|
Thị hiếu game thủ Việt khó đoán
Người Việt chơi game rất nhiều, đòi hỏi tuy cao nhưng lại rất thấp. Sở dĩ khẳng định như vậy bởi thị hiếu chơi game của người Việt có thể phân loại thứ tự từ cao xuống thấp, theo các thể loại game, như sau: game bài bạc, bắn súng, nhập vai, chiến thuật, và cuối cùng là những thể loại game đơn giản như casual. Sở thích của game thủ Việt rất cao bởi các thể loại game được yêu thích nhất luôn là game lớn và khó phát triển nhất, nhưng cũng rất thấp bởi rất nhiều trong số các game đang có tại Việt Nam hiện nay không hẳn là hay (thậm chí rất nhiều trong số đó sao chép từ game khác), mà chỉ nổi lên nhờ nhiều chiêu PR của các nhà phát hành.
Đối với loại game bài bạc, các studio phát triển game có ý thức đều tuyệt đối tránh xa. Các thể loại bắn súng, nhập vai, chiến thuật lại quá sức. Điều mà họ có thể làm được chính là các game casual đơn giản, dễ chơi. Trong trường hợp đó, “sân nhà” lại chẳng phải là mảnh đất màu mỡ như “đất khách” - với Flappy bird là một ví dụ khi liên tiếp chinh phục các thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, trong khi game thủ nước nhà lại chẳng có một mảy may ý niệm nào về “chú chim nhỏ” này.
Trong trường hợp này, ý thức “Người Việt dùng hàng Việt” dường như không có tác dụng.
Ở Việt Nam, hầu như không có được những nền tảng đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển cả nền công nghiệp đó. Lấy ví dụ của JOY Entertainment, đơn vị vừa cho chạy thử nghiệm (Open Beta) tựa game bắn súng đầy triển vọng mang tên Chiến binh CS. Đây vốn là một dự án được JOY Entertainment ấp ủ trong 2 năm, với tổng vốn đầu tư vào khoảng 2 tỉ đồng. 2 tỉ có thể là một con số khá nhỏ so với các dự án mua game “triệu đô”, nhưng với một studio còn non trẻ như JOY Entertainment, đó là cả một canh bạc lớn.
JOY Entertainment là một thiểu số “đang nằm trong sách đỏ” với quan điểm dám nghĩ dám làm. Toàn bộ số tiền để đầu tư vào Chiến binh CS đều do các thành viên sáng lập huy động gia đình và bạn bè, thậm chí làm việc không công suốt 2 năm trời.
Quá trình JOY Entertainment đến với các nhà phát hành uy tín tại Việt Nam để chào hàng sản phẩm và tìm kiếm sự bảo hộ phát hành trong nước lại là một quãng đường gian nan khác. Rất nhiều nhà phát hành lớn đều đã tỏ thái độ thờ ơ, ngó lơ, thậm chí từ chối thẳng thừng bởi quan điểm chỉ làm việc với những game đã chứng minh khả năng thu lợi nhanh nhất. Chính vì vậy mà các nhà phát hành Việt thà bỏ ra gấp 4 lần số tiền để nhập một game nào đó đã chạy từ nước ngoài, còn hơn đầu tư cho một tựa game Việt còn đang trong quá trình phát triển.
Ước mơ chinh phục thị trường quốc tế
Tuy nhiên, cuối cùng thì ước mơ của các thành viên JOY Entertainment cũng đã thành hiện thực khi Chiến binh CS nhận được cái gật đầu của 2 nhà phát hành CMN Online và Wasabi - tạo ra một “liên minh” giữa nhà phát triển - đơn vị vận hành - đơn vị phụ trách truyền thông.
Chiến binh CS đã chính thức chạy Open Beta hồi giữa tuần với tiêu chí phát triển đường dài theo hướng của một game thể thao điện tử trên nền tảng di động. Ông Lê Giang Anh, CEO của JOY Entertainment cho biết: “Chọn phát triển game eSports là hướng đi rất khó, nhưng chúng tôi đánh giá đó là xu hướng rất mạnh trong tương lai gần. Bên cạnh đó, chọn việc khó ngay từ đầu sẽ giúp chúng tôi tích lũy được kinh nghiệm và nền tảng để làm những việc khó hơn nữa. Khi đó JOY Entertainment sẽ ngày càng có nhiều tựa game chất lượng cho game thủ Việt, và hy vọng sẽ thành công trên thị trường quốc tế”.
Hiện tại, xét về danh tiếng, tựa game bắn súng góc nhìn người thứ 3 trên nền tảng di động (Android và iOS) Chiến binh CS vẫn chỉ là “lính mới” khi vừa được tung ra vài ngày. Nhưng xét về chất lượng, đây có thể là một tựa game do người Việt phát triển được đầu tư công phu và có chất lượng thuộc hàng tốt nhất từ trước đến nay.
Làm game tại Việt Nam có thể “trăm điều khó”, nhưng với niềm đam mê vô tận, cộng chút liều lĩnh, và tư tưởng dám nghĩ dám làm, các bạn trẻ vẫn hoàn toàn đủ khả năng để làm nên chuyện.
Kim Chao
>> Kỷ lục mới trong ngành game
>> Chơi game kiếm gần 70 triệu/tháng
>> Chơi game bằng mắt
>> Chơi game cùng chân dài
>> Chơi game làm tăng kích thước não
Bình luận (0)