>> Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ quốc - Kỳ 1: Anh vượt sóng, em vượt cạn
>> Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ quốc - Kỳ 2: Trớ trêu Ngưu lang - Chức nữ
>> Cảnh sát biển: Bên anh, bên Tổ quốc - Kỳ 3: Hi sinh không đo đếm
|
Câu chuyện tình yêu của Mỹ Anh được ông Đặng Quang Linh, Trưởng phòng Nội chính (UBND tỉnh Quảng Trị) kể cho người viết cùng lời nhắn gửi lãng mạn, không có gì là “nội chính” cho lắm: “Đây là một trường hợp đặc biệt. Cả hai dành cho nhau những điều còn hơn cả tình yêu... Đời sống hiện nay, mấy người yêu nhau đến thế”.
Và chúng tôi hiểu câu chuyện về họ sẽ đặc biệt, ngay từ phút đầu gặp mặt, khi nghe câu nói “khí khái” của cô gái trẻ mảnh khảnh, có đôi mắt long lanh yếu mềm: “Yêu cảnh sát biển, thiệt thòi một chút có sao đâu?”.
Từ cái nhìn đầu tiên đến yêu qua... điện thoại
Người viết phải “lụy” đến lãnh đạo của Mỹ Anh, mới có dịp nghe cô gái trẻ thổ lộ chuyện riêng tư...
Cô gái quê gốc ở TX.Quảng Trị kể cho tôi rằng, trong những năm tháng theo học Học viện Hành chính Quốc gia phía Nam, cô được bạn bè giới thiệu cho một cậu bạn đồng hương tên Nguyễn Hữu Hiệu (27 tuổi) đang được Học viện Chính trị quân sự gửi đi đào tạo tại Học viện An ninh cơ sở TP.HCM.
Không biết có phải vì chút tình đồng hương nơi phố thị hay vì “sinh ra để dành cho nhau” mà họ đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. “Anh Hiệu vốn ít nói. Em là con gái nên cũng làm thinh là... chủ yếu. Vậy mà không biết cớ sao, hai đứa lại mến nhau”, Mỹ Anh thẹn thùng kể.
|
Khoảng thời gian sinh viên thực sự đã là một “liều thuốc thử” nặng đô cho tình yêu của đôi trẻ này. Bởi dù cùng sống trong TP.HCM nhưng hai trường lại cách nhau trên dưới 35 km, mà điều kiện học tập, rèn luyện của Hiệu không cho phép anh được thoải mái đi lại. “Phải cả tháng trời hai đứa mới có điều kiện gặp gỡ, còn lại tất tần tật đều phải qua chiếc điện thoại, kể cả những tâm tình yêu thương. Nên mỗi lần gặp, hai đứa trân trọng từng phút...”, Mỹ Anh tâm sự.
Và do cùng một sở thích khá đặc biệt nên khi gặp nhau, cả hai thường kéo lên xe buýt, đi không cần điểm đến và cứ thế ngắm phố phường, người xe...
Năm 2012, với cấp bậc thiếu úy, Hiệu được phân công về Đội nghiệp vụ số 2 (Vùng Cảnh sát biển 2, đóng tại tỉnh Quảng Nam), trong khi Mỹ Anh trở về Quảng Trị, đậu thủ khoa kỳ thi tuyển công chức tại địa phương năm đó. Tình yêu của họ một lần nữa được thử thách.
|
Đám hỏi vắng... chú rể
Nói về cảnh nhà của phu quân tương lai, Mỹ Anh kể giọng trìu mến, rằng Hiệu sinh ra ở một gia đình thuần nông ở xã Triệu An (huyện Triệu Phong) là con thứ nhì trong một gia đình 5 anh chị em.
Những người thân của Hiệu cũng như Mỹ Anh, phải chờ vài ba tháng mới được gặp mặt anh cảnh sát biển này một lần, mỗi lần chỉ vài ngày. Mỹ Anh bấm đốt ngón tay bảo rằng: “Tính ra, lúc anh về cũng chỉ dành cho em vài tiếng rồi lại đi. Những điều muốn nói, hai đứa không cần nói cũng tự hiểu với nhau rồi”.
Nhưng có lẽ đó chỉ là lời nói “cứng” mà thôi. Làm sao Mỹ Anh không chạnh lòng khi những ngày lễ tết, ngày lễ tình yêu, khi những cặp trai gái tay trong tay thì cô lại lủi thủi một mình...
“Rồi cũng quen thôi anh. Yêu lính biển là lựa chọn của em và em phải chấp nhận điều đó. Em chỉ nghĩ rằng, có em ở quê nhà, anh Hiệu sẽ chuyên tâm đương đầu với mọi hiểm nguy sóng gió”, người vợ tương lai của cảnh sát biển nói.
Thế rồi vượt qua bao gian truân, Mỹ Anh và thiếu úy Hiệu đã được hai bên gia đình chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ ăn hỏi và lễ cưới. Nhưng thời gian này cũng là lúc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Thiếu úy Hiệu lên đường, chỉ kịp nói với người yêu là “đi công tác”.
Ngày làm đám hỏi, chỉ có một mình cô dâu Mỹ Anh, khi chú rể vẫn đang bám biểm làm nhiệm vụ. May mà trước đó, cả hai đã kịp chụp qua loa mấy tấm ảnh cưới.
Đám cưới đã được định ngày 29.6. Chúng tôi hỏi: “Lỡ Hiệu lại không về được thì sao?”. Cô gái trẻ trả lời cứng cỏi: “Nếu bất khả kháng thì đám cưới vẫn sẽ tổ chức, rồi em sẽ về làm dâu nhà anh ấy...".
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc
Bình luận (0)