Chuyện tử tế: Lớp học đặc biệt ở miền biển Cà Mau

01/02/2023 08:12 GMT+7

Hơn 7 năm qua, lớp học đặc biệt ở xã Nguyễn Việt Khái, H.Phú Tân (Cà Mau) đã xóa mù chữ cho gần 100 học viên là những cụ già, người lớn tuổi ở địa phương.

75 tuổi vẫn đi học

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm lớp học đặc biệt ở miền biển xã Nguyễn Việt Khái. Tiếng đọc chữ ê, a của các học viên khiến chúng tôi dịu lòng lại giữa cuộc sống hối hả, xô bồ.

Bà Nguyễn Thị Thao (75 tuổi, ngụ ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái) nói: "Tôi theo học ở lớp này hơn 4 tháng rồi. Nhiều người hỏi, già rồi thì đi học làm chi nữa, nhưng tôi nghĩ mình phải biết cái chữ để không bỡ ngỡ khi ra đường. Tôi rất vui vì giờ đây đã có thể nhìn ra mặt chữ và viết tên mình".

Chuyện tử tế: Lớp học đặc biệt ở miền biển Cà Mau - Ảnh 1.

Những học viên của lớp học đặc biệt

GIA BÁCH

Trong khi đó, do nhà neo người nên bà Đỗ Thị Huệ (47 tuổi, ngụ ấp Sào Lưới) phải vừa đi học vừa giữ cháu nội. "Lớp dạy vào các ngày thứ ba, năm, bảy. Mỗi ngày dạy khoảng 1,5 tiếng, bắt đầu từ 16 giờ 30. Hôm nào có buổi học thì tôi tranh thủ đi làm về sớm hơn thường ngày để kịp giờ. Bây giờ tôi đã có thể đọc được bảng hiệu, viết được nhiều chữ rồi. Mình lớn tuổi nhưng chỉ cần có ý chí thì tôi nghĩ rằng việc học chữ không khó", bà Huệ nói.

Bà Thao và Huệ là 2 trong số 10 học viên của của lớp học xóa mù chữ đặc biệt do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái tổ chức tại ấp Sào Lưới. Điểm còn lại cũng với khoảng 10 học viên mở tại trụ sở ấp Gò Công vào khung giờ 17 giờ - 18 giờ 30 các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần.

Xoá mù chữ cho hơn 100 người nghèo

Bà Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, cho biết năm 2015, lớp học được mở tại trụ sở ấp Gò Công chỉ với 3 học viên. Nhưng với quyết tâm giúp cho nhiều chị em và người lao động nghèo biết chữ, hội đã kiên trì vận động, nhờ đó người đến học ngày càng đông.

Chuyện tử tế: Lớp học đặc biệt ở miền biển Cà Mau - Ảnh 2.

Bà An hướng dẫn cho một học viên đọc chữ

Năm 1987, bà An là giáo viên dạy văn của một trường THCS trên địa bàn H.Phú Tân. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh cá nhân, bà phải bỏ nghề sau 15 năm gắn bó. Sau đó, bà tham gia công tác tại cơ sở và giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã từ năm 2010 cho đến nay. "Trong quá trình công tác, tôi chứng kiến nhiều bà con do không biết chữ nên phải lăn tay khi làm các thủ tục tục hành chính. Tôi trăn trở rất nhiều rồi quyết định xin mở lớp học xóa mù chữ", bà An nhớ lại.

Theo bà An, 2 điểm dạy chữ đều phải tổ chức buổi chiều, vì đa phần học viên bận công việc mưu sinh hoặc gia đình. Thời gian đầu, các giáo viên rất vất vả để ổn định lớp học, bởi có nhiều người không theo nổi đến cùng. Dần dần, bằng quyết tâm, các chị em trong hội đã tích cực vận động, gần gũi chia sẻ để bà con đến lớp đều đặn.

Những ngày đầu, chỉ có bà An đứng lớp dạy học. Lâu dần, lớp học ngày càng đông, bà phải chia thành 2 điểm để tổ chức dạy với số lượng khoảng 20 học viên mỗi khóa từ 4 - 5 tháng. Sau 7 năm, lớp học đặc biệt này đã xóa mù chữ cho gần 100 người dân nghèo ở địa phương.

Hiện nay, ngoài bà An có có 2 giáo viên khác đứng lớp dạy chữ cho bà con. "Động lực để chúng tôi cùng với các học viên vượt qua những lời dị nghị là sự đồng cảm và mong muốn chia sẻ thiệt thòi với người nghèo ở vùng nông thôn. Nhìn thấy bà con hạnh phúc khi viết được tên mình thì mọi mệt mỏi như tan biến", bà Trương Kim Lến (59 tuổi, 1 trong 3 giáo viên) cho biết.

Chuyện tử tế: Lớp học đặc biệt ở miền biển Cà Mau - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thao dù đã 75 tuổi nhưng vẫn miệt mài với từng con chữ

Ngoài dạy chữ, làm toán đơn giản, bà An và các giáo viên còn vận động nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm, tập sách cho các thành viên trong lớp. Những món quà tuy giá trị không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và tạo động lực để mọi người cùng cố gắng trong việc học.

Theo bà Phạm Lý Ba, Chủ tịch Hội LHPN H.Phú Tân, lớp xóa mù chữ của Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái là điểm sáng, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nghèo ở địa phương. Hội LHPN huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ để ngày càng có nhiều hơn lớp học xóa mù chữ đến với người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.