Khi bàn về thể chế dân sự, chính trị và chuyện học hành ở Đàng Trong của Đại Việt, Cristoforo Borri trong sách Xứ Đàng Trong (Thanh Thư dịch, NXB Hà Nội) nhận xét ở Đàng Trong có nhiều trường ốc, trong trường có thầy đồ, học trò và cũng thăng tiến bằng con đường khoa cử như ở Trung Quốc. Sách đã dẫn cho biết: “Họ dạy cùng những môn học và họ sử dụng cùng những sách vở, nghĩa là sách Zinfus hay là sách Confus (Tứ thư, Ngũ kinh) theo cách gọi của người Bồ Đào Nha. Học thuyết sâu sắc này rất có uy thế và được trọng vọng như Aristote ở phương Tây vậy, song nó cổ xưa hơn” (tr.102).
Sách vở của người Đàng Trong đầy những điển tích, châm ngôn, ngạn ngữ và các thứ tương tự liên quan tới sự cai trị của triều đình. “Họ bỏ rất nhiều thời gian để học cách sử dụng xác đáng câu, từ và những chữ tượng hình mà họ viết. Tuy nhiên, họ có vẻ coi trọng nhất là triết học tinh thần, đạo đức học, kinh tế và chính trị” (tr.102). Ngoài các sách đề cập tới luân lý như đã nói, “họ còn có các sách bàn về những thứ họ coi là thiêng liêng như sự sáng tạo, nguyên lý vũ trụ, thánh thần, ma quỷ, các môn phái khác nhau; những sách này gọi là Sayc Kim (sách Phật, bói toán…), khác với sách phàm tục gọi là Sayc Chiu (sách chữ: sách thánh hiền, Nho giáo)” (tr.104).
Về 'người đào tẩu' Chu Thuấn Thủy sang Đại Việt
Câu chuyện về nhân vật trưng sĩ Chu Thuấn Thủy đời nhà Minh (Trung Quốc) trốn sang nước ta, trong An Nam cung dịch kỷ sự (tức Ký sự phục dịch ở An Nam, Vĩnh Sính dịch, NXB Khoa học xã hội ấn hành), viết vào năm 1657 có đề cập đến việc này, để chứng minh trong phủ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần ở Đàng Trong thế kỷ 17 không chú trọng đến thực học.
Trưng sĩ Chu Thuấn Thủy nổi tiếng là người trọng thực hành và được trọng dụng vào đời nhà Minh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhà Thanh lật đổ nhà Minh nên ông vì trung thành với triều đại cũ (phản Thanh phục Minh) nên tìm cách bỏ trốn. Khi đó, trưng sĩ nhà Minh nghe nói Đại Việt, Triều Tiên là những nước biết lễ nghi (tri lễ) nên mới "đào tẩu" sang Đàng Trong. Biết Chu một thân thực học, nhiều người tìm đến nhưng chư quân từ trên xuống dưới đều đòi Chu xem tướng số. Không ai ở Đàng Trong nhận ra được giá trị sở học của Chu, có lúc Chu còn bị quản thúc. Vì vậy, ông rời Thuận-Quảng (Đàng Trong) để sang Nhật Bản và sau này trở thành học giả về Nho học rất được trọng vọng ở xứ sở mặt trời mọc.
|
Chuyện học ở Đại Việt thế kỷ 17
Samuel Baron trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (Hoàng Anh Tuấn dịch, NXB Khoa học xã hội), viết về nền học vấn Đàng Ngoài, mục đích tối thượng của các sĩ tử và sự phức tạp của chữ Hán: “Người Đàng Ngoài rất hiếu học vì đây là con đường để đạt được quyền lực và vinh hiển. Đây là động lực khiến người Đàng Ngoài miệt mài, chăm chỉ học hành. Nhưng cũng như ở nhiều nơi khác, sĩ tử đỗ đạt hay thất bại phụ thuộc vào nhiều nhân tố, nhất là liệu họ có trí nhớ tốt hay không bởi nghiệp học ở đây và thứ chữ tượng hình rất cần có trí nhớ tốt” (tr.73). Người Đàng Ngoài “không am hiểu nhiều về triết học phương Tây mà học theo ông Congtu (Khổng tử) của nước Tàu” (tr.74). “Người Đàng Ngoài hoàn toàn không biết về triết học tự nhiên, cũng không giỏi về toán học và thiên văn học”; “Không một người Đàng Ngoài nào chấp nhận điều gì trái với nội dung bộ sách (Tứ thư, Ngũ kinh)” (tr.75). Baron đánh giá cao quy trình thi cử ở Đại Việt: “Trong mọi việc khác có thể bị chi phối bởi tệ hối lộ, thiên vị, tình cảm cá nhân, nhưng việc ban cấp những học vị (sinh đồ, hương cống, tiến sĩ) này thì người ta thực sự tôn trọng giá trị của con người” (tr.76).
Bàn về những tước vị của Đàng Ngoài, Joseph Tissanier trong Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII-XIX qua các nguồn tư liệu phương Tây (Nguyễn Thừa Hỷ tuyển dịch) cho là các quan văn, như tiến sĩ và những người giữ gìn công lý, luật pháp như sau: "“Hiện nay trong vương quốc chỉ riêng những người đỗ sinh đồ cũng có thể tạo thành một đạo quân đông đảo, vì người ta tính được số đó có thể lên tới 63.500 người” (tr.38). Về độ khó học và khó nhớ của chữ vuông (chữ Hán), Tissanier cũng giống Baron khi đánh giá: “Những bộ óc ưu tú nhất của châu Âu chỉ cần nhìn thấy cũng đã phát sợ" (tr.41).
Trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội), Alexandre de Rhodes cho biết tất cả cố vấn của chúa thường là những tiến sĩ hay người làm luật, “trong nước này, người nào cũng biết vọc vạch một vài chữ (Hán) và không ai là hoàn toàn mù chữ” (tr.60). De Rhodes có nhắc qua chi tiết quan trọng rằng khi ông tặng chúa Trịnh Tráng chiếc đồng hồ cát và cuốn sách toán học Euclide bằng chữ Hán, một vị tiến sĩ “chính yếu” ngồi bên chúa nhận xét: “Thưa chúa, về nghệ thuật chiếc đồng hồ thì thật là đáng khen và xứng với sự hám của lạ của một vị chúa, nhưng về cuốn sách thì đức Khổng (tử) của chúng ta là đủ cả cho nước Annam, chúng ta không cần sách nào khác, nói rồi ông bái chào và đi ra” (tr.166). Nhận xét về điều này, dịch giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên cho rằng: “Một nét làm nổi bật trí thiển cận và kiêu căng của một Nho gia thời đó. Ngoài sách thánh hiền, thì không còn biết sách khoa học, kỹ thuật nào khác” (Cước chú 1, tr. 166).
Các giáo sĩ phương Tây trước khi đến Đại Việt truyền giáo thường tự trang bị cho mình các kiến thức nền tảng về hàng hải, toán pháp, thiên văn, địa lý, chiêm tinh, khoa học thường thức nói chung để công việc được thuận lợi. Vì thế, những thừa sai như de Pina, Cristoforo Borri, Giuliano Baldinotti rất được quý trọng trong mắt hiếu kỳ của người bản xứ vốn chỉ biết đến sách thánh hiền, luân lý. Nhận xét về chuyện học vấn ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, Filippo Marini bảo rằng canh nông, sử học, y học, luân lý là những môn học được người Đàng Ngoài chú trọng; họ coi Khổng tử như Platon và Aristote, không có khoa học trừu tượng, siêu hình… như ở phương Tây.
Bình luận (0)