Năm 2007, chứng kiến một cụ ông chạy xe máy vì tránh ổ gà mà va chạm với xe khác, dẫn đến bị thương rất nặng, anh Trần Minh Trung ray rứt rồi nảy sinh ý tưởng đi vá đường. Từ lúc ấy, hễ có tiền, anh đều dành dụm mua xi măng, cát đá để đi vá từng đoạn đường hư hỏng. Lúc không tiền, anh bán luôn cả gia súc trong nhà, thậm chí đi làm thuê kiếm tiền làm quỹ vá đường.
“Nhà ở nơi bốn mùa bạt ngàn cây trái nhưng không có đất canh tác, chỉ sống nhờ vào việc chăn nuôi bò, thỏ, gà, dê… nên cuộc sống gia đình tôi cũng khó khăn. Vậy nên, khi thấy đường hư mà túi sạch tiền, tôi phải xin cha mẹ bán bò hoặc gà để lấy tiền đi vá đường. Gia đình chẳng những không từ chối mà còn ủng hộ, đó là động lực giúp tôi duy trì công việc này”, anh Trung chia sẻ.
Thấy anh chịu khó dặm vá từng ổ voi, ổ gà giúp người dân xứ cù lao đi lại thuận tiện và an toàn, nhiều thanh niên địa phương cũng tình nguyện tham gia. Năm 2012, anh Trung đứng ra thành lập nhóm vá đường và bắc cầu thiện nguyện. Đến nay, nhóm có hơn 30 thành viên, hầu hết tuổi đời rất trẻ. “Trong số thành viên tham gia, có một số người lớn tuổi nhưng cũng có nhiều em là học sinh lớp 11, 12. Ngoài giờ học, các em theo các anh, các chú đi vá đường. Đặc biệt trong dịp hè, số lượng học sinh tham gia tăng lên nhiều hơn. Từ nhỏ đến lớn, ai nấy đều làm việc rất hăng say”, anh Trung cho biết.
|
Việc dặm vá đường của nhóm được thực hiện rất bài bản. Với sự giúp đỡ của người dân, đồ nghề được trang bị đầy đủ, từ máy soi nọc cầu, cối trộn hồ đến máy đầm, xe ba gác... để công việc dặm, vá và bảo dưỡng các tuyến đường được thực hiện nhanh chóng và chắc chắn hơn, đẹp hơn. Anh Trung kể mỗi lúc thi công khu vực nào, người dân ở đó đều tình nguyện nấu cơm miễn phí cho cả đội, khiến anh và các thành viên rất cảm động. Ngoài thời gian vá đường, anh Trung chạy xe máy đi tiền trạm nhiều nơi để kịp thời phát hiện ổ gà, ổ voi rồi lên kế hoạch vá nhanh nhất có thể. Đến nay, nhóm của anh đã vá và bảo dưỡng nhiều tuyến đường ở cù lao Tân Lộc, với tổng chiều dài hơn 30 km. Hiện anh còn mở rộng việc vá đường sang 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Không chỉ vá đường, nhóm thiện nguyện của anh Trung đã xây dựng, mở rộng và sửa chữa hơn 60 cây cầu lớn, nhỏ trên địa bàn cù lao Tân Lộc. Khi vận động được các nhà hảo tâm đóng góp, anh liên hệ xin chính quyền cho phép mở rộng hệ thống cầu, đường nông thôn. Chi phí để làm mỗi cây cầu khoảng 25 - 30 triệu đồng. Anh Huỳnh Văn Thọ (25 tuổi, ngụ cù lao Tân Lộc) cho biết: “Được góp công làm những tuyến đường đẹp, an toàn cho người dân đi lại, tôi thấy vui lắm. Người góp công, người góp của từ bà con dân quê khiến cho sự gắn kết nghĩa tình càng thêm bền chặt, không vui sao được”.
Bình luận (0)