Chuyện nhỏ, khó lớn

27/04/2018 05:19 GMT+7

Ít ai ngờ, chỉ việc đánh số tầng chung cư cũng có thể khiến hàng trăm, hàng ngàn hộ dân bị treo quyền lợi cả năm trời.

Chuyện là Bộ Xây dựng quy định đánh số tầng bắt đầu từ số 1 còn TP.HCM thì bắt đầu từ số 0; Bộ quy định tầng hầm là N1, N2…, còn TP.HCM yêu cầu là H1, H2...
Chuyện nhỏ, rất nhỏ nhưng đi vào thực tế lại gây ra rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Bởi khi trình thẩm định dự án, xin cấp phép xây dựng thì phải theo quy định của Bộ nhưng tới khi hoàn công thì phải theo TP.
Đó là chưa kể còn có những “lệ làng” ở tùy quận, huyện. Thế là từ chủ đầu tư cho tới người dân cứ chạy tới chạy lui, có khi kéo dài thêm hàng năm trời mới có được số nhà để được cấp sổ đỏ, mới có thể đăng ký tạm trú, kê khai hộ khẩu, đăng ký định mức điện nước, xin học hành cho con cái...
Đáng nói là “chuyện nhỏ” này vẫn đang tồn tại ngay trong tâm điểm của công cuộc cải cách với cam kết cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh từ các bộ, ngành. Hồ sơ của cư dân chung cư CC1 - Jovita (Bình Chánh) vẫn phải chạy từ huyện lên Sở Xây dựng rồi lại bị trả về huyện ngay giữa cam kết “một cửa” của TP.HCM...
Chuyện nhỏ nhưng thành lớn bởi nó "treo" rất nhiều quyền lợi của người dân; nó góp thêm hàng năm trời vào thời gian làm thủ tục đã quá chậm chạp của ngành xây dựng từ lúc khởi công tới hoàn công một dự án mà không có đơn vị nào đứng ra thống nhất một cách đánh số. Có lẽ đây là điển hình nhất cho câu chuyện “trên nóng, dưới lạnh”; là khoảng trống giữa quyết tâm của Chính phủ và hiệu quả thực thi ở phía dưới.
Thực tế, đã có rất nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp (DN) về việc cắt giảm trên giấy, cắt giảm hình thức các thủ tục, điều kiện kinh doanh. Thế nên mới có chuyện, giấy phép con được loại bỏ, có hiệu lực hàng tháng nhưng hải quan không biết, vẫn yêu cầu kiểm tra; thực phẩm không rõ nguồn gốc đầy vỉa hè, chợ cóc không ai quan tâm còn DN “có tóc” thì tối ngày tiếp hết đoàn này đến đoàn kia kiểm tra; hay tình trạng chỉ cắt, giảm những điều kiện “nhìn” thấy được, còn cái chưa ai “tố” thì mặc kệ... Những chuyện tưởng nhỏ nhưng đang khiến nỗ lực của cả một bộ máy bị kéo trì.
Thay vì tập trung cạnh tranh với đối thủ, các DN của ta còn lo đối phó với bộ máy hành chính công; người dân có tiền thì thuê cò, không có tiền thì tốn rất nhiều thời gian, công sức khi có việc phải tới cửa công. Thủ tục chồng chéo không chỉ làm mất thời gian, tăng chi phí cho người dân và DN và là nỗi ám ảnh đối với họ. Đó là lý do Chính phủ quyết liệt cải cách bộ máy, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút cả vốn nội, vốn ngoại vào đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Nhưng chuyện nhỏ mà còn dửng dưng thì nói gì đến làm chuyện lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.