Chuyện về cuộc phục kích năm 1885 ở kinh đô Huế, vua Hàm Nghi bỏ chạy lên núi

20/06/2020 11:00 GMT+7

Biến cố của cuộc phục kích năm 1885 ở kinh đô Huế khiến vua Hàm Nghi cùng phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết bỏ chạy lên núi, rồi vua Đồng Khánh lên ngôi được miêu tả sinh động trong sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Omega và NXB Đà Nẵng ).

Vua Hàm Nghi tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là một trong ba vị vua yêu nước ở thời kỳ Pháp thuộc. Theo tài liệu lịch sử: "Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi"
Theo tác giả Charles-Édouard Hocquard: Thời điểm vua Hàm Nghi làm vua, mối quan hệ giữa triều đình Huế với đại diện của nước Pháp càng lúc càng khó khăn: cuộc kháng chiến âm thầm mà các quan phụ chính của vị vua trẻ An Nam chống lại ảnh hưởng của Pháp mỗi lúc một rõ nét và bắt đầu bộc lộ qua những hành động thù nghịch. Phái viên mật của tổ chức sĩ phu do quan phụ chính Tường cải tổ trên các căn cứ mới đã tiếp xúc dân chúng khắp nơi và sự thôi thúc mạnh mẽ ấy xuất hiện ngay trong những làng xã nhỏ nhất của vương quốc. Vì vậy mà tướng de Courcy khi ấy của Pháp đã quyết định đến Huế để trình quốc thư đến vua Hàm Nghi, đầu tiên là muốn có sự chứng kiến của “bá quan văn võ”, mục đích quan trọng hơn nữa là xem xét động tĩnh của triều đình để cân nhắc chính xác cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng nan giải này.

Tòa nhà khâm sứ Pháp (ảnh minh họa in trong sách)

Ảnh: Charles-Édouard Hocquard

Cuộc phục kích giữa đêm

Sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ mô tả lại: “Tướng de Courcy đến kinh đô chưa đầy hai mươi tư giờ thì khó khăn đã bắt đầu nhen nhóm: nhà vua nghe theo các quan phụ chính chỉ đón tiếp đại diện của Pháp quốc nếu người này tuân thủ nghi lễ của triều đình. Thế nhưng nghi lễ này là một trong những hình thức hạ nhục ghê gớm nhất và không một người Âu châu nào có thể chấp nhận tuân theo. Triều đình quá hiểu điều đó; họ đơn giản chỉ muốn kéo dài thời gian. Một trong hai viên quan phụ chính của vị vua trẻ, Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết, con người với khí phách hung bạo và là kẻ thù không thể dung hòa của ta từ lâu đã âm thầm chủ trương tái phát động chiến tranh”.
Cuối cùng, chiến trận cũng nổ ra trong đêm mồng 4, rạng sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885. Bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard tường thuật: “Quãng nửa đêm, quân An Nam tấn công dữ dội trại lính của tiểu đoàn (Zouaves), trong khi đó đại bác từ thành bắn từng loạt vào tòa Khâm sứ Pháp nằm bên kia sông. Đêm đó, triều đình hạ quyết tâm chấm dứt với nền bảo hộ Pháp; hai quan phụ chính - Thuyết và Tường trước đó đã tập hợp lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội An Nam, họ quyết định khai chiến. Như thường lệ, họ có đầy đủ thông tin và định đánh úp quân ta lợi dụng sự vắng mặt của các sĩ quan. Để ngăn các sĩ quan kịp trở về đồn Mang Cá từ tòa Khâm sứ nằm bên kia sông, họ đã ra lệnh cho tất cả chủ tàu thuyền đưa thuyền đi xa hơn thường lệ và không neo đậu dọc sông, và có lẽ họ sẽ chiếm được ưu thế nếu như không có tàu đưa các sĩ quan về đồn ngay tối hôm đó. Rồi pháo sáng từ cung điện ra tín hiệu. Tất cả đại bác trong thành được kéo lên bức tường đối diện với tòa Khâm sứ, đồng loạt khai hỏa; đạn nổ tung mái, làm sập trần nhà... Nhà cửa cháy như diêm; dân chúng trong tòa nhà hoảng hốt bật dậy”.

Chân dung được phục dựng của vua Hàm Nghi

Ảnh: T.L

Lúc này, tướng de Courcy vô cùng lo lắng, trong thâm tâm ông cũng sợ mình sẽ bị giết bởi một quả đạn pháo nên trèo lên tận vọng lâu nằm trên mái tòa khâm sứ. Charles-Édouard Hocquard kể tiếp về vị tướng này: “Ông đưa ống nhòm nhìn sang phía bờ sông bên kia, ở góc phía bắc hoàng thành nơi binh lính của ông đang bị giam hãm. Họ bị nhốt giữa những bức tường cao như một bẫy chuột, ai dám chắc những người lính tội nghiệp đó không bị tiêu diệt bằng sạch? Nhưng không, những binh lính đó trái lại đã làm một cuộc tấn công áp đảo đánh bại quân đội An Nam đông gấp đôi đang tìm cách bao vây họ trong góc thành hoang vắng. Họ chiếm từng căn nhà, và tới sáng thì lá cờ tam tài đã được kéo lên trên kỳ đài An Nam trông xuống cung điện, báo hiệu chiến thắng cho tướng de Courcy”.

Quang cảnh Huế xưa

Ảnh: Charles-Édouard Hocquard

Tin kinh đô Huế rơi vào tay Pháp gây chấn động khủng khiếp. Bại trận, vua Hàm Nghi cùng phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết chạy lên dãy núi ngăn cách An Nam với lưu vực sông Mê Kông. Còn Hoàng thái hậu - mẹ của vua Tự Đức có một tầm ảnh hưởng đáng kể trong triều đình thì lúc đầu bà đã cùng xa giá rút chạy nhưng rồi bà đã trở về cung điện. Nhờ vào Hoàng thái hậu, Thống tướng đã thành lập một hội đồng nhiếp chính mới, phế truất Hàm Nghi và chọn người anh của Hàm Nghi lập làm vua mới. Vị hoàng tử này 21 tuổi, được tôn làm hoàng đế tại Huế trước sự chứng kiến của tướng de Courcy, lấy niên hiệu là Đồng Khánh.

Vua Hàm Nghi, năm 1899

Ảnh: T.L của nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc

Sau này, dù bị phế truất nhưng vua Hàm Nghi vẫn không cam chịu, ông đã cho tuyển mộ binh lính đông đảo và với sự giúp sức của phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, đã tiến hành một chiến dịch chống Pháp thực thụ. Sứ giả của Hàm Nghi chạy khắp Trung kỳ và Bắc kỳ, tuyên truyền khắp nơi về cuộc nổi dậy. Bạo loạn vừa nổ ra trong các tỉnh Quảng Trị và Thanh Hóa. “Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, kể từ khi vị vua trẻ Đồng Khánh được tôn lên ngai vàng thay vua Hàm Nghi theo ý muốn của tướng de Courcy và quân đội Pháp, cổng hoàng cung đã mở ra với người Âu châu dễ dàng hơn rất nhiều”, tác giả Charles-Édouard Hocquard nhận định trong sách.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.