Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học
Theo Bộ GD-ĐT sau 6 năm thực hiện, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22.8.2018 đã có một số điểm không còn phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới và với thực tiễn.
Thông tư số 22 được ban hành sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước và trong thực hiện của cơ sở giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học.
Đáng chú ý, thông tư mới đã sửa đổi theo hướng phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho giám đốc sở GD-ĐT; bổ sung những quy định mới theo hướng thực hiện phân cấp mạnh từ cấp Bộ GD-ĐT đến cấp UBND cấp tỉnh cho sở GD-ĐT.
Cụ thể, việc thành lập đoàn đánh giá ngoài và thẩm quyền cấp và thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học theo phân cấp tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do giám đốc sở GD-ĐT ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (trước đây, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá này).
Cùng với đó, giao nhiệm vụ tập huấn đánh giá ngoài cho sở GD-ĐT để các sở chủ động, đáp ứng nhu cầu trong thực hiện kế hoạch đánh giá ngoài của địa phương.
Giảm thời gian nâng cấp độ kiểm định chất lượng
Về tiêu chuẩn đánh giá, thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây để nếu nhà trường đạt KĐCLGD ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt KĐCLGD ở cấp độ cao hơn. Quy định này, theo Bộ GD-ĐT, nhằm tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng.
Về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, thông tư mới đưa ra những quy định nhằm yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải chủ động đưa vào kế hoạch hằng năm việc phân công giáo viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Một điểm mới nữa của Thông tư 22 là đã đưa vào quy định nhà trường được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư.
Theo Bộ GD-ĐT, thông tư này được triển khai sẽ là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn.
Theo số liệu thống kê từ 63 sở GD-ĐT, tính đến ngày 31.5 vừa qua, toàn quốc có 60,9% trường mầm non, 65,9% trường tiểu học, 71,2% trường THCS, 54,8% trường THPT, 47,1% trường phổ thông có nhiều cấp học đạt KĐCLGD; toàn quốc có 55,4% trường mầm non, 62,4% trường tiểu học, 67,3% trường THCS, 48,8% trường THPT, 44,3% trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.
Bình luận (0)