|
1. Trần Mậu Đức là bệnh nhân đầu tiên được ghép tim tại Bệnh viện TƯ Huế vào năm 2011. Đây cũng là ca ghép tim đầu tiên do chính bác sĩ VN thực hiện từ người cho chết não. Khi chúng tôi gặp Trần Mậu Đức tại nhà trên đường Nguyễn Công Trứ (TP.Huế) để viết bài “Sống bằng trái tim người khác” lúc ấy Đức vừa ghép tim được một năm, sức khỏe diễn tiến tốt, nhưng điều mà anh băn khoăn nhất đó là việc làm. Với tình trạng sức khỏe sau ghép tim, Đức muốn có một công việc ổn định để giúp gia đình, vừa có điều kiện để tái khám, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Với một thanh niên không có trình độ chuyên môn, trước đó chỉ làm lao động phổ thông, kiếm một công việc có thu nhập nhưng lại hội đủ các yếu tố trên là vô cùng nan giải. Vì vậy, hàng ngày, Đức phải giúp vợ đi lấy rau xanh ở chợ đầu mối về bán ở chợ Cống (P.Xuân Phú). Công việc tuy không nặng nhọc là bao, nhưng buổi sáng phải thức dậy từ tinh mơ và với sức khỏe của Đức điều đó không mấy phù hợp.
Thế rồi, bẵng đi một thời gian, bỗng tôi gặp lại Đức trong bối cảnh đang là nhân viên hợp đồng giữ xe của Bệnh viện TƯ Huế. Đức tâm sự: “Em được bác Phú (GS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế) sinh ra lần thứ hai đã là một may mắn. Giờ lại được cho làm việc ở bệnh viện thật là một hạnh phúc không gì bằng. Em xem bác Phú như người cha thứ hai của mình vậy”. Đức kể, sau ghép tim, thấy hoàn cảnh của Đức khó khăn, lại phải theo dõi sức khỏe thường xuyên, nên bác Phú đã tạo điều kiện cho em làm nhân viên giữ xe của bệnh viện. Mới đây, Đức còn thêm niềm vui là vợ vừa sinh thêm được một đứa con gái kháu khỉnh. Lành bệnh, lại được tạo điều kiện để có việc làm ổn định, đó là câu chuyện nhân văn chỉ có thể có ở Bệnh viện TƯ Huế, nơi được người dân Huế nhiều thập kỉ trước vẫn quen gọi “Nhà thương Huế”.
2. Ngày 5.9.2012, tại Bệnh viện TƯ Huế đã diễn ra một sự kiện đặc biệt khác được báo chí cả nước quan tâm. Bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (37 tuổi, trú tại thị trấn Thới Lai, TP.Cần Thơ) sau sự cố bị “cắt nhầm” hai quả thận tại BV đa khoa Cần Thơ, đã được Bệnh viện TƯ Huế ghép thận trở lại thành công và xuất viện. Khi được bác sĩ thông báo kết quả ca ghép thận đã thành công, các chỉ số sức khỏe đảm bảo để xuất viện, chị Tú cùng với con trai và chồng ôm chầm lấy nhau, vỡ òa trong niềm hạnh phúc nghẹn ngào.
Trong buổi gặp mặt trước khi xuất viện, vợ chồng chị Hứa Cẩm Tú đã có một lá thư cảm động để cảm ơn các y bác sĩ của Bệnh viện TƯ Huế: “Các bác ơi! Những đêm trước ngày con ra Huế, con đã suy nghĩ rất nhiều. Sức khỏe không còn, lại phải ra ở nơi xứ lạ quê người. Không một người thân…liệu con có vượt qua được không? Thế rồi, những ngày ở Huế hoàn toàn khác với những điều con đã nghĩ. Con được chăm lo, săc sóc, gần gũi, tận tình…Con nghe rất nhiều về câu “lương y như từ mẫu” nhưng con mới tận mắt chứng kiến những giọt mồ hôi, nước mắt của người thầy thuốc ngay tại đây khi các bác nhìn thấy con tỉnh lại sau những ca mổ dài…Bệnh viện TƯ Huế đã sinh con ra lại lần thứ hai!”.
|
3. Ngày 21.11 vừa qua, tại Bệnh viện TƯ Huế lại diễn ra thêm một sự kiện đặc biệt, lễ công bố kết quả thành công ca điều trị thứ hai bệnh nhân ung thư buồng trứng bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Bệnh nhân là chị Trần Thị Thu (48 tuổi, trú tại P Kim Long, TP.Huế) bị ung thư buồng trứng giai đoạn muộn, tiên lượng khó phẫu thuật. Chị Thu đã được Bệnh viện TƯ Huế thực hiện phương pháp điều trị hóa chất liều cao, kết hợp với cấy ghép tế bào gốc. Sau gần một năm điều trị, chị Thu đã hoàn toàn lui bệnh, các chỉ số sức khỏe đều diễn tiến tốt.
PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó giám đốc Bệnh viện TƯ Huế, chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là kết quả đề tài nhà nước về “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện TƯ Huế thực hiện. “Trước đó, nhiều thế hệ giáo sư, bác sĩ bậc thầy của chúng tôi cũng rất trăn trở, nhưng chưa làm được vì điều kiện không cho phép. Để có được kết quả thành công này là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều khoa chuyên môn, bên cạnh đó còn nhờ vào điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện TƯ Huế mới có thể thực hiện được phương pháp điều trị này”, PGS Nguyễn Duy Thăng nói.
Trước đó, vào tháng 3.2014, ca điều trị ung thư bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc đầu tiên cũng đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện TƯ Huế cho bệnh nhân Lê Thị S. bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Hiện tại, sức khỏe của chị S. tốt.
4. Lâu nay, các bác sĩ VN muốn nâng cao tay nghề với các kỹ thuật cao thường phải đi ra nước ngoài để học tập. Thế nhưng mới đây, trong năm 2014, lần đầu tiên Bệnh viện TƯ Huế đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ nước ngoài đến từ các trung tâm y tế lớn của khu vực. Đó là khóa đào tạo tập huấn về kỹ thuật phẫu thuật nội soi đại trực tràng cho các bác sĩ đến từ các bệnh viện Singapore và Nhật Bản, do Bệnh viên TƯ Huế phối hợp với tổ chức Johnson &Johnson tổ chức. Đây là các loại phẫu thuật nội soi cao cấp được Bệnh viện TƯ Huế thực hiện thành công lần đầu tiên tại VN và thế giới. PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Phó giám đốc Bệnh viện TƯ Huế, chủ trì khóa đào tạo cho biết: “Trước đây cũng có nhiều cá nhân là bác sĩ nước ngoài đến học tập kinh nghiệm nhưng mang tính chất riêng lẻ. Từ khi bệnh viện chính thức đào tạo về kỹ thuật nội soi cao cấp cho bác sĩ nước ngoài (khóa đầu tiên cho bác sĩ Philippines ngày 17.9), việc chuyển giao kỹ thuật nội noi cao cấp cho các bác sĩ các nước trong khu vực đã được tổ chức nhiều hơn. Việc đào tạo này có được là nhờ kỹ thuật nội soi đại trực tràng của chúng tôi được ghi nhận tại nhiều hội nghị quốc tế, các phẫu thuật viên đã được đào tạo bài bản ở Mỹ, Pháp, Nhật...”
Trước đó, Bệnh viện TƯ Huế cũng đã tổ chức lớp tập huấn về phẫu thuật nội soi đại trực tràng cho nhiều phẫu thuật viên nước ngoài đến từ Philippines, Indonesia và Malasia.
Có đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, giàu y đức đó là truyền thống và cũng là thương hiệu của Bệnh viện Tư Huế.
Được thành lập theo sắc lệnh của vua Thành Thái năm thứ 6 (năm 1894), với tên gọi Nhà thương Huế, đến năm 1944 được đổi tên là Bệnh viện TƯ Huế. Hiện nay, Bệnh viện TƯ Huế là một trong số ít bệnh viện đa khoa lớn, tiên tiến nhất ở VN có đội ngũ y bác sĩ gần 2.500 người, trong đó có 2 giáo sư, 5 phó giáo sư, 27 tiến sĩ, 82 bác sĩ chuyên khoa II, 95 bác sĩ chuyên khoa I và hơn 200 thạc sĩ, 400 bác sĩ với trình độ sau đại học chiếm đến 70%, hơn 200 cán bộ được tu nghiệp ở nước ngoài từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Từ đội ngũ hùng hậu này đã hình thành 7 trung tâm, 56 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 11 phòng chức năng... Năm 2009, Biện viện TƯ Huế được xếp hạng bệnh viện đặc biệt; Năm 2000, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Nhân kỷ niệm 120 năm thành lập, Bệnh viện TƯ Huế vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng nhất lần thứ 2. |
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)