Chuyện phải nói ở nghĩa trang Hàng Dương

18/07/2016 13:56 GMT+7

Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) là nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng. Cũng là điểm hành hương lịch sử của người VN. Nhưng ngay giữa nơi tôn nghiêm ấy, người ta vẫn “xông vào’ quảng bá cho doanh nghiệp và bản thân.

Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là trọng điểm du lịch độc đáo về biển đảo, đặc biệt là du khách các tỉnh phía Bắc. Phương tiện đi lại còn khó khăn vì chỉ có máy bay ATR 72, dù mỗi ngày có trên chục chuyến (mỗi chuyến 72 ghế). Đường thuỷ thì quá xa (189km từ Vũng Tàu), chỉ chạy đêm và chưa có tàu cao tốc. Bù lại, biển cực đẹp. Đảo còn giữ được nét chân quê, chưa xô bồ, chụp giựt.
Côn Đảo cũng là điểm hành hương lịch sử, là trường “Đại học Cách Mạng” suốt 2 cuộc kháng chiến. Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ lẫm liệt của 1.803 chiến sĩ cách Mạng và những người yêu nước, trong tổng số gần 20.000 người đã hy sinh trên đảo. Tiêu biểu như Tiểu La - Nguyễn Thành (1863 - 1911), chí sĩ Nguyễn An Ninh (1900 - 1943), Tổng bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942), anh hùng Võ Thị Sáu (1933 - 1952), anh hùng Lê Văn Việt (1937 – 1966)...
Giữa chốn linh thiêng, ai cũng “đi nhẹ, nói khẽ, lắng lòng”. Nhưng rồi người ta chợt thấy nhức mắt trước thói khoa trương, kệch cỡm của nhiều người đang sống. Không chỉ kể công mà còn tìm cách quảng cáo cho cá nhân, gia đình và cơ quan mình qua việc tặng cây, tặng ghế. Đó là việc làm nhố nhăng trước vong linh của các anh hùng liệt sĩ, những người mà sự hy sinh của họ không thể đong đếm. 
Nghĩa trang Hàng Dương là điểm hành hương đông khách nhất ở Côn Đảo, cả ngày lẫn đêm. Anh hùng Võ Thị Sáu với nhiều giai thoại linh thiêng đã hiển thánh trong lòng người dân Việt. Nhiều người Việt xa quê cũng tìm đến viếng. Ai đến Hàng Dương cũng lạnh người cảm xúc. Người nước mắt lã chã, người cố nuốt nước mắt vào trong trước hàng ngàn nấm mộ bình dị như cuộc đời cao cả tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng hy sinh tất cả, chấp nhận mọi hình thức tra tấn dã man để giữ được lòng trung với nước, với cách mạng. Rất nhiều nấm mộ còn chưa có tên. Mỗi lần đến Hàng Dương là dịp để soi lại mình, “xưng tội” với những người đã nằm xuống trên đảo. Họ đã chết cho chúng ta được sống.
Giữa chốn linh thiêng, ai cũng “đi nhẹ, nói khẽ, lắng lòng”. Nhưng rồi người ta chợt thấy nhức mắt trước thói khoa trương, kệch cỡm của nhiều người đang sống. Không chỉ kể công mà còn tìm cách quảng cáo cho cá nhân, gia đình và cơ quan mình qua việc tặng cây, tặng ghế. Đó là việc làm nhố nhăng trước vong linh của các anh hùng liệt sĩ, những người mà sự hy sinh của họ không thể đong đếm. Mới tặng cái ghế đá, hay chậu kiểng đã kể lể công đức kiểu đó thì bất kính. Không chỉ kể một lần mà kể suốt ngày đêm qua hàng chục năm. Các cây trồng, chậu kiểng, ghế đá… đều có bảng tặng. Các anh hùng liệt sĩ không cần thứ quà tặng háo danh đó. Một số ghế đá chỉ ghi tên đơn vị như cách đổi quảng cáo. Quảng cáo trên từng xe buýt mỗi năm cũng tính trên chục triệu. Còn quảng cáo trên ghế đá Hàng Dương chỉ hơn triệu mà mấy chục năm, thậm chí cả trăm năm. Lại được “ngồi chung” với các anh hùng liệt sĩ thì hết chỗ nói.
Thói khoa trương này chỉ Việt Nam mới có. Chốn công cộng cũng đã khó chịu rồi. Muốn quảng cáo thì cứ theo luật và giá cả quảng cáo. Hàng Dương là chốn linh thiêng và tôn nghiêm, không thể chấp nhận. Mấy bạn tôi ở nước ngoài về, đến viếng nghĩa trang hàng Dương, rất bức xúc. Họ nhờ tôi đề nghị với ban quản lý nghĩa trang, cho tháo gỡ các biển hiệu kệch cỡm, xóa bỏ các dòng chữ khoe khoang đó. Nếu không thì “trục xuất”, trả lại cho mấy kẻ háo danh. Nhân dân sẽ góp tiền mua cái khác tặng, với tất cả chân tình và lòng biết ơn vô tận. Hãy giữ cho nghĩa trang Hàng Dương mãi mãi là chốn tôn nghiêm và linh thiêng như thủa ban đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.