Chuyện tử tế: Truyền nghề cho người khuyết tật

01/07/2020 14:10 GMT+7

Nhiều năm qua, ông Lê Hải (58 tuổi, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) mở xưởng mộc dạy nghề miễn phí cho hàng chục thanh thiếu niên khuyết tật tại địa phương.

Ông Hải đặt tên xưởng mộc là Nguồn Xanh với ý nghĩa sẽ ươm mầm nguồn sống cho những mảnh đời bất hạnh. Lớn lên trong một gia đình nghèo khó, ông hiểu rõ nỗi vất vả của những người lao động chân tay. Năm 1981, ông Hải bắt đầu học nghề mộc từ ông ngoại của mình. Sau 6 năm học nghề, mọi kỹ thuật đã thành thạo nên ông mở xưởng mộc riêng.
Nhờ sự khéo tay, chất lượng sản phẩm tốt, chẳng bao lâu xưởng mộc của ông Hải được nhiều người biết đến. Cũng từ đây nhiều học trò tìm đến xưởng của ông học nghề. Lúc bấy giờ, những người muốn học nghề mộc phải trả học phí khoảng 2 chỉ vàng cho mỗi khóa học. Thế nhưng xưởng mộc của ông Hải làm ngược lại, những học viên đến với xưởng ông đều được trả lương mỗi tháng.
Năm 2014, có 7 thanh niên khuyết tật ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến tìm ông để xin học nghề. Thấy họ quyết tâm học, với hy vọng có ích cho gia đình và xã hội nên ông nhận vào làm ngay. Những người ở xa được ông Hải bố trí nơi ăn chốn ở trong xưởng để thuận tiện việc học nghề.
“Những người khuyết tật tuy khiếm khuyết nhưng vẫn là những người có ích cho gia đình, xã hội. Mặc dù sức khỏe yếu, chậm hơn người bình thường nhưng họ vẫn có thể làm tốt công việc. Tôi dạy họ làm đồ mộc mỹ nghệ nên cũng không cần đến sức khỏe mà chỉ cần kiên trì, tỉ mỉ và có con mắt nghệ thuật. Tôi muốn sau này họ có nghề nghiệp ổn định, ít nhất là tự nuôi sống bản thân để không phụ thuộc vào ai”, ông Hải tâm sự.
Khi hay tin ông Hải luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, người khuyết tật tìm đến để học nghề mỗi lúc một đông. Không chỉ dạy nghề, ông còn tạo công ăn việc làm cho những mảnh đời không may này. Ngày thường xưởng ông có 6 - 7 người làm, những hôm cao điểm có đến 16 - 18 người thay phiên phụ việc. Mỗi học viên đều được ông Hải trả lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng để lấy tiền trang trải cuộc sống.
“Họ có khổ, có khó khăn mới tìm đến mình để học nghề. Ai nấy đều có gia đình riêng nên dù họ học nghề nhưng tôi vẫn trả công cho họ để nuôi gia đình. Trước kia, bản thân tôi khổ nhiều rồi, tuy giờ chưa giàu có nhưng cũng ổn hơn họ, mình giúp được gì thì giúp thôi”, ông Hải chia sẻ. Đến nay sau nhiều năm hoạt động, xưởng mộc Nguồn Xanh đã dạy nghề miễn phí cho hơn 40 người khuyết tật. Đa số họ đều thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho biết xưởng mộc của ông Hải thời gian qua đã dạy nghề cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trên địa bàn và nhiều nơi khác. “Xã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của ông Hải vì việc làm nhân đạo, thiết thực, tạo sự lan tỏa tích cực đối với cộng đồng”, ông Hậu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.