Chuyện tử tế: Hơn 10 năm làm việc nghĩa tình

24/03/2021 10:29 GMT+7

Cuộc sống gia đình nghèo khó, nhưng hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Thanh Tú (42 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, Sóc Trăng) vẫn tình nguyện đi vớt xác trôi sông, chôn cất thai nhi và chăm sóc nghĩa trang từ thiện.

Trong lần đến viếng nghĩa trang thai nhi do cụ Huỳnh Văn Xuân (còn gọi Chín Xuân, 72 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) lập nên trên phần đất do chùa Chánh Thiên Cơ quyên góp tại xã Xuân Hòa, chúng tôi gặp ông Tú đang miệt mài lau dọn hơn 400 phần mộ thai nhi xấu số.
Hỏi thăm qua cụ Xuân mới biết ông Tú có cuộc sống nghèo khó. Nhà không đất canh tác, vợ ông là Đàm Thị Kim Anh (37 tuổi) đi rửa chén thuê tại quán ăn, tiền công chỉ 50.000 đồng/ngày. Riêng ông Tú cùng người con trai lớn đi làm trong đội mai táng để có tiền chạy cơm hằng ngày và lo học phí cho đứa con gái đang học lớp 3.
Cụ Xuân cho biết nghĩa trang thai nhi thành lập từ năm 2007, đến nay đã chôn cất 418 thai nhi bị cha mẹ vứt bỏ. Bản thân cụ giờ già yếu, nhà lại xa nghĩa trang nên mỗi tuần chỉ có thể đến chăm sóc 1 - 2 lần. May thay, hơn 1 năm qua, nhờ có ông Tú tình nguyện tham gia giúp cụ chăm lo phần mộ mỗi ngày.
Ngoài thời gian đi mai táng, ông Tú tập trung lo cho nghĩa trang. Mỗi ngày, ông đến quét dọn, lau chùi phần mộ, thắp nhang, đốt đèn, chăm sóc cây cối xung quanh. “Nhà cách nghĩa trang có vài chục mét nên cũng thuận tiện cho tôi hằng ngày chăm sóc những sinh linh này”, ông Tú chia sẻ.
Biết ông Tú có tấm lòng thiện nguyện nên cụ Xuân thường đưa thông tin “nhận an táng thai nhi miễn phí” kèm số điện thoại để mỗi khi ai nhặt được xác thai nhi thì liên hệ cụ đến đem về. Sau đó, cụ sẽ cùng ông Tú chôn cất trong những hộc nhỏ đã được đào sẵn. “Thai nhi khi tiếp nhận sẽ được chúng tôi tắm rửa sạch sẽ và tẩm liệm, sau đó tụng kinh siêu độ rồi mới đem chôn cất đàng hoàng. Các con khi sống không có cơ hội trở thành hình hài hoàn chỉnh thì chết phải được mai táng như một con người”, ông Tú nói.
Không chỉ tình nguyện chôn cất thai nhi và chăm sóc nghĩa trang, suốt 10 năm qua, ông Tú còn làm việc nghĩa mà ít người dám làm, đó là vớt xác chết trôi sông. Từ khi làm công việc này đến nay, ông đã vớt hơn 200 xác rồi đưa họ về với gia đình mà không nhận một đồng thù lao nào. Với ông, “nghĩa tử là nghĩa tận”, người thân của họ đau khổ đến dường nào trước cái chết chưa tìm thấy xác, vậy nên ông chỉ muốn cố gắng giúp đỡ.
Theo ông Tú, việc trầm mình hàng giờ dưới nước để đưa xác lên bờ vừa vất vả vừa nguy hiểm. Tử thi trương phình, khi đến gần, mùi hôi xộc thẳng lên mũi rất khó thở, nhức cả đầu óc. Thế nhưng, ông làm riết rồi cũng dần quen. Điều ông sợ nhất là khi làm quá sức dưới nước dẫn đến suy kiệt, bị chuột rút thì dễ mất mạng.
Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng ông Tú xem việc vớt xác là cách giúp người chết được về với gia đình nên ông không ngần ngại. “Ngoài những lúc đi làm mai táng theo đội thì việc vớt xác cũng thường như cơm bữa. Nhiều người cũng biết việc tôi chuyên vớt xác nên khi có xác chết trôi hoặc thân nhân của người xấu số liên hệ tìm vớt thì hai cha con tôi lập tức đi liền”, ông Tú bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.