Chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt mắc võng ngủ ở Trấp Rùng Rình lo cho miền Tây

23/11/2022 20:12 GMT+7

Tháng 4.1982, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt lúc ấy đang làm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước nhưng bước chân đã đi khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh từng vùng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022), NXB Trẻ giới thiệu cuốn sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt của tác giả Nguyễn Chiến Thắng (bí danh Sao Vàng), kể nhiều câu chuyện cảm động về vị Thủ tướng quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược với những công trình mang dấu ấn lịch sử.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát vùng Tứ giác Long Xuyên, nơi ông đứng sau này được xẻ thành kênh T5

T.L

Sách đã dẫn viết: “Khoảng 500 năm trước người Việt đã đến Đồng bằng sông Cửu Long lập nghiệp, riêng cuộc khẩn hoang ở vùng Đồng Tháp Mười không mấy thuận lợi, nơi nào thuận thì làm, nơi nào không thuận thì chừa ra. Đến thời Pháp thuộc, cuộc khẩn hoang ồ ạt với nhịp độ nhanh nhưng hiệu quả canh tác kém nên không thu hút được nông dân. Từ năm 1926, phần đất khai hoang ở tỉnh Tân An bị dừng lại, các nơi khác diện tích không rộng thêm mà có phần giảm sút.

Ý tưởng rõ ràng của Thủ tướng về chung sống với lũ và kiểm soát lũ

Khi ấy, dù bận rộn nhiều việc nhưng ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt vẫn không quản ngại đường xa đến thăm các huyện mới thành lập: Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, Vĩnh Hưng, Tân Hưng ở Đồng Tháp Mười, trao đổi với đội ngũ cán bộ quy hoạch ngay trên hiện trường¸ thậm chí ông còn phải mắc võng ngủ tận ở Trấp Rùng Rình, để tận dụng thời gian bàn tìm cách lo cho miền Tây.

Được biết, Đồng Tháp Mười nằm ở phía tây bắc, là đầu nguồn sông Tiền, có tổng diện tích khoảng 599 ngàn hécta, trong đó tỉnh Long An có 261 ngàn hécta, tỉnh Đồng Tháp 246 ngàn hécta và Tiền Giang 92 ngàn hécta. Vùng Đồng Tháp Mười xếp hàng thứ sáu trong sáu vùng kinh tế trong cả nước.

Vùng Tứ giác Long Xuyên nằm ở phía Nam sông Hậu có diện tích 488 ngàn hécta, trong đó tỉnh An Giang có 239 ngàn hécta, Kiên Giang có 234 ngàn hécta, Cần Thơ có 15 ngàn hécta.

Tác giả Nguyễn Chiến Thắng kể tiếp: “Khi mới bắt tay vào nghiên cứu, một số nhà khoa học trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối, họ cho rằng nhiều người trước đây đã không thành công, vì đụng tới “rún phèn” là thất bại, tốn tiền của công sức là chắc chắn, việc đầu tư ồ ạt vào đây là kém khôn ngoan. Cuối năm 1995, tại Cao Lãnh có Hội thảo Về sử dụng nguồn nước và phòng chống lũ lụt Đồng Tháp Mười. Đầu năm 1996, tại TP.HCM, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì cuộc họp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề quy hoạch lũ. Những ý tưởng rõ ràng về chung sống với lũ và kiểm soát lũ được ông chính thức nêu lên, là cơ sở cho việc tiến hành quy hoạch lũ sau này".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi ca nô trên sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền, Vĩnh Long)

TTXVN

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự lễ khởi công nhà máy Thủy điện Sông Hinh (Phú Yên) tháng 11.1995

t.l

Dù có một số quan điểm trái chiều nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: “Lũ lụt Đồng bằng sông Cửu Long là một hiện tượng tự nhiên, góp phần vào môi trường sinh thái của vùng. Hàng trăm năm nay nhân dân ta đã chung sống, tồn tại với nó và lâu dài cũng vậy”; “Lũ lụt được coi như là một tài nguyên cần được lợi dụng, khai thác triệt để các mặt lợi của nó”; “Chiến lược phòng chống lũ lụt phải được hiểu một cách toàn diện, đầy đủ, toàn vùng, lợi dụng, hạn chế, tránh né, khai thác tiềm năng của nó, chớ không phải chống lũ, là triệt tiêu lũ”; “Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được mở rộng, đất đai được bồi bổ hằng năm, giao thông (đường bộ, đường thủy), thủy lợi, khu dân cư, quốc phòng phải gắn bó nhau, hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau phát triển, làm cho sản lượng và chất lượng lương thực, cây ăn trái, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng”.

Vì vậy, ngày 9.2.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định 99/TTg về định hướng dài hạn và kế hoạch năm năm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (1996-2000).

"Xanh rừng, vàng lúa, ngói đỏ, đường quang..."

Sách đã dẫn còn tiết lộ thêm nhiều thông tin hay: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học nghiên cứu, phối hợp với các bộ bàn về cách thoát lũ ra biển Tây. Ông còn chỉ đạo việc xây dựng công trình thủy lợi gắn với giao thông, và giao thông gắn với khu dân cư nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Việc tiến hành nạo vét kênh Vĩnh Tế diễn ra khẩn trương, không đầy 30 tháng đã vét 170 km kênh mương với khối lượng 19 triệu m3 đất; xây 17 cầu cống (chiều dài 800 m). Việc nạo vét kênh Vĩnh Tế làm thông luồng chảy. Đi đôi với việc nạo vét kênh Vĩnh Tế, các công trình giao thông (cập bờ kênh Vĩnh Tế), các công trình điều tiết lũ như Tha La, Trà Sư cũng được khẩn trương xây dựng. Cống Tha La, Trà Sư đóng, mở, điều tiết nước lũ theo yêu cầu của mùa vụ. Các kênh xả lũ về hướng Biển Tây là kênh T5, kênh T4, kênh T3. Năm 1996, đầu tư cho phát triển thủy lợi, giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long lên tới 1.500 tỉ đồng”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn chỉ đạo phải phấn đấu để Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên mỗi năm sản xuất hai vụ, tăng năng suất để xuất khẩu.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (thứ hai từ phải qua) khảo sát máy bơm phèn tại khu Tứ giác Long Xuyên

t.l

Nhờ tầm nhìn xa và sự quyết liệt, đồng cam cộng khổ với người dân của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt mà khi các công trình mang đậm dấu ấn ông hoàn thành đưa vào sử dụng thì sản lượng lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng theo từng năm. Theo đó, năm 1976 sản xuất 4,85 triệu tấn lúa, năm 1985 lên 6,98 triệu tấn và từ năm 1995 lên 15 triệu tấn.

“Từ chỗ phải nhập khẩu gạo, từ năm 1995, hằng năm Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu từ 1,5 đến 2 triệu tấn gạo. Từ phấn đấu sản xuất mỗi năm hai vụ, hiện nay đã lên tới ba vụ, bình quân lương thực đầu người từ 1 tấn lên 1,5 tấn. Nhà dân ít bị ngập lụt, đường sá khô ráo, trong mùa lũ, học sinh không còn phải nghỉ học như trước. Thật là “xanh rừng, vàng lúa, ngói đỏ, đường quang, rộn ràng chợ búa”, sách Chất ngọc Võ Văn Kiệt cho biết.

Vì sao có tên gọi Trấp Rùng Rình

Khi người Việt từ miền Trung vô đây khai hoang lập nghiệp, thì cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh chúng ta, còn là nơi chằng chịt sông rạch, đầm lầy, hoang vu, đầy thú dữ cả trên bờ như cọp, voi, dưới sông thì có sấu.

Sống giữa vùng thế đất, thế nước (sông, rạch), từ thực tế địa hình, địa vật như vậy, ông bà ta gọi chúng với những cái tên xẻo, xép, trấp, bưng, sình, dứt, cái... và gắn một cái tên liền theo mang hình dáng, cây, con hay tên người nơi đó, như Xẻo Quít, Xép Lá, Trấp Rùng Rình, Bưng Sấu Hì, Sình Tranh, Bứt gò Suông, Cái Tôm.. không phải tùy hứng mà từ thực tế, ông bà ta đã đặt tên từng nơi mang ý nghĩa riêng, đặc điểm riêng nơi đó.

Trích Chuyện bảng tên của tác giả Tư Rèn (Báo Đồng Tháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.