Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc:

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là sự tiếp nối truyền thống gần 30 năm quan hệ Việt - Mỹ

08/09/2023 17:16 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam từ ngày 10 - 11.9 là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ, khi các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều thăm Việt Nam.

Chuyến thăm rất đặc biệt

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí chiều 8.9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam từ ngày 10 - 11.9 là một chuyến thăm rất đặc biệt. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là sự tiếp nối truyền thống hai nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn báo chí chiều 8.9

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đồng thời, đây là lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Do đó, chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ, khi các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều thăm Việt Nam.

"Chuyến thăm cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại chung của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Ấn Độ Dương nói riêng. Đối với Mỹ, chuyến thăm thể hiện Mỹ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam", ông Ngọc khẳng định.

Đây cũng là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư tháng 2.1946 gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, đó là Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ.

Về hợp tác kinh tế, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, trong gần 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có sự phát triển vượt bậc, hết sức ấn tượng.

Năm 1995, thương mại hai chiều mới đạt 450 triệu USD thì đến năm 2022 đã đạt 123 tỉ USD. Việt Nam đã vươn lên rất nhanh chóng, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.

Từ năm 2002, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; đến năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã cán mốc 100 tỉ USD. Về đầu tư, Mỹ luôn nằm trong top nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, đã có hơn 11 tỉ USD đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam.

Ông Ngọc cho biết, những con số trên chưa kể đầu tư thông qua chi nhánh của công ty Mỹ từ các nước thứ ba. Điểm mới khác so với trước đây là một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Mỹ số vốn lên đến hàng tỉ USD, góp phần tạo hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động Mỹ.

Ưu tiên hợp tác thương mại, đầu tư

Về những lĩnh vực ưu tiên hợp tác sắp tới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, lĩnh vực hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục chiếm ưu tiên cao và tiếp tục là trọng tâm, nền tảng, đồng thời là động lực cho hợp tác chung trong quan hệ hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là sự tiếp nối truyền thống hai nước - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen tham quan nhà máy của Selex Motors, một start up về xe điện, trong ngày 20.7

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Hai bên sẽ tập trung vào những lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo.

KH-CN và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá, hai nước sẽ tập trung vào tạo nền tảng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...; đồng thời là các công nghệ phục vụ chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, nâng cao y tế, dược phẩm.

Lĩnh vực thứ 3 là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Theo Thứ trưởng Ngọc, đây là điểm sáng, có thể nói là hình mẫu trong hợp tác của hai nước.

Hai nước cũng sẽ tăng cường phối hợp trong ASEAN, APEC, Liên Hiệp Quốc và đặc biệt phối hợp với nhau để cùng xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.