Lăng kính bạn đọc:

Chuyển trả tiền gửi nhầm, có cách nào thuận tiện hơn mà vẫn an toàn?

M.Giao
(tổng hợp)
11/06/2024 05:15 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng bên cạnh "tuyệt đối không đụng đến" số tiền bất ngờ chuyển vào tài khoản của mình từ một người lạ và phải báo công an, ngân hàng, cũng cần tạo thuận lợi cho người bị nhận nhầm tiền chuyển trả tiền gửi nhầm.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 7.6, trao đổi với PV Thanh Niên, ông N.V.T. (63 tuổi, ngụ P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết ông vừa thoát được vụ lừa đảo với hình thức "chuyển nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng".

Chuyển trả tiền gửi nhầm, có cách nào thuận tiện hơn mà vẫn an toàn?- Ảnh 1.

Tài khoản ông T. bất ngờ nhận được 95 triệu đồng từ người lạ

MÃ PHONG

Theo ông T., chiều 6.5, tin nhắn điện thoại của ông nhận biến động số dư tài khoản ngân hàng. Qua kiểm tra, ông T. phát hiện tài khoản của ông vừa nhận được 95 triệu đồng với nội dung "PHAM NGOC HUY chuyen tien…". Ông T. bất ngờ, hoang mang vì không biết 95 triệu đồng này của ai chuyển cho ông.

Khoảng 20 phút sau, tài khoản ông T. nhận được 10.000 đồng với nội dung "minh co chuyen nham 95 trieu vao tk, cho minh xin lai…". Tiếp đó, tài khoản ông T. lại nhận được 10.000 đồng với nội dung "số đt minh 09440055... giup minh nhe, so tai khoan nhan tien 0301002833".

Làm gì khi người lạ chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng?

Theo ông T., sau khi nhận được 95 triệu đồng của người lạ, cộng với nội dung như trên, ông nghi ngờ bẫy lừa đảo nên đã liên hệ với ngân hàng. Ông T. được hướng dẫn ra chi nhánh ngân hàng làm thủ tục chuyển trả lại số tiền nói trên.

Liên quan thủ đoạn lừa đảo này, Công an TP.Thủ Đức cho biết đã có cảnh báo đến người dân. Qua đó, tội phạm khi có thông tin nạn nhân đã cố tình chuyển tiền vào tài khoản của họ, sau đó giả danh là người thu hồi nợ công ty tài chính liên hệ yêu cầu trả lại tiền như một khoản vay; hoặc gửi thông tin đang ở nước ngoài, nhờ nạn nhân làm theo hướng dẫn chuyển trả tiền để lừa đảo.

Công an TP.Thủ Đức khuyến cáo người dân không được tiêu tiền do người khác chuyển nhầm; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, chuyển trả lại tiền cho người chuyển nhầm tiền; liên hệ với ngân hàng để được hướng dẫn thủ tục chuyển trả lại tiền theo đúng quy định.

Chắc chắn là không được lấy xài rồi !

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ với số tiền từ người lạ gửi nhầm vào tài khoản của mình, thì mình "tuyệt đối không được đụng đến". BĐ Thanh Minh chia sẻ: "Có lần tài khoản tôi nhận được 1 triệu đồng từ một tài khoản rất lạ, cũng không ghi nội dung cụ thể nào hết… Sự việc khiến tôi hoang mang mất cả ngày. Sau đó may mà một người bạn gọi điện cho tôi, nói là có chuyển cho tôi 1 triệu, nhờ tôi giúp đi phúng điếu cho bố một người quen, vì bạn ở xa không đến viếng được. Bạn cũng không rành công nghệ, nên nhờ con gái chuyển tiền, nên tôi thấy tên lạ. Ra thế! Nhưng cho dù là tiền của ai chuyển mà không rõ nguồn gốc, tôi cũng không bao giờ đụng đến, đơn giản là vì đó không phải là tiền của tôi!".

Cùng ý kiến, BĐ Hoang Lam khẳng định: "Cái gì không phải của mình thì tuyệt đối không được đụng đến. Tiền bạc là mồ hôi, nước mắt của người ta, họ chuyển nhầm thì họ buồn lắm, mình sao có thể vì họ nhầm mà lấy xài cho riêng mình được?".

BĐ Tien cũng cho biết: "Công an đã có khuyến cáo về việc này rồi. Xài tiền người ta gửi nhầm là vi phạm pháp luật đấy, đừng đùa! Ở đời không được tham của ai hết. Cứ đơn giản tiền của mình thì mình xài cho tối ngủ thanh thản cái đầu".

Có cách nào đỡ phiền phức hơn không ?

Từ trường hợp ông T. mà Báo Thanh Niên đã nêu, nhiều BĐ cho rằng việc sớm báo cho ngân hàng, công an biết sự việc là rất cần thiết, để tránh những trường hợp lừa đảo. BĐ thachthanhvuquynh cho biết thêm: "Tôi không sử dụng tiền đó mà tôi báo cơ quan công an. Nhưng tự nhiên phải đi trả lại tiền, tốn thời gian, tốn công, ai chịu phí đó ?".

Nhiều BĐ khác cũng cho rằng cần có cách nào đó thuận tiện hơn cho người bị nhận nhầm đi trả lại tiền. BĐ Nguyễn Quốc Thanh băn khoăn: "Có cách nào giải quyết khác không, chứ người ta chuyển vào tài khoản mình, mình lại phải tốn thời gian đi ra ngân hàng giải quyết chuyển trả lại?". 

BĐ La Quyen góp ý: "Trường hợp người già, bệnh không đi lại được thì sao, hay người quá bận rộn công việc, không thể sớm ra ngân hàng xử lý trả lại ngay thì sao? Biết là phải trả lại, nhưng đâu phải ai cũng rảnh rang mà đi làm ngay được!".

BĐ Quyen Diep thì cho rằng: "Việc chuyển trả tiền gửi nhầm cần làm theo thủ tục gồm có biên bản của 4 bên: người chuyển, người nhận, ngân hàng và công an. Bên cạnh đó, tôi có quyền yêu cầu chi phí đi lại hợp lý để tránh trường hợp lợi dụng "chuyển nhầm" gây mất thời gian và công sức của người khác". 

Còn BĐ Hong Hai ý kiến: "Tôi góp ý. 1. Có thể cho người bị nhận nhầm chuyển trả cho người gửi nhầm qua app trực tuyến? Việc làm này có "Biên lai chuyển tiền qua tài khoản", thông báo qua app của ngân hàng làm bằng chứng. 2. Ngân hàng có thể lập một tài khoản (tạm gọi là xử lý chuyển nhầm), khi có tiền chuyển nhầm, người bị nhận nhầm chuyển trả vào tài khoản này qua app trực tuyến. Việc còn lại thì ngân hàng, công an và người chuyển nhầm cùng giải quyết. Nếu được vậy thì rất thuận lợi cho người bị nhận nhầm".

Quan trọng nhất là trước khi chuyển tiền phải coi lại cho thật kỹ, đừng để bị sai sót dẫn đến chuyển nhầm, mà gây bao nhiêu phiền phức cho mình và người khác.

Hoàng

Báo ngân hàng, không sử dụng tiền chuyển nhầm...

Thong Tranle

Vậy mà mình chuyển nhầm tiền nhờ ngân hàng hỗ trợ thì ngân hàng nói việc trả hay không là phụ thuộc vào thiện chí của người nhận?!

Bảo Nè

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.