Như vẫn thường thấy mỗi khi một bến phà đóng cửa, là cảm giác bâng khuâng. Với một người từng qua lại không biết bao lần trên những con phà ở đây, nỗi bồi hồi ấy càng rõ rệt.
Không giống như bến Gót ở ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ) gắn với những huyền tích thơ mộng thời các vua Hùng dựng nước, bến Gót - Cái Viềng trong ký ức của tôi và thế hệ 7x trở về trước gắn với những chuyến phà đông đúc, lam lũ thời bao cấp.
Dọc đường xuống bến là những hàng quán đơn sơ với những món quà vặt dành cho những người nhẹ túi: dăm nải chuối lốm đốm xanh vàng, những chiếc bánh sắn tươi, những củ khoai, bắp ngô, trứng luộc, bỏng bộp... Chỉ cốc chè xanh, nước vối hay nhân trần với mấy cái kẹo lạc trong nửa tiếng chờ phà đã có thể khiến người ta trở thành tri kỷ, vợi hẳn nỗi nhọc đường xa.
Thế rồi, xã hội khấm khá lên, du khách thập phương đi nghỉ mát ở Cát Bà mỗi mùa hè cứ tăng dần. Bến Gót bắt đầu dập dìu những bộ váy áo muôn màu và những khuôn mặt tươi cười hớn hở. Ấy vậy nhưng cũng có không ít lần, những khuôn mặt ấy chuyển sang đăm chiêu, thậm chí giận dữ, bức xúc vì phải chờ đợi lâu trong tiết trời nóng nực.
Năm 2022, mùa du lịch "trả thù" sau Covid-19, nhiều du khách phải chịu cảnh ngủ qua đêm vật vạ vì tắc phà. Năm 2023, mùa cao điểm, ngày thường, phà phục vụ khoảng 10.000 lượt khách, ngày cuối tuần khoảng 13.000 lượt. Trung bình, có tới khoảng 700 chuyến phà chạy qua lại đôi bờ bến Gót - Cái Viềng. Khu vực bến phà Cái Viềng luôn trong tình trạng ùn ứ kéo dài hàng trăm mét. Ngày cuối tuần, nhiều người phải chờ đợi 3 - 4 giờ để được lên phà. Theo phản ánh của báo chí, lợi dụng tình trạng cung không đáp ứng được cầu, "cò phà" được dịp tung hoành.
Bể yên đã vậy, khi sóng to gió lớn, phà không vận hành được, thì lại chờ chực kéo dài, thậm chí vài ngày. Người lạc quan thì bảo, "ra đảo cơ mà"! Đôi chút cách trở là một trong những yếu tố khiến cho biển đảo trở nên thu hút hơn. Nhưng cũng không ít người ngao ngán lắc đầu…
Bất chấp tất cả những điều đó, khi chiếc phà rời bến, để lại đảo Ngọc sau lưng, tự dưng nhóm bạn thân đồng hành của tôi đều im lặng. Mỗi người trong chúng tôi đều có những kỷ niệm với phà Gót, không ít lần cùng nhau và vô số lần khác nữa.
Với tôi, đó là kỷ niệm về một lần lỡ phà. Có việc quan trọng phải về lại Hà Nội gấp, nhưng khi tôi đến, chuyến phà cuối đã rời bến trước đó nửa tiếng, vào lúc 5 giờ chiều. May mắn sao, sau khi trình bày ngọn ngành, chúng tôi đã được lãnh đạo bến bố trí chạy thêm một chuyến phà nhỏ. Biển êm, bầu trời đêm đầy sao, mùi dầu khó chịu vẫn thường thấy như bay đi hết, chỉ còn lại những cơn gió biển mặn mòi. Ngay giây phút ấy, tôi biết mình gắn bó với vùng biển đảo này biết bao và sẽ còn trở lại nhiều lần nữa...
Theo Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, UBND thành phố đang cố gắng để hoàn tất mọi công việc liên quan, bao gồm cả bố trí công việc cho đội ngũ nhân sự gần 200 người của bến Gót, cũng như chuyển đổi công năng sử dụng của bến này sau khi giải phóng mặt bằng.
Vậy là sau phà Rừng, phà Bính, phà Đình Vũ, một bến phà nữa của Hải Phòng sẽ đi vào dĩ vãng. Điểm khác biệt là những chiếc phà đã gắn với bến Gót thì vẫn hoạt động, chỉ là chuyển sang một bến phà mới hiện đại, khang trang, rộng rãi hơn. Nhưng dù chuyển sang nhà mới, có phải là đôi khi bạn vẫn nhớ da diết căn nhà cũ hay không?
Bầu trời đêm mượt như nhung đính đầy kim cương năm ấy, cùng với bến Gót, vừa ở lại sau lưng tôi.
Theo chủ trương của UBND TP.Hải Phòng, bến phà Gót chính thức dừng hoạt động từ ngày 1.3.2024 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế. Cùng ngày này, bến phà Đồng Bài sẽ chạy chuyến phà đầu tiên chở khách từ H.Cát Hải sang đảo Cát Bà.
Đơn vị vận hành phà Đồng Bài cho biết, 9 phà (5 phà to và 4 phà nhỏ) đang hoạt động tại phà Gót sẽ được chuyển sang và tiếp tục hoạt động tại đây. Một doanh nghiệp đang khẩn trương đóng mới 5 chiếc phà hiện đại, tốc độ di chuyển nhanh hơn và sức chứa lớn hơn để phục vụ tuyến du lịch này. Việc thuê thêm phương tiện cũng đã được tính đến để giải tỏa tình trạng tắc nghẽn vào dịp cao điểm.
Bình luận (0)