Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'

22/02/2025 04:22 GMT+7

Vào một buổi sáng cuối tuần ở TP.HCM, trong không gian ấm cúng của lớp học vẽ, những bệnh nhân ung thư cùng nhau thả hồn vào từng nét cọ, tạm quên đi những lo toan bệnh tật.

Đó chính là Lớp vẽ của Gió - một hoạt động đầy nhân văn của Salt Cancer Initiative - Tổ chức Sáng kiến ung thư muối (SCI), mang đến liệu pháp điều trị tinh thần quý giá cho những "chiến binh K".

Lớp vẽ của Gió được SCI phối hợp cùng Tipsy Art tổ chức, hoàn toàn miễn phí dành cho bệnh nhân ung thư tại TP.Hà Nội và TP.HCM. 

Với phương châm "Sống mạnh mẽ và lan tỏa yêu thương", lớp học không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn đồng hành với các bệnh nhân vượt qua giai đoạn điều trị khó khăn.

Liều thuốc tinh thần chữa bệnh ung thư

Chúng tôi biết đến lớp vẽ thông qua sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Bích Liên (66 tuổi), người đã chiến đấu với căn bệnh ung thư đại tràng hơn 10 năm nay. Lần thứ 2 tham gia lớp học, bà chia sẻ rằng, mỗi lần vẽ là một lần bà quên đi căn bệnh mình đang mang.

“Tôi cảm thấy rất may mắn khi có một lớp học ý nghĩa như thế này dành cho các chiến binh K. Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư. Ở đây, tôi còn có cơ hội gặp nhiều anh chị em đồng cảnh ngộ, chúng tôi động viên, chia sẻ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn”, bà Liên vừa bộc bạch.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 1.

Lớp vẽ của Gió giúp các bệnh nhân ung thư được đắm chìm vào không gian nghệ thuật

ẢNH: THÁI THANH

Ngồi ngay ngắn trước giá vẽ, bà Liên chăm chú tô màu từng chi tiết nhỏ trên bức tranh của mình. Hơn 10 năm chiến đấu để giữ lấy sự sống, người phụ nữ thổ lộ đã từng có lúc muốn bỏ cuộc.

“10 năm trước khi mới phát hiện bệnh, bác sĩ tiên lượng tôi chỉ có thể sống được khoảng 5 năm. Nhưng đến nay tôi vẫn có thể ngồi ở đây, cầm cọ vẽ nên bức tranh của mình. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất với người bệnh ung thư không chỉ là thuốc men, mà là có một tinh thần vững vàng, lạc quan. Chính lớp vẽ này đã cho tôi thêm một nguồn năng lượng rất tích cực, thư thái tinh thần”, bà nói.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 2.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 3.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 4.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 5.

Các bệnh nhân ung thư chăm chú hoàn thiện bức tranh của mình 

ẢNH: THÁI THANH 

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc của SCI chia sẻ, khi đến với lớp học, các bệnh nhân sẽ được hòa mình vào không gian nghệ thuật, học cách lắng nghe, thấu hiểu và cân bằng những cảm xúc nội tại bên trong mình. Lớp vẽ này là một trong những hoạt động nổi bật của SCI, nơi giúp cho các bệnh nhân sống tích cực, mạnh mẽ, lạc quan hơn.

Nhiều năm đồng hành với SCI, chị Nhung nhận thấy, khi được cầm cọ vẽ, bản thân các cô chú, anh chị sẽ được tạm quên đi mọi muộn phiền, chỉ tập trung vào thế giới riêng của mình trong bức tranh. Đó cũng là một phương pháp điều trị tinh thần giúp đẩy lùi bệnh tật rất tốt.

Những người bạn đồng hành

Ở Lớp vẽ của Gió không chỉ có những bệnh nhân đang chiến đấu với bệnh tật mà còn có những bạn tình nguyện viên sẵn sàng đồng hành, lặng lẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ. 

Với các tình nguyện viên, đó không chỉ là một hoạt động thiện nguyện, mà còn là cách họ sống yêu thương, trân trọng phút giây hiện tại.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 6.
Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 7.

Các bạn tình nguyện viên sẵn sàng đồng hành, lặng lẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các bệnh nhân 

ẢNH: THÁI THANH 

Đồng hành với SCI được 4 năm, anh Nguyễn Đức Đạt (34 tuổi) chia sẻ, ban đầu anh đến với mong muốn đóng góp chút công sức, giúp bệnh nhân có những phút giây vui vẻ. Nhưng càng tham gia, anh càng nhận ra mình cũng học được rất nhiều điều từ chính những “học viên đặc biệt” này.

“Tôi làm tình nguyện ở SCI cũng đã nhiều năm, từng chứng kiến nhiều bệnh nhân kiên cường chiến đấu với bệnh tật đến cùng. Chính họ là người đã cho chúng tôi những bài học quý giá về sự yêu đời, trân trọng cuộc sống ở từng phút giây”, anh Đạt bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn (75 tuổi), một “chiến binh K thận” giãi bày, ở lớp vẽ, ông không chỉ gặp được những người đồng bệnh mà còn có các bạn tình nguyện viên tốt bụng.

Lần đầu tiên tham gia lớp học, ông Huấn nói mình còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. "Ban đầu, tôi cũng ngại lắm, vì đó giờ chưa bao giờ vẽ tranh. Nhưng các bạn tình nguyện viên luôn động viên, nói tôi hãy thoải mái tận hưởng. Cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian để đồng hành, tiếp sức cho bệnh nhân ung thư chúng tôi”, ông Huấn nói.

Chuyện tử tế ở TP.HCM: 'Khi cầm cọ vẽ, tôi quên mình bị ung thư'- Ảnh 8.

Chị Thúy là một giáo viên dạy yoga tình nguyện ở SCI cũng tham gia trải nghiệm vẽ tranh cùng các bệnh nhân

ẢNH: THÁI THANH

Là một giáo viên dạy yoga, có tham gia hỗ trợ tập luyện cho các bệnh nhân trong cộng đồng SCI, chị Thanh Thúy chia sẻ, bên cạnh những cơn đau thể xác, người bệnh còn phải chiến đấu với những nỗi sợ hãi, lo lắng và áp lực tinh thần.

Theo chị Thúy, những hoạt động mang tính trị liệu tinh thần như tập yoga hay vẽ tranh rất có ích đối với các bệnh nhân. Những hoạt động này giúp họ cảm nhận cơ thể, tâm hồn của mình, kết nối sâu với bản thân. Bản thân chị Thúy khi trực tiếp trải nghiệm vẽ tranh tại Lớp vẽ của Gió cũng cảm thấy rất hào hứng, thú vị.

Salt Cancer Initiative (SCI) - Sáng kiến Ung thư muối được thành lập vào năm 2017. Kể từ khi thành lập, SCI đã kết nối hàng chục nghìn bệnh nhân và gia đình có bệnh nhân ung thư, thực hiện sứ mệnh trở thành một cộng đồng để kết nối và chia sẻ, cung cấp kiến thức, thông tin cho người bệnh. 

Với thông điệp “Bạn không phải chiến đấu một mình", SCI luôn đồng hành cùng những bệnh nhân ung thư trên chặng đường chiến đấu giành lấy sự sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.