Những công trình nghiên cứu của ông như Danh từ khoa học, La Sơn phu tử, Chinh phụ ngâm bị khảo, Lý Thường Kiệt... đã để lại những dấu ấn lớn trong lãnh vực văn hóa, lịch sử, giáo dục, khoa học. Ông đã được nhà nước trao tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý.
Vì thương son phấn dễ tàn phai
Ngày trước, nhiều người thành vợ chồng, không vì quen biết mà do cho mẹ hai bên đã... hứa hẹn trước. Ông bà cụ Hoàng Xuân Úc và Lê Thị Ấu ở làng Yên Hồ, H.La Sơn (Hà Tĩnh) đã hứa gả con trai là Hoàng Xuân Hãn cho một gia đình ở H.Hương Sơn. Mọi việc chưa chuẩn bị xong thì cậu con trai - thủ khoa Quốc học Vinh, thủ khoa kỳ thi Thành Chung toàn Trung bộ được nhận học bổng du học ở Pháp.
Trước ngày lên đường, năm 1928, cậu được cha mẹ dẫn sang nhìn mặt cô gái đã được hứa hôn. Đó là con gái một nhà khoa bảng. Cuộc gặp gỡ ấy, không rõ có để lại ấn tượng gì sâu đậm không, nhưng sau khi sang Pháp vì cuốn hút vào công việc học tập nên cậu viết thư gửi về song thân trình bày suy nghĩ chân thành của mình. Sau này ở tuổi ngoài 80, cụ Hoàng Xuân Hãn đã kể lại rằng trong thư có đoạn viết: “Con gái thì có lứa, con còn lâu mới về được, nếu có nơi xứng đôi vừa lứa thì gia đình cứ để cho V. gây dựng gia thất, con không có gì dám oán trách”.
Mọi việc đã diễn ra theo ý nguyện của cậu.
Sau này bà V. trở thành vợ của một bác sĩ. Năm 1930, lúc bà V. đám cưới, Hoàng Xuân Hãn có tặng bài thơ Đường luật có câu “Sắt cầm duyên mới mừng tươi thắm/Gang tấc lòng xưa luống lữ hoài/Chớ trách vàng thau hay kẹn kẻ/Vì thương son phấn dễ tàn phai”. Dù không lấy được nhau theo sắp xếp của cha mẹ, nhưng họ vẫn giữ được cái tình, thật đáng quý.
Họa người bên nguyệt biết tình chăng ?
Sang Pháp, Hoàng Xuân Hãn học toán cao cấp ở Lycée Saint Louis, sau đó thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm và bắt đầu chú tâm biên soạn Danh từ khoa học - cuốn sách nổi tiếng đặt nền móng đầu tiên về xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt. Sau đó, ông còn thi đậu lấy bằng bách khoa, kỹ sư cầu cống, thạc sĩ toán.
Năm 1935, ông đáp tàu về thăm cố hương. Những ngày lênh đênh sông nước, tình cờ ông làm quen với cô Nguyễn Thị Bính - một tiểu thư mảnh mai, xinh đẹp người Hà Nội nhà ở phố Gia Long (nay là phố Bà Triệu). Bấy giờ, cô Bính cũng đã lấy bằng tốt nghiệp Trường cao đẳng Y Dược Paris.
Mối tình nảy nở giữa biển khơi này đã được kể lại trong Tổng tập La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (NXB Giáo dục, 1988): Khi tàu ngang qua Ấn Độ Dương, gặp lúc trăng rằm, cô Bính đề nghị người bạn trai thử làm bài thơ Vịnh nguyệt. Được lời như cởi tấm lòng, Hoàng Xuân Hãn nửa đùa nửa thật xuất khẩu: “Có người bảo tớ vịnh thơ trăng/Tớ cũng toan ngâm ngợi chị Hằng/Ngán nỗi người xinh, trăng thẹn mặt/Ngây lòng tớ gặm bút mòn răng/Trông trăng chỉ thấy ai cười nụ/Gác bút vì e tớ nghĩ xằng/Vịnh nguyệt vì người thôi cũng vịnh/Họa người bên nguyệt biết tình chăng?”.
Nghe xong bài thơ, cô Bính đỏ mặt e thẹn vì thấy được “tình ý” mà người bạn trai đã gửi gắm. Ngay sau đó, Hoàng Xuân Hãn còn tặng cô Bính thêm bài hát nói: “Trăng với biển nửa mờ nửa xám/Mây trên trời mấy đám phất phơ/Mảnh trăng khi tỏ lại khi mờ/Khách trên biển còn ngờ nơi Nhược Thủy/Cám cảnh thân đơn thằng Cuội quỷ/Gẫm thương tình muộn chị Hằng Nga/Những tưởng rằng trăng lạ với trăng xa/Ai ngờ cũng trăng nhà cười mủm mỉm/Chốn lữ quán đa tình nên bịn rịn/Hỏi trăng già soi đến tận tâm can?/Sóng đưa trăng giạt theo làn”.
Lâu nay, cô Bính nghe tiếng Hoàng Xuân Hãn luôn đậu thủ khoa trong các kỳ thi, học hành xuất sắc hơn người, không ngờ chàng cũng giỏi thơ và tài hoa đến thế. Những bài thơ này đã tạo trong tâm trí cô Bính một cảm tình đặc biệt. Những ngày gặp lại nhau tại Hà Nội, tình cảm giữa họ ngày một gắn bó hơn. Năm 1936 họ kết hôn. Đám cưới xong, nhờ bạn bè cho vay vốn, họ mở hiệu bào chế thuốc tây ở phố Tràng Thi (Hà Nội). Từ đây, mọi người quen gọi cô Bính là “Madame Hoàng Xuân Hãn”. Thời gian này, Hoàng Xuân Hãn dạy Trung học đệ nhị cấp ở Trường Bưởi (tức Trường Chu Văn An) và tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ.
Điều may mắn, nhà bác học của chúng ta đã chọn được người vợ hoàn toàn chia sẻ, ủng hộ việc làm của chồng. Để thực hiện những chuyến đi thực địa, khai quật di tích văn hóa cổ nhằm hoàn thành các bộ sách nghiên cứu rất có giá trị, Hoàng Xuân Hãn đã dồn vào đó bao nhiêu tiền của, bà Bính cũng không tiếc. Bên cạnh đó, bà còn đồng tình với chồng về quan điểm chính trị. Khi luật sư Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm Báo Thanh Nghị, được sự khuyến khích của chồng, bà Bính nhận lời cộng tác.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (1946), gia đình vợ chồng Hoàng Xuân Hãn là địa điểm liên lạc của người yêu nước. Từ năm 1951, họ sang Paris, định cư tại Pháp. Tuy vậy, tấm lòng của họ luôn hướng về quê nhà. Dù hai người không có con, nhưng bà Bính vẫn tự hào: “Đối với nhà tôi, con tức là sách”. Mối tình đẹp “thiết thạch” từ vần thơ se duyên từ “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã gắn kết họ thủy chung đến trọn đời.
Bình luận (0)