chị My đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau; từ sợ hãi, cô đơn đến hạnh phúc khi hoàn thành công việc.

Chuyện người phụ nữ làm bảo vệ cho người âm, ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà  - Ảnh 1.

Chị My đã làm bảo vệ tại nghĩa trang được 10 năm

Đ.H

Tổ bảo vệ nơi chị My làm việc có 6 người thì chỉ duy nhất chị là nữ. Công việc bảo vệ "giấc ngủ" cho người đã mất là thức thâu đêm, đi xung quanh các hàng mộ ở khu vực mình quản lý xem có trâu, bò xuống phá hay có kẻ gian vào ăn cắp kỷ vật trong mộ hay không.

Làm công việc thường được coi là không dành cho phụ nữ, vậy mà chị My lại thích nghi rất nhanh, dù nhiều lúc cũng "rợn tóc gáy" vì ở một mình giữa nghĩa trang trong đêm.

Chị kể, lý do có thể bám trụ với công việc này là vì chữ "duyên" và cuộc sống mưu sinh. Năm 2013, chị sinh người con gái thứ 2. Lúc đó, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chồng chị sức khỏe yếu, không thể lao động nên phải ở nhà chăm con. Chị My bất đắc dĩ trở thành trụ cột, gồng gánh nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.

Ban đầu, chị định đi làm công nhân tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, công việc này lương thấp, lại phải đi xa nhà hơn 10 km nên chị đã suy nghĩ lại. 

"Khi thấy nghĩa trang Lạc Hồng Viên (H.Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) chỉ cách nhà khoảng 3 km tuyển bảo vệ, tôi xin vào làm với hy vọng gần nhà, nếu con ốm có thể chạy về chăm sóc, thuốc thang", chị My cho biết.

Chuyện người phụ nữ làm bảo vệ cho người âm, ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà  - Ảnh 2.

Chị My cũng thấy mình gắn bó được với nghề là do chữ "duyên"

Đ.H

"Những năm đầu tiên là vất vả nhất. Lúc đó, con gái tôi mới chỉ 3 tuổi. Nhiều hôm, một mình ở giữa nghĩa trang phải lau mộ, bàn, ghế thì con gái điện và nói "nhớ mẹ", "muốn mẹ về" mà tôi rơi nước mắt. Cũng may, cháu hiểu và động viên, dặn dò "mẹ cố gắng làm nhé". Đó là động lực chính giúp tôi vượt qua khó khăn và gắn bó với công việc cho đến hiện tại", chị My tâm sự.

Hơn nữa, chị My cũng thấy mình gắn bó được với nghề là do chữ "duyên" bởi nhiều người làm bảo vệ rất hay bị "người âm" trêu, có những người bỏ dở việc giữa chừng. Rất may, chị My được "các cụ thương", làm việc ngần ấy năm nhưng không bị làm sao, cứ thế, làm mãi thành quen, công việc hoàn thành rất suôn sẻ.

Tỉ mỉ an táng cho người đã mất

Không chỉ bảo vệ nghĩa trang, mỗi khi có người đã mất chuyển về, chị lại làm thêm công việc chuẩn bị từ phông bạt, bàn, ghế, nước…, thậm chí là kiêm cả an táng cho người đã mất để kiếm thêm thu nhập.

Chuyện người phụ nữ làm bảo vệ cho người âm, ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà  - Ảnh 3.

Chị My ra nghĩa trang vào nửa đêm để chuẩn bị an táng cho người đã mất

Đ.H

Mỗi khi có người đã mất đưa vào, chị My lại bàn giao công việc cho người làm cùng rồi một tay cầm khăn lau, một tay xách theo xô nước và cây chổi ra phần mộ đã được định sẵn, lom khom lau dọn từng ngôi mộ thật tỉ mỉ.

"Có người về an táng lúc sáng sớm tinh mơ, tôi phải có mặt trước đó từ lúc 3 giờ để chuẩn bị. Ca nào cũng thế, tôi là người đến sớm nhất và ra về sau cùng khi việc an táng hoàn tất. Ngày nào nhiều ca, tôi chỉ ngủ 2 - 3 tiếng", chị My bộc bạch.

Chuyện người phụ nữ làm bảo vệ cho người âm, ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà  - Ảnh 4.

Chị My lau dọn phần mộ cho người đã mất

Đ.H

Chị My cho rằng, người Việt có quan niệm "trần sao, âm vậy", khi sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia ai cũng mong được an táng ở nơi tương tự. Bởi vậy, khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm trọn đạo hiếu.

Món quà 8.3 đặc biệt từ con gái

Là người phụ nữ chịu khó, can đảm, dám trông coi nghĩa trang ban đêm nhưng khi nhắc về gia đình chị My có chút buồn. Chị kể, công việc này giúp chị có thể lo cho cuộc sống gia đình nhưng khiến chị và chồng gặp một chút hiểu lầm do đặc thù phải đi đêm, không ở nhà thường xuyên được.

Người phụ nữ 45 tuổi vẫn hy vọng một ngày nào đó, chồng có thể hiểu và đồng cảm với công việc của vợ.

Trong ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, ngày đặc biệt của phụ nữ nhưng chị Mỵ vẫn phải đi trực như thường ngày. Tuy nhiên, chị cũng đã hứa trong ngày sẽ sắp xếp thời gian về bên con gái, mua tặng con món quà hoặc đưa con đi chơi.

"Tôi có 2 người con gái, cháu lớn đã lấy chồng nhưng vẫn thường xuyên về thăm mẹ và có những món quà khiến mẹ bất ngờ trong nhiều năm nay. Còn cháu thứ 2 năm nay cũng đã lên lớp 6, thấy mẹ vất vả nên những ngày như 8.3 hay sinh nhật mẹ, cháu đều lấy tiền tiết kiệm ăn sáng để mua quà tặng mẹ. Với tôi, đó là những món quà lớn nhất", chị tâm sự.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.