Chuyện “thằng khùng” rời phố về quê dạy quần vợt miễn phí cho trẻ em nghèo

25/01/2020 14:56 GMT+7

“Rảnh đi làm chuyện tào lao”, “Thằng khùng” là những gì chàng trai sinh năm 1988 Phạm Trung Hiếu nghe người ta nói về mình khi rời phố về quê nhà Long An mở lớp dạy quần vợt miễn phí cho trẻ em nghèo. Anh chỉ mỉm cười hiền như cục bột rồi lặng lẽ làm những điều trái tim mình mách bảo…

Bỏ học trường Luật vì đam mê quần vợt

Nhà nghèo nhưng nhờ chăm chỉ học hành, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phạm Trung Hiếu khăn gói lên TP.HCM ôn thi Đại học với giấc mơ trở thành luật sư. Không muốn thành gánh nặng cho gia đình, Trung Hiếu lân la xin việc hòng kiếm tiền trang trải việc học và được một chân lượm banh ở sân quần vợt Phú Thọ. Anh vừa lượm banh vừa học lóm kỹ thuật của người chơi, khi người ta vào nghỉ mệt anh lại vác vợt luyện cú trái, cú phải, lốp, xì mát. Tiếp xúc riết với quả banh nỉ, Trung Hiếu mê luôn lúc nào không biết.

Phạm Trung Hiếu cùng học trò nghèo Minh Duy (phải) nay được về đầu quân lò đào tạo quần vợt Đà Nẵng

NVCC

Năm 2011, khi quần vợt đã ngấm vào máu cũng là lúc Trung Hiếu thi đậu thành công vào Đại học Luật TP.HCM. Lúc này, lãnh đạo CLB quần vợt Phú Thọ định hướng cho anh đi học thể thao nên Trung Hiếu bỏ học  trường Luật, về phụ việc ở CLB, vừa đi học Đại học TDTT TP.HCM chuyên ngành quản lý thể thao, vừa đi học trọng tài quần vợt, vừa đi dạy quần vợt. Mỗi ngày trôi qua, anh thấy quần vợt có thêm nhiều điều thú vị, nhất là khi được học tập chuyên sâu, tiếp xúc với nhiều người chơi môn thể thao này.

Bỏ phố về quê

Công việc ngày càng suôn sẻ, đùng một cái cuối năm 2014, Trung Hiếu quyết định chia tay quần vợt TP.HCM để về quê nhà Long An. “Tôi đi làm trọng tài nhiều giải quốc gia, thấy phong trào quần vợt toàn quốc ngày càng phát triển nhưng trong số đó sao chưa có tên đơn vị quê nhà Long An của mình. Chút chạnh lòng đó khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về việc cần làm gì đó cho nơi chôn nhau cắt rốn. Khi trong đầu manh nha việc về quê gầy dựng quần vợt miễn phí cho trẻ em, tôi được một vài phụ huynh tại TP.HCM sẵn lòng ủng hộ quần áo, giày, vợt, banh cũ nên có thêm động lực hiện thực hóa giấc mơ”.

Phạm Trung Hiếu (giữa) hiện là một trong những trọng tài có đẳng cấp tại Việt Nam

VTF

Nhưng quyết đinh về quê dạy quần vợt miễn phí cho trẻ em của Trung Hiếu vướng không ít phản đối. Có người kêu anh khùng, quần vợt chỉ dành cho người giàu, phát triển ở các thành phố lớn, người ta tìm lên thành phố mà tập, chơi chứ ai làm chuyện ngược đời…Cũng chạnh lòng nhưng Trung Hiếu với nước da đen sẫm vì suốt ngày dãi năng dầm mưa ngoài sân quần vợt chỉ mỉm cười hiền như cục bột. “Mình không làm thì cũng không ai làm. Thôi thì mình nghèo, các em ở quê cũng nghèo nên mình cố gắng vận động các mạnh thường quân ở TP.HCM, còn không thầy trò có gì tập nấy. Mới làm quen với quần vợt chưa cần phải sân đẹp, giày mới, vợt mới, mình cứ trang bị cho các em những thứ cơ bản trước đã. Các em con nhà giàu, ở thành phố đến quần vợt để tránh các tật xấu như mê games, lười vận động, còn các em nghèo ở quê thì không có điều kiện tiếp xúc với quần vợt, mình muốn chia sẻ với các em khó khăn rằng bằng việc chơi quần vợt, nếu chăm chỉ, nếu có năng khiếu phát triển tốt, mai này có thể đổi đời hoặc làm người có ích cho xã hội”, Trung Hiếu thổ lộ.

Đong đầy niềm vui

Về Tân An làm việc với Sở VH-TT, Trung Hiếu được lãnh đạo Sở ủng hộ “hai tay” khi cho mượn sân vào sáng thứ 7, Chủ nhật. Vậy là lớp học ra đời, ban đầu với vài học viên, dần dà lên tới hơn hai chục em. Trong số đó có hai anh em ruột Nguyễn Thành Minh (13 tuổi), Nguyễn Minh Duy (11 tuổi) nhà nghèo bố mẹ bán xôi, bánh mì, hột vịt lộn để kiếm sống. Hai em chăm chỉ tập luyện, biết nghe lời và cũng thương thầy. Có hôm 2 anh em đến sân mang theo 3 gói xôi, thầy hỏi sao hai đứa mà ăn 3 gói, Minh Duy mới thổ lộ rằng mang theo cho thầy 1 gói. Trung Hiếu nhận gói xôi mang nói mang về làm cất làm kỷ niệm nhưng hạnh phúc cảm nhận được tình cảm chân chất của những đứa học trò nghèo.

Phạm Trung Hiếu đầy đam mê và nhiệt huyết với phong trào quần vợt

VTF

Không phụ công thầy, Nguyễn Minh Duy tiến bộ nhanh, được CLB quần vợt Đà Nẵng mang về đào tạo chính qui từ tháng 6.2019. Ngày Minh Duy được nhận tháng lương đầu tiên ở CLB mới, chỉ 4 triệu đồng/tháng thôi nhưng đó là số tiền mơ ước của gia đình, mẹ cu cậu gọi điện cảm ơn còn Trung Hiếu lại nở nụ cười hạnh phúc về quả ngọt đầu tiên.

Không chỉ mở lớp dạy quần vợt miễn phí ở Tân An, Trung Hiếu còn về tận quê nhà ở xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng để ươm mầm quần vợt. Anh được dượng cho mượn khoảnh sên bên hông nhà, đắp đất thành sân đất nện nhỏ, dựng lưới bằng sợi dây ni lông rồi phát vợt, banh cho các em nhỏ chơi. Nhiều em ở đây, nơi cách biên giới Campuchia chỉ tầm 13 km, không hề biết quần vợt là gì, càng xa lạ danh thủ như Nadal, Federer, Djokovic nhưng vẫn hăng say chơi quần vợt do Trung Hiếu tận tình hướng dẫn.

nhờ sự phát hiện, đào tạo của "thầy" Trung Hiếu mà học trò Minh Duy đổi đời, hứa hẹn tỏa sáng trong tương lai

VTF

“Tôi có một ước mơ mở thêm nhiều điểm dạy quần vợt cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc. Hi vọng có thêm nhiều HLV cùng ý nghĩ, cùng làm để biết đâu ngày nào đó quần vợt VN có tay vợt giỏi xuất thân từ bệ phóng như thế này”, Trung Hiếu bày tỏ. Ngoài việc mở những lớp đào tạo quần vợt miễn phí tại Long An, Trung Hiếu cũng tham gia vào Liên đoàn quần vợt VN. Anh đã có bằng HLV quần vợt cấp 2 QG, hiện là tổng trọng tài quần vợt VN và đang học lấy bằng trọng tài quốc tế. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.