Chuyện phía sau bức ảnh cô học trò gục trước nấm mồ cha mẹ chôn vội

31/10/2020 09:37 GMT+7

Nhận tin ngôi làng mình ở bị “xóa sổ” bởi sạt lở núi, cô học trò tức tốc chạy về thì chỉ còn 2 nấm mồ của cha mẹ được người dân chôn vội sau khi tìm thấy thi thể vào sáng 29.10.

 Bức ảnh khoảnh khắc nữ sinh gục khóc nức nở đã khiến hàng triệu cư dân mạng nhói đau.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

“Ba mẹ mất rồi, anh em sống làm sao?”

Cả ngày hôm qua, mạng xã hội liên tục chia sẻ tấm ảnh của một thầy giáo ở Nam Trà My ghi lại khoảnh khắc tận cùng nỗi đau của thảm nạn Trà Leng. Cô học trò trong tấm ảnh đau đớn trên là em Hồ Thị Điệp (lớp 11, Trường THPT Nam Trà My). Hai nấm mồ được người dân chôn cất vội chính là của ba mẹ Điệp, hai trong số những nạn nhân xấu số vụ sạt lở ở thôn 1 (xã Trà Leng, H.Nam Trà My, Quảng Nam). Thầy Trần Thanh Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My, chính là tác giả của bức ảnh.
4 anh em Điệp

4 anh em Điệp

Rạng sáng 29.10, khi nhận được tin cả thôn 1 xã Trà Leng bị vùi lấp do sạt lở, Điệp gọi thầy cô và nói rằng không liên lạc được với ba mẹ. Báo xong tin, Điệp bị sốc, rồi gục xuống khóc nức nở.
Theo thầy Quốc, Điệp còn có hai anh trai đang học đại học và một em trai đang học lớp 9. Em trai Điệp là một trong những nạn nhân may mắn sống sót, hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Sau khi trấn an tinh thần Điệp, thầy Quốc và một số giáo viên đã dắt Điệp về lại làng mình. “Chúng tôi phải mất gần 5 giờ đồng hồ, chỗ nào sạt lở, thầy cô phải thay nhau khiêng xe qua. Khi đặt chân tới đầu dốc thấy đống đổ nát, lúc này người dân cũng vừa khiêng người ra đi cấp cứu và nói đã tìm được ba mẹ Điệp, rồi chôn cất xong. Nghe xong câu nói, Điệp ngã quỵ xuống”, thầy Thanh Quốc nhớ lại.
Khi người làng dẫn em tới hai đống đất được phủ bạt và nói dưới đó là ba mẹ em, Điệp liền chạy đến ôm cả hai nấm mồ lạnh ngắt vừa được đắp xong rồi gục xuống.
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, em Hồ Thị Điệp vẫn chưa hết bàng hoàng, em nói câu được câu mất. “Đau đớn lắm ạ! Ba mẹ mất rồi, 4 anh em phải sống sao đây?”, Điệp nói rồi khóc nức nở qua điện thoại. Theo Điệp, khi nghe tin ngôi làng bị vùi lấp, em đã mượn điện thoại của bạn liên tục gọi cho ba mẹ nhưng đều không được. “Ngôi làng em lớn lên, biết bao kỷ niệm dường như đã bị san phẳng. Em trở về và trông thấy là hai nấm mồ được làm cạnh nhau, có ba mẹ em nằm trong đó. Buồn lắm! Em không biết rồi đây cuộc sống của chúng em sẽ ra sao nữa”, Điệp nấc nghẹn.

Sáng 31.10, nỗ lực tìm kiếm những người mất tích vì sạt lở ở Trà Leng

Chúng tôi sẽ như ba mẹ của em

Sau khi đọc báo và nghe tin, Hồ Văn Trí (21 tuổi, anh trai Điệp) đang học đại học ở Huế đã tức tốc bắt xe về. Khi về đến làng, Trí cũng như mọi người, không tin nổi vào mắt mình khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. “Sáng 28.10, ba mẹ có điện ra dặn dò em là mưa bão phải hết sức cẩn thận. Cuối giờ chiều em điện lại cho ba mẹ thì không được. Em không ngờ đó lại là lần cuối cùng em có thể nói chuyện với ba mẹ”, Trí nghẹn lại.
Thầy Trần Thanh Quốc cho hay gia đình em Điệp vô cùng khó khăn. Mà hầu như không riêng gì em Điệp, hơn 470 học sinh đang theo học ở trường đều khó khăn vì 100% các em là con em đồng bào thiểu số. “Đối với trường hợp của em Điệp thì các thầy cô trong trường thống nhất sẽ cùng nhau cưu mang Điệp trong thời gian dài khi em còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí chúng tôi sẽ là người cha, người mẹ thứ 2 để lo cho anh chị em Điệp”, thầy Quốc nói.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cũng thốt lên khi nhìn thấy bức ảnh trên: “Quá xót xa! Tôi từng xông pha chiến trường, từng chứng kiến đồng đội ngã xuống nhưng khi xem bức ảnh cô học trò gục khóc bên hai nấm mồ cha mẹ, dù cứng rắn đến đâu thì tôi cũng không cầm được nước mắt. Quá tang thương. Các em còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau đớn vô vàn này”.
“Chúng tôi đã bàn với nhà trường sẽ lo cho các em có cha mẹ mất trong vụ sạt lở đến khi các em ra trường. Nếu các em vào đại học, chúng tôi cũng sẽ có nhiệm vụ kêu gọi các mạnh thường quân để hỗ trợ, chăm lo cho các em”, ông Hà Thanh Quốc khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.