Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

16/02/2025 04:18 GMT+7

Mỗi ngày rằm và mồng 1 hằng tháng, trước cửa hiệu của nhà thiết kế Võ Việt Chung ở số 241 - 243 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), hình ảnh dòng người xếp hàng ngay ngắn để nhận những suất cơm chay miễn phí đã trở nên quen thuộc.

Không phân biệt giàu nghèo, ai đến nhận cơm chay cũng đều được đón nhận bằng nụ cười chân thành và những phần ăn đầy ấm áp. 

Toàn bộ đều do chính nhân viên cửa hiệu và người nhà anh Võ Việt Chung chuẩn bị. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thiện nguyện mà còn là cách anh lan tỏa sự tử tế giữa lòng phố thị TP.HCM.

Hạnh phúc khi làm việc tử tế

Ở TP.HCM, thật không khó để thấy các điểm phát cơm, nước miễn phí mỗi ngày. Thành phố này tuy vội vàng, xô bồ là thế nhưng mỗi ngày đều có hàng trăm hội nhóm, cá nhân mang tặng thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho người vô gia cư, người lao động nghèo. Những hình ảnh đẹp đẽ đó đã trở thành nét đẹp đặc trưng của TP.HCM.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 1.

Mọi người tất bật chuẩn bị các suất cơm chay từ sáng sớm

ẢNH: THÁI THANH

Hòa vào đó, từ năm 2024, tiệm áo dài của nhà thiết kế Võ Việt Chung đã triển khai hoạt động phát thức ăn chay miễn phí cho người lao động, các bạn sinh viên… vào ngày rằm và mồng 1 mỗi tháng. 

Nhà thiết kế Võ Việt Chung - người sáng lập Tổ chức Hoa hậu Đại dương được biết đến với nhiều thiết kế áo dài nổi tiếng trong và ngoài nước. Anh cũng là người thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.

Rằm thán giêng, nhiều người lao động khó khăn, tài xế công nghệ, bảo vệ và cả các bạn sinh viên… có mặt ở tiệm áo dài của anh Chung từ sớm để chờ nhận cơm chay. Những suất cơm được phát từ 11 giờ trưa đến khi hết.

Có mặt ở tiệm áo dài của anh Chung từ sáng, chị Hỗ Thị Mỹ Hậu (29 tuổi, nhân viên cửa hàng) tất bật chuẩn bị cơm trưa cho bà con cùng cô Kim Xuyến (60 tuổi, người nhà anh Chung).

Làm việc ở cửa hàng khá lâu, chị Hậu cảm nhận anh Chung là người hiền lành, tử tế, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Chị Hậu tâm tình: “Anh Chung luôn dặn dò chúng tôi hãy nấu cơm và trao đi bằng cả trái tim. Một bữa cơm chay tuy không đáng bao nhiêu nhưng với nhiều người đó là cả một niềm hạnh phúc. Bản thân chúng tôi cũng không mấy dư giả nhưng khi nhìn ra thế giới bên ngoài lại thấy nhiều người cần giúp đỡ. Vậy nên tôi cũng rất vui khi được tham gia vào hoạt động ý nghĩa này”.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 2.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 3.

Các phần ăn được mọi người chế biến kỹ lưỡng, sạch sẽ 

ẢNH: THÁI THANH 

Rằm tháng giêng, chị Hậu cùng mọi người chuẩn bị món bún nước tương, ăn kèm với đậu hũ và chả giò để tặng cho bà con. Mỗi buổi, tiệm phát khoảng 200 suất, mỗi người có thể nhận vài suất tùy theo nhu cầu của mình.

Chị Hậu chia sẻ thêm, bất kỳ ai đến nhận cơm cũng đều được mọi người chào đón, không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác. Vì có người đến nhận không phải vì nghèo khổ mà đôi khi họ chỉ cần một bữa ăn ấm áp. Dù phát hàng trăm suất mỗi tháng nhưng tất cả đều được chọn lọc nguyên liệu, chế biến kỹ lưỡng. 

“Chúng tôi luôn chọn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo vệ sinh để nấu, vì đây không chỉ là bữa ăn mà còn là sự trân trọng đối với người nhận,” chị Hậu nói.

Bản thân chị Hậu luôn tâm niệm, được cho đi là một niềm hạnh phúc. Chỉ cần thấy các cô chú mỉm cười, ăn một bữa cơm chay ngon, chị thấy lòng mình an yên đến lạ. “Bữa cơm tuy nhỏ, nhưng nếu có thể mang lại nụ cười và niềm vui cho mọi người, thì chúng tôi sẵn sàng làm mãi”, cô gái trẻ khẳng định.

Sẵn sàng đợi cả tiếng để nhận cơm chay

Đến tiệm áo dài anh Chung trước giờ nhận cơm khá lâu, bà Nguyễn Thị Mai (68 tuổi) thổ lộ, mỗi ngày bà kiếm được khoảng 100.000 đồng từ công việc bán vé số. Vậy nên những bữa cơm chay miễn phí như thế này giúp bà tiết kiệm được đôi chút để trả tiền trọ và đề phòng lúc đau ốm.

“Tôi nhận cơm chay ở đây đã lâu, cô chú nấu cơm ngon, khi phát đến tay mọi người vẫn còn ấm nóng. Ở đây cũng không giới hạn mỗi người được nhận bao nhiêu phần, nên tôi có thể xin thêm một phần để dành ăn bữa tối”, trên tay cầm xấp vé số còn dang dở, bà Mai cười hiền hậu.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 4.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 5.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 6.

Món chay được thay đổi thường xuyên để bà con ăn cơm đỡ ngán 

ẢNH: THÁI THANH 

Bà Mai kể rằng, không chỉ phát cơm, các cô chú ở tiệm còn còn hỏi han, dặn dò bà ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe. “Ở tuổi này, có khi mệt quá muốn nghỉ, nhưng nghĩ đến cơm áo gạo tiền lại phải đi. Nhận được hộp cơm, ly nước mát, tự nhiên thấy đời cũng còn nhiều người tốt lắm,” bà nói, mắt rưng rưng.

Dù cuộc sống vất vả, bà Mai chưa bao giờ cảm thấy tủi thân khi đến nhận cơm. “Ở đây, không ai hỏi mình giàu nghèo, sang hèn. Ai cần thì cứ đến, cứ nhận. Người cho không hề tính toán, mà mình nhận cũng thấy vui vì được san sẻ”, bà bộc bạch.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 7.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: Bữa cơm chay của nhà thiết kế Võ Việt Chung

- Ảnh 8.

Nhiều người xếp hàng từ sớm để nhận cơm chay 

ẢNH: THÁI THANH 

Cô Kim Xuyến, người nhà của anh Chung cho hay, chỉ cần mọi người đến nhận cơm thì tiệm đều sẵn sàng tặng. Ngoài ra, anh Chung còn chuẩn bị một bình nước suối đặt trước cửa tiệm để phục vụ bà con dưới tiết trời nắng nóng. Những suất cơm không chỉ đơn thuần là một bữa ăn, đó còn là nguồn động viên rất lớn mà mọi người trao cho nhau giữa cuộc sống nhiều bộn bề.

Anh Trần Văn Hùng, một tài xế xe ôm công nghệ đến nhận cơm chia sẻ: “Chạy xe cả ngày dưới trời nắng, có lúc mệt mỏi nhưng không dám ăn ngoài vì sợ tốn kém. Mỗi lần đến đây nhận cơm, tôi thấy nhẹ lòng vì có người nghĩ đến những người như mình”.

Những suất cơm chay miễn phí không chỉ giúp người lao động nghèo vơi bớt gánh nặng mưu sinh, mà còn là minh chứng cho lòng nhân ái luôn hiện hữu giữa TP.HCM. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, những bữa cơm ấm lòng ấy đã kết nối con người lại gần nhau hơn, tạo nên một vòng tròn sẻ chia, ân tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.