Các thế hệ học sinh (HS) từ 9X trở về trước có lẽ không xa lạ gì với chuyện phân công làm vệ sinh lớp học. Vào ngày trực, HS sẽ đi sớm hay về trễ một chút để quét dọn lớp học, chuẩn bị phấn viết, khăn lau bảng… Qua hoạt động này, HS ngày đó ít nhiều cũng biết được những thao tác đơn giản (mà ngày nay được gọi là kỹ năng) để làm sạch môi trường xung quanh mình; có những trải nghiệm, bài học thực tế về lao động và thói quen, ý thức giữ vệ sinh chung cũng như tinh thần chia sẻ công việc với gia đình, xã hội.
Lớp HS ngày đó nay đã trở thành cha mẹ nhưng vấn đề của ngày trước, giờ lại được nhìn nhận theo chiều kích khác nhau dẫn đến những phản ứng, suy nghĩ gây tranh cãi.
Với lý do ngày nay HS phải học nhiều hơn, lại học thêm căng thẳng nên theo yêu cầu của phụ huynh, phần lớn nhiều trường không còn để HS tự làm vệ sinh lớp mà thay vào đó là góp tiền thuê người thực hiện. Từ đây phát sinh thêm khoản thu phụ huynh phải đóng vào mỗi năm học. Điều này không chỉ gây ra thắc mắc về các khoản thu "lạ" mà còn dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười gây bức xúc.
Như mới đây phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (H.Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh với báo chí về việc đầu năm học được thông báo mỗi tháng cần đóng tiền để thuê người dọn vệ sinh lớp học, nếu không thuê, phụ huynh sẽ đến trường vào 17 giờ hằng ngày để trực nhật thay con em mình. Cách giải quyết này khoét sâu nỗi bức xúc của phụ huynh về chuyện các khoản thu đầu mỗi năm học.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng đến dạy HS phát triển kỹ năng toàn diện thay vì chỉ tập trung vào kiến thức. Quan điểm giáo dục này thể hiện rõ qua việc thiết kế chương trình học; thay đổi cách đánh giá, thi cử; đổi mới cách ra đề thi theo hướng vận dụng thực tiễn; xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm… Nếu theo đúng tinh thần này, HS được bước ra đời thực từ bài học trong nhà trường.
Việc cho HS tự vệ sinh lớp học, do đó cũng nên xem là một kỹ năng cần thiết trong chương trình giúp HS có thói quen lao động. Nhưng để phát triển thành thói quen, ý thức thì hành động này cần được lặp lại thường xuyên chứ không chỉ dừng lại ở một vài buổi học, hoạt động ngoại khóa rồi thôi. Làm được điều này, cần thiết phải có sự phối hợp, đồng lòng giữa nhà trường và gia đình.
Thỉnh thoảng phụ huynh vẫn phàn nàn sao con lớn rồi mà không biết giữ vệ sinh phòng ở sạch sẽ. Có thể vì các em được phục vụ mọi thứ, cha mẹ, người lớn làm thay tất cả khiến các em mất dần thói quen, ý thức biết giữ vệ sinh ngay chính căn phòng của mình. Nói như thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi thuê người làm vệ sinh cho HS hay cha mẹ giành làm hết mọi việc thực chất là cướp đi quyền lao động của con mình, gây mất cân bằng trong giáo dục toàn diện, dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống sau này.
Là người lớn, chúng ta đều biết trong cuộc sống, có những khi điều giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng không phải là kiến thức sách vở mà lại là những kỹ năng, thói quen tốt được tích lũy từng ngày.
Bình luận (0)