Chuyện ở các ngã tư

25/11/2015 08:32 GMT+7

Nhân chuyện ùn tắc giao thông và xả rác bừa bãi ở các ngã tư, tại sao không nghĩ tới chuyện lắp đặt camera để phạt nguội những hành vi vi phạm của người tham gia giao thông lẫn người thi hành công vụ?

Nhân chuyện ùn tắc giao thông và xả rác bừa bãi ở các ngã tư, tại sao không nghĩ tới chuyện lắp đặt camera để phạt nguội những hành vi vi phạm của người tham gia giao thông lẫn người thi hành công vụ?

Các ngã tư thường trở thành bãi rác do có 'đội quân' phát tờ rơi thường trực - Ảnh: Như LịchCác ngã tư thường trở thành bãi rác do có 'đội quân' phát tờ rơi thường trực - Ảnh: Như Lịch
Sài Gòn bây giờ gần như chỗ nào cũng kẹt xe, nhất là các ngã ba, ngã tư, vòng xoay. Trước chỉ kẹt giờ cao điểm, nay thì kẹt suốt ngày. Kẹt thì phải nhích từng chút, leo lề, luồn lách tìm lối thoát. Không được nữa thì chờ, nổ máy chán thì tắt và đợi. Lấy điện thoại ra gọi, nhắn tin, có khi còn chat. Đã có nhiều cuộc tình nảy nở từ các ngã tư. Có không ít va quệt, hiền thì xin lỗi xí xóa; dữ thì hò hét cự cãi thua đủ.
Nếu cứ bình tĩnh và trật tự thì trước sau cũng thông thoáng. Đằng này, chẳng ai chịu ai. Đám đông buộc phải chen lấn, phải leo vỉa hè vì đủng đỉnh coi chừng bị chửi. Xe gắn máy chen, xe ô tô cũng lấn, ép và bít luôn lối đi bộ, không ai nhường ai.
Để giảm bớt ùn tắc, ngành giao thông cho phép xe gắn máy được rẽ phải khi đèn đỏ nhưng cũng như không. Mấy xe chạy thẳng, thậm chí rẽ trái cũng vô tư choán hết đường rẽ phải. Vài người thì còn bóp còi hoặc xin xỏ mở lối chứ hàng chục xe bít lối thì vô phương. Sao không kẻ vạch cho lối rẽ phải nhỉ, đâu có tốn bao nhiêu tiền.
Việc các ngã tư trở thành những bãi rác là tín hiệu xấu, vô tình thừa nhận tình trạng có luật cũng như không. Pháp luật không còn là kỷ cương của xã hội mà chỉ là vật trang trí và để tự sướng với mình.
Ở một số nước châu Á, tranh thủ xe ô tô dừng đèn đỏ, người bán báo, bán bông và cả ăn xin tranh thủ hành nghề nhưng trật tự. Ở Ấn Độ còn có lũ quạ thông minh tận dụng. Chúng tha mấy hạt dẻ cứng ngắc, rải bên kia đường. Ô tô cán vỡ vỏ hạt, gặp đèn đỏ dừng lại. Bên kia đường, quạ nhẩn nha ra thưởng thức chiến lợi phẩm. Đèn vàng mở, quạ lại nhảy lên lề chờ đợi. Quạ Việt Nam không dám về thành phố, càng không dám ra đứng ngã tư.
Đường Việt Nam toàn xe gắn máy, ngã tư chen chúc nón bảo hiểm. Cánh marketing không bỏ lỡ cơ hội, biến các ngã tư trọng điểm thành nơi PR sản phẩm. Phổ biến nhất là tờ rơi, nội dung thượng vàng hạ cám. Từ dạy kèm, học thêm đến sản phẩm gia dụng. Từ điện máy, xe cộ, du lịch đến nhà đất… Một loại chợ tốc hành đa năng, còn gọi là sàn quảng cáo chớp nhoáng. Nườm nượm nhân viên hớn hở mời chào, phát tờ rơi, dúi tận tay người đi đường đang chờ đèn đỏ.
Chuyện chẳng có gì đáng nói. Có người phát thì có người nhận. Nhưng hỡi ơi, người nhận xong, xem qua quít liền vứt ngay xuống đường. Ngã tư bỗng trở thành bãi rác. Lạ là không thấy ai nhắc nhở, kể cả cảnh sát giao thông lẫn mấy em áo xanh phất cờ ngay đó. Du khách nước ngoài thấy cảnh đó chỉ biết nhún vai, lắc đầu ngao ngán. Chỉ tội công nhân vệ sinh, suốt ngày dọn dẹp mà như bắt cóc bỏ dĩa. Một người quét dọn cho hàng trăm người xả rác thì làm sao xuể. Càng bất công khi các sản phẩm quảng cáo thu lợi, còn công nhân vệ sinh với đồng lương còm cõi luôn phải tăng ca. Hoàn toàn có thể xử phạt người xả rác theo nghị định 179/2013 NĐ-CP. Các ngành chức năng sao chưa ra tay? Sẽ có thêm nguồn kinh phí kha khá để làm đẹp thành phố. Hay là đang chờ cấp trên chỉ đạo và cầm tay chỉ việc?
Nhân chuyện ùn tắc giao thông và xả rác bừa bãi ở các ngã tư, tại sao không nghĩ tới chuyện lắp đặt camera để xử phạt nguội tất cả hành vi vi phạm của người tham gia giao thông lẫn người thi hành công vụ? Lực lượng cảnh sát giao thông không thể rải đều khắp thành phố mọi lúc, mọi nơi. Sao không mời người dân tham gia giám sát, chụp hình vi phạm giao thông gởi về trung tâm quản lý để xử phạt? Làm được vậy, chắc chắn việc vi phạm luật giao thông sẽ giảm bớt?
Chẳng có việc nào dễ dàng cả nhưng phải tìm cách vượt qua, nếu không thì tình hình sẽ ngày càng tồi tệ, không thể nào kiểm soát. Việc các ngã tư trở thành những bãi rác là tín hiệu xấu, vô tình thừa nhận tình trạng có luật cũng như không. Pháp luật không còn là kỷ cương của xã hội mà chỉ là vật trang trí và để tự sướng với mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.