Ngày 29.3, tiến sĩ - bác sĩ Trà Anh Duy (Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health) cho biết, kết quả xét nghiệm bệnh nhân H.M.K (35 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ TP.HCM) cho thấy có nồng độ kẽm trong máu bình thường, không bị thiếu kẽm. Nguyên nhân rối loạn cương nhẹ là do căng thẳng công việc, thiếu ngủ và lối sống ít vận động. Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa do bổ sung kẽm quá liều mà không có nhu cầu thực sự.
Bệnh nhân được khuyên ngưng bổ sung kẽm, điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Sau 2 tháng điều chỉnh lối sống và kiểm soát căng thẳng, tình trạng rối loạn cương cải thiện mà không cần dùng thêm bất kỳ thực phẩm chức năng nào.
Tương tự, bệnh nhân Q.H.N (nam, 28 tuổi, kỹ sư IT) đến khám tại Men's Health do xuất tinh sớm. Bệnh nhân từng xem TikTok và các mạng xã hội thông tin cho rằng xuất tinh sớm là do thiếu kẽm, bổ sung kẽm sẽ giúp kéo dài thời gian quan hệ. Vì vậy, khi đến khám, bệnh nhân kiên quyết yêu cầu bác sĩ kê đơn bổ sung kẽm dù chưa có bất kỳ xét nghiệm nào.
Lạm dụng kẽm khi không cần thiết có thể gây ra nhiều hệ quả cho sức khỏe
ẢNH MINH HỌA: AI
Theo bác sĩ Duy khi xét nghiệm nồng độ kẽm trong máu bệnh nhân N. hoàn toàn bình thường. Xuất tinh sớm không liên quan đến thiếu kẽm, mà chủ yếu do yếu tố tâm lý và kiểm soát phản xạ xuất tinh kém. Sau 3 tháng điều trị đúng hướng, bệnh nhân cải thiện đáng kể tình trạng xuất tinh sớm mà không cần bổ sung kẽm.
Bác sĩ Duy cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca bệnh liên quan đến hiểu lầm này, từ những trường hợp uống kẽm liên tục nhưng không thấy cải thiện cho đến những bệnh nhân khăng khăng đòi bác sĩ kê đơn bổ sung kẽm dù không cần thiết. Điều này cho thấy hậu quả tai hại của thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội.
Lượng kẽm mất đi trong mỗi lần xuất tinh
Bác sĩ Duy cho biết, kẽm (zinc) là một vi chất quan trọng giúp duy trì sản xuất testosterone, hỗ trợ chức năng sinh sản và cải thiện chất lượng tinh trùng. Theo nghiên cứu công bố trên Journal of Nutrition, thiếu kẽm có thể gây suy giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, điều này chủ yếu xảy ra ở những người bị thiếu kẽm nghiêm trọng do suy dinh dưỡng hoặc bệnh lý mạn tính, không phải do xuất tinh nhiều như các quảng cáo sai lệch đang tuyên truyền.
Theo nghiên cứu đăng trên American Journal of Clinical Nutrition, mỗi lần xuất tinh chỉ làm mất khoảng 0,5-1 mg kẽm, trong khi nam giới trưởng thành cần khoảng 11 mg kẽm/ngày. Như vậy, ngay cả khi một người xuất tinh hằng ngày, lượng kẽm mất đi vẫn rất nhỏ và không thể gây thiếu hụt kẽm nếu có chế độ ăn uống đầy đủ.
Hệ tiêu hóa có cơ chế điều chỉnh hấp thu kẽm tùy theo nhu cầu. Theo nghiên cứu khi lượng kẽm trong chế độ ăn giảm, cơ thể sẽ tự động tăng cường hấp thu kẽm từ ruột để duy trì mức độ cần thiết, hạn chế nguy cơ thiếu hụt.
Bác sĩ Duy cho biết, khi tiếp nhận các thông tin không chính xác như trên đã gây ra nhiều hậu quả cho nam giới như lạm dụng thực phẩm chức năng không cần thiết, gây rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng vi chất, tốn kém chi phí nhưng không giải quyết đúng vấn đề sức khỏe; điều trị sai hướng, bỏ qua nguyên nhân thực sự của các rối loạn sinh lý.
Nên bổ sung kẽm từ thực phẩm tự nhiên, chế độ ăn uống, tránh lạm dụng kẽm
ẢNH: L.C
Theo bác sĩ Duy, không phải cứ uống kẽm là sẽ tăng cường sinh lý, đặc biệt nếu không bị thiếu kẽm. Lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Không phải vấn đề sinh lý nào cũng liên quan đến thiếu kẽm, cần xác định nguyên nhân chính xác trước khi bổ sung bất kỳ vi chất nào. Tin vào quảng cáo sai lệch có thể dẫn đến lãng phí tiền bạc và điều trị sai hướng.
"Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy xuất tinh nhiều gây mất kẽm nghiêm trọng ở nam giới khỏe mạnh. Lượng kẽm mất đi trong mỗi lần xuất tinh rất nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể nếu có chế độ ăn uống hợp lý. Các quảng cáo thổi phồng tác hại của 'mất kẽm do xuất tinh' chỉ là chiêu trò bán thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm và hoang mang. Nam giới chỉ nên bổ sung kẽm khi có chỉ định từ bác sĩ và nên lấy kẽm từ thực phẩm tự nhiên để tránh tác dụng phụ từ việc dùng kẽm quá liều", bác sĩ Duy khẳng định.
"CHUYỆN THẦM KÍN" là tiểu mục đăng tải các bài viết liên quan đến giới tính, tình yêu, hôn nhân và đời sống tình dục.
Nội dung sẽ bao gồm:
Kiến thức giới tính: Thông tin về sinh lý nam và nữ, tuổi dậy thì, thay đổi cơ thể, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Tâm lý và tình yêu: Chia sẻ về tình cảm, mối quan hệ nam nữ, hôn nhân, những vấn đề tâm lý liên quan đến tình yêu.
Sức khỏe tình dục: Kiến thức về an toàn tình dục, các bệnh lây qua đường tình dục, biện pháp tránh thai, hỗ trợ sinh sản.
Chia sẻ: Những câu chuyện cá nhân, tâm sự, lời khuyên từ chuyên gia hoặc những tình huống thực tế trong cuộc sống.
Bạn đọc có thể gửi những câu chuyện, vấn đề mình gặp phải về email: chuyenthamkinbtn@gmail.com. Chúng tôi sẽ chọn lọc nội dung đăng tải, hoặc gửi những thông tin thắc mắc của bạn đọc đến các chuyên gia giải đáp.
Bình luận (0)