Ngày 19.9, phiên xét xử ông Nguyễn Thành Tài (68 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM giai đoạn 2008 - 2011) và 4 đồng phạm bước sang ngày thứ 4, tiếp tục với phần tranh luận gay gắt giữa đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) và các bị cáo cũng như luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo.
Về mối quan hệ tình cảm cá nhân giữa bị cáo Nguyễn Thành Tài và bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Lavenue - gọi tắt Công ty Lavenue), đối đáp lại với VKS, bị cáo Thúy trình bày: “VKS khẳng định mối quan hệ giữa tôi và ông Tài không phải là mối quan hệ bất chính. Tôi cảm ơn, vì nó giải thoát cho tôi về những từ như người tình... Nhưng VKS lại gài khi nói chúng tôi đã chuyển tiền cho nhau. Tôi xin nói một lần nữa, ông Tài khá thân với gia đình tôi, từ lâu, trong đó có tôi”. Tiếp đó, bị cáo Thúy trình bày “việc chuyển tiền cho nhau” xuất hiện thời điểm năm 2011, khi ông Tài bị bệnh ung thư và phải điều trị tại Singapore. Theo bị cáo Thúy, khi biết ông Tài bị bệnh, với tình cảm, mối thâm giao và sự kính trọng với ông Tài, bị cáo Thúy đại diện gia đình đã hỏi thăm sức khỏe cũng như “xin phép” ông Tài mở một thẻ tín dụng ngân hàng để ông Tài tiện chi trả viện phí tại Singapore.
“Sau khi ra viện và về Việt Nam, ông Tài đã trực tiếp gặp tôi cảm ơn, gửi tôi một phong bì nói rằng trả lại tiền viện phí kèm trả lại thẻ ngân hàng cho tôi. Và thẻ này chỉ sử dụng 1 lần là chi trả viện phí cho ông Tài”, bị cáo Thúy trình bày thêm.
Đại diện VKS cho rằng: “Hai bị cáo chuyển tiền cho nhau, chúng tôi không xem xét đây có phải là tiền hối lộ không, vì việc chuyển tiền xảy ra trước khi ông Nguyễn Thành Tài ra quyết định cho thuê đất và giao đất cùng một dự án cho Công ty Lavenue. Và chúng tôi có căn cứ nhưng chúng tôi chỉ dừng lại ở câu chuyện cá nhân giữa bị cáo Nguyễn Thành Tài và bị cáo Thúy”.
Đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Tài
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài, LS Trương Trọng Nghĩa đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Tài “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật; do chuyển biến của tình hình làm cho hành vi của người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
“Tôi xin chịu sự phán xét...”Nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Nguyễn Thành Tài trình bày rằng quá trình công tác chưa bao giờ bị kỷ luật nhưng cuối đời ở tuổi xế chiều dính vào vòng lao lý, đó là cú sốc rất nặng và trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã, cay đắng đối với ông, bởi “đã không tránh khỏi những sơ suất, thiếu sót”. “Tôi không đổ lỗi cho ai, cho hoàn cảnh... Tôi xin chịu sự phán xét và tin vào pháp luật”, ông Tài nói.
Ông Tài cũng trình bày bản thân không chủ tâm làm việc xấu, không có động cơ trục lợi. Và ông khóc: “Trước hết xin lỗi mọi người vì sự việc đáng tiếc xảy ra và gây ra bao nhiêu lo lắng, công sức của rất nhiều cơ quan, con người. Và trong phần xin lỗi đó, cho phép tôi xin lỗi mẹ của tôi, gia đình tôi, người thân tôi, xin lỗi các đồng chí lão thành cách mạng đã từng tin tưởng tôi nhưng tôi đã dính vào sự việc đáng tiếc này”. Ông Tài cũng xin lỗi người dân TP.HCM về sai sót đã xảy ra.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy cũng xin HĐXX công tâm, khách quan xem xét toàn bộ chứng cứ trong hồ sơ, bối cảnh thực tế và lời khai của các bị cáo cũng như lời trình bày của các luật sư để có một bản án công tâm, công bằng, thấu tình đạt lý nhất.
Các bị cáo còn lại cũng mong HĐXX xem xét quá trình cống hiến trong công tác, các tình tiết giảm nhẹ của mình để nhận được sự khoan hồng đặc biệt của pháp luật.
|
Đồng thời, theo LS Nghĩa, việc thành lập pháp nhân mới này, đã được Ban Chỉ đạo 09 có ý kiến bằng văn bản “trường hợp chọn hình thức lập pháp nhân mới với cổ đông 5 đơn vị tham gia góp vốn là có cơ sở giải quyết”. Đây là yếu tố quyết định để ông Tài chấp nhận cho ra đời Công ty Lavenue để làm nhà đầu tư dự án...
Trong khi đó, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho thân chủ mình, bởi cáo trạng kết tội bị cáo Thúy là khiên cưỡng.
Theo LS Trạch, thứ nhất, cáo trạng nêu bị cáo Thúy xúi giục ông Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản trái quy định pháp luật, thì phải chứng minh được bà Thúy sử dụng biện pháp, thủ đoạn, văn bản nào để tác động, xúi giục ông Tài. Thứ hai, VKS đang dùng lời khai của ông Tài “có quan hệ tình cảm” với bị cáo Thúy, làm chứng cứ duy nhất buộc tội bị cáo Thúy, là trái với quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, rằng “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội và kết tội”. Thứ ba, khi VKS lấy căn cứ bị cáo Thúy ký các văn bản đề nghị được tham gia góp vốn, được thực hiện dự án, được giao đất và cho thuê đất trái pháp luật để buộc tội bị cáo này có vai trò đồng phạm, thì “... đây chỉ là công văn đề nghị, không phải công văn hành chính, mệnh lệnh, tác động đối với ông Nguyễn Thành Tài, vì vậy phải xem lại công văn này có trái với pháp luật hay không”.
Các bị cáo chưa dũng cảm thừa nhận sai phạm
Đối đáp lại các LS, VKS khẳng định quan điểm luận tội của VKS là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về trách nhiệm Ban Chỉ đạo 09 mà một số LS đề cập, VKS khẳng định trách nhiệm là có nhưng ở mức độ nào, cáo trạng đã đề cập khi kiến nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền đối với những người đứng đầu Ban Chỉ đạo 09. Theo VKS, thời điểm xảy ra tội phạm, Ban Chỉ đạo 09 đang quản lý 13.000 nhà đất công sản, khi cập nhật phương án xử lý, Ban Chỉ đạo 09 cập nhật một loạt nhà đất khác nhau, không phải một đối tượng riêng biệt; và vai trò của Ban Chỉ đạo 09 là tham mưu nhưng thời điểm đó, bị cáo Nguyễn Thành Tài trên cương vị Phó chủ tịch thường trực phụ trách đất đai công sản, đáng lẽ phải giao Ban Chỉ đạo 09 tham mưu đề xuất, tuy nhiên bị cáo Tài giao thẳng Sở TN-MT.
Theo VKS, khi bị cáo Tài chỉ đạo Sở TN-MT tham mưu dự án khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, nếu làm đúng chức trách của mình, khi thấy nhà đất 8 - 12 Lê Duẩn là đối tượng của Ban Chỉ đạo 09, thì Sở TN-MT phải đề xuất chuyển Ban Chỉ đạo 09 xử lý; nhưng các bị cáo thuộc Sở TN-MT vẫn tham mưu bị cáo Tài giao và cho thuê đất trên cùng một dự án trái với Nghị định 121/2010. Đây chính là đồng phạm giúp sức tích cực bị cáo Tài.
“VKS đã nhận định một cách cơ bản nhưng các bị cáo càng cố gắng bào chữa càng thấy cái sai của mình. Trong vụ án này chúng tôi có xác định bị cáo Tài là chính, các bị cáo thuộc Sở TN-MT là thấp hơn. Tuy nhiên đến giờ phút này chúng tôi thấy qua lời khai của các bị cáo, các bị cáo chưa dũng cảm thừa nhận cái sai của mình”, đại diện VKS đánh giá.
Về việc bị cáo Thúy có xúi giục bị cáo Tài hay không, VKS nêu trước khi ký quyết định trái pháp luật, bị cáo Tài và Thúy có gặp nhau, có chuyển tiền cho nhau, sao kê ngân hàng thể hiện hơn 279 triệu đồng. Theo VKS, bị cáo Thúy có tác động, xúi giục hay không đã thể hiện bằng các văn bản trái pháp luật của bị cáo Tài. “Những người chưa đọc pháp luật cũng hiểu vụ án nó sai như thế nào, thiệt hại ở đâu, bao nhiêu, cùng với trách nhiệm của các bị cáo có oan hay không, mức hình phạt có tương xứng hay không. Vì vậy, luận tội của VKS đối với các bị cáo là có căn cứ”, đại diện VKS khẳng định.
Bình luận (0)