Đặc biệt, sau tuyên bố của Bệnh viện K rằng các thông tin không hay về bệnh viện này là "bịa đặt, vu khống", càng khiến số lượng người phản ứng trên mạng xã hội bằng các bình luận xác nhận điều chị Tâm phản ánh là đúng, tăng lên. Thậm chí, đã xuất hiện những clip nhiều bệnh nhân đồng thanh xác nhận việc phải đưa tiền để được xạ trị, rồi những clip cá nhân người bệnh hay người nhà họ "tố" tình trạng này cũng lần lượt được đưa ra.
Phản ứng mang tính xã hội này một lần nữa xác nhận "không có lửa làm sao có khói", bởi thật khó để nói rằng dư luận "đồng lòng" bịa đặt cho một bệnh viện ở phạm vi rộng và mức độ bức xúc đến như thế.
Vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là thái độ của Bộ Y tế như thế nào? Ngay sau khi thông tin sự việc gây bức xúc xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện K yêu cầu rà soát, báo cáo nhưng đáng tiếc rằng cũng chỉ dừng lại ở những chỉ đạo chung chung "tăng cường", "quyết liệt", "kịp thời khắc phục" hoặc xoa dịu dư luận.
Báo chí cũng không được tham dự đầy đủ cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế với Bệnh viện K chiều 23.8, nhưng theo thông cáo được phát đi sau đó thì cuộc làm việc đã dường như không đi sâu làm rõ việc người dân phản ánh tiêu cực, cũng không thấy chỉ ra các giải pháp cụ thể để chấn chỉnh. Vẫn là những chỉ đạo chung chung như mọi cuộc họp bình thường khác.
Các diễn biến trên cho thấy có vẻ như sự việc đang chưa được Bộ Y tế đặt đúng mức độ nghiêm trọng của nó.
Việc rất đông người đồng loạt tố cáo tiêu cực ở Bệnh viện K không thể coi là vấn đề nhỏ. Dù số tiền mỗi người bệnh phải kẹp trong phiếu xạ trị chỉ là 200.000 đồng, Bộ Y tế có thể coi là "số lẻ", nhưng đối tượng chịu ảnh hưởng ở đây là những người yếu thế - bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nên xét dưới góc độ đạo đức xã hội là chuyện lớn.
Chưa kể, theo số liệu công bố thì mỗi ngày nhu cầu xạ trị của bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K là khoảng hơn 2.000 người, trong đó có khoảng hơn 1.000 người được phục vụ, nếu đem nhân với con số người dân tố cáo phải "lót tay" 200.000 đồng/lần xạ trị là một con số càng không hề nhỏ.
Nhưng chuyện lớn nhất chính là sự việc này cho thấy cách thức vận hành lệch lạc ở một bệnh viện tuyến đầu, nơi cung cấp một loại dịch vụ công mà người dân không có quyền lựa chọn khác.
Vì vậy, Bộ Y tế cần coi đây là cơ hội để chấn chỉnh thái độ, tác phong, lề lối làm việc tại khu vực điều trị bệnh. Bộ cần nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá những vấn đề người dân tố cáo, cần thiết thanh tra ngay những nội dung liên quan đến tiêu cực; không nên trao hết quyền xác minh, làm rõ, kiểm tra cho phía bệnh viện, để tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
"Tái ông thất mã", trong cái rủi có cái may, đây chính là cơ hội tốt để Bộ Y tế thẳng tay làm rõ, xử lý nghiêm những tiêu cực, bảo vệ uy tín của ngành y tế và bảo vệ hình ảnh của những người thầy thuốc chân chính đang bị ảnh hưởng bởi những "con sâu làm rầu nồi canh".
Bình luận (0)