“Cuộc sống của tôi đơn giản lắm”, người đàn ông 71 tuổi vừa đưa bóng đá nữ Việt Nam đến với World Cup, nhẹ nhàng chia sẻ.
HLV Mai Đức Chung, người thầy tận tâm và đầy tình cảm của tuyển nữ VN |
Minh Tú |
Cầm sa bàn ra sân như tướng ra trận
Tôi nói với HLV Mai Đức Chung, có lẽ tính cách của ông phù hợp với nghề giáo đứng trên bục giảng hơn là làm HLV bóng đá. Ông Chung cười nói: “HLV cũng như nghề giáo, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Và trước khi thành danh, học sinh phải thành người cái đã. Tôi muốn học trò của mình hướng thiện, sống biết yêu thương, nhường nhịn, chan hòa. Nên tôi cũng phải sống thế nào để học trò còn nhìn vào. Chả nói được cầu thủ đâu nếu mình sống khác với những gì mình dạy dỗ. Tính tôi ngại bon chen, không thích phô trương, ồn ào. Nhưng khi cầm sa bàn ra sân huấn luyện hoặc chỉ đạo chiến thuật thi đấu, mình như tướng ra trận, phải nhu cương tùy lúc. Mềm dẻo nhưng vẫn phải quyết đoán. Có lẽ tôi thấy mình được như hôm nay là nhờ sự nhẫn nại, kiên trì. Đặc biệt kiên trì, gần như không bao giờ nản chí, buông xuôi.
Huấn luyện cầu thủ nữ khó hơn nam gấp trăm lần vì nói gì thì nói, nữ tiếp thu kiến thức bóng đá, chiến thuật này nọ vẫn chậm hơn nam. Mình không coi các cầu thủ như con mình đẻ ra, không dành cho họ sự yêu thương và nếu không nhẫn nại, thì không bao giờ làm được bóng đá nữ đâu. Tôi gần như không quát “học sinh” của mình bao giờ cả. Có mỗi một lần, nói mãi mà mấy cô trẻ của đội U.19 vẫn không hiểu đấu pháp, tôi bực quá, cầm cái maker đánh vào đít mấy cái. Xong lại thấy thương, bảo bác xin lỗi, lúc ấy bác hơi giận nên đánh oan các cháu. Chúng cười phá lên, bảo ôi bác ơi, cháu hiểu mà”.
Tôi có thể ngồi im lìm cả ngày trước cần câu mà không thấy chán. Câu được con cá, sướng lắm. Như là mình vừa vượt qua được cái gì đó lớn hơn sức mà mình chịu đựng
Tác giả
Tiền đạo Phạm Hải Yến cho biết nhìn bác Chung đứng dưới nắng gay gắt ở Ấn Độ gần 2 tiếng đồng hồ để chỉ đạo các trận đấu tại Asian Cup nữ mà cô và các đồng đội rơi nước mắt. Kể lại chi tiết này cho ông Chung, thấy mắt ông rơm rớm: “Chúng nó con gái mà còn phơi mình giữa trận tiền, chạy không biết mệt suốt hơn 90 phút. Phục các con ghê lắm. Thầy của chúng nó mà lại ngồi trong ca bin để nắng quái không chiếu vào mặt thì có đặng không? Lòng mình không làm được điều ấy. Có đồng cam cộng khổ thì học trò mới tận tâm. Tôi còn nhớ thời điểm ngắn tôi dẫn dắt tạm thời đội tuyển nam, trước khi HLV Park Hang-seo chính thức cầm quân, trận thắng đậm Campuchia trên sân Mỹ Đình, trời mưa to sàn sạt, rát hết cả mặt, nhưng nếu mình lại cũng đứng ở cabin cho khỏi ướt thì lòng mình không đặng”.
“Khổ có cái sướng của khổ”
Thời thanh niên sôi nổi, ông Chung học Đại học TDTT Từ Sơn và đáng lẽ khi tốt nghiệp năm 1971, ông phải làm công tác huấn luyện đúng ngành nghề mình đã học, nhưng: “Tôi lại hơi ngược đời một tí. Tôi đi đá bóng, cho đến tận năm 1983 mới giải nghệ. Mọi người quen gọi là Chung “xe ca” vì đội đầu tiên tôi khoác áo là của Xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội. Nếu không theo nghiệp cầu thủ, tôi đã về “khoác áo” cán bộ của Sở Giáo dục Hà Nội. Nhưng duyên phận của mình là gắn với bóng đá. Cả một đời người. Buông bóng đá ra, tôi chả biết làm gì khác. Chả nhẽ đi buôn, mà tính mình thì buôn bán gì được. Mà cũng lạ, nghề bóng đá, kể cả khi còn làm cầu thủ cho đến khi trở thành HLV, khổ chứ không sướng. Vất vả lắm. Thăng trầm lắm. Nhưng tôi chưa thấy nó hành mình bao giờ. Khổ có cái sướng của khổ. Vì vượt khổ để thành công, mang lại hạnh phúc lớn lắm. Mọi người hỏi, ông Chung ơi, ông có đặc điểm gì, bí quyết gì mà làm bóng đá nam cũng thành công, bóng đá nữ càng thành công? Mình có công tác sư phạm, chịu khó mày mò kiến thức bóng đá hiện đại, già tuổi nhưng cũng phải chịu khó tự học hỏi để không bị lạc hậu vì bóng đá thế giới bây giờ tiến nhanh lắm. Lùi một bước là không thể theo kịp”.
Chuyện tình và sở thích của ông Chung “xe ca”
Có tính nhẫn nại, kiên trì, thế nên sở thích lớn nhất, sở thích đặc biệt của ông Chung - sau bóng đá - là đi câu cá. “Tôi có thể ngồi im lìm cả ngày trước cần câu mà không thấy chán. Nắng to cũng ngồi. Đội mũ hoặc che ô. Có bữa tôi ngồi từ sáng đến tận 2 giờ chiều, người ta đi qua thấy thế liền chỉ trỏ, ông kia sao mà kiên trì thế không biết. Cái phao ở cần câu không động đậy hàng giờ đồng hồ vì cá không chịu đớp mồi, nhưng tôi vẫn không nản. Câu được con cá, sướng lắm. Như là mình vừa vượt qua được cái gì đó lớn hơn sức mà mình chịu đựng”, ông Chung say sưa kể. Rồi ông kể thêm: “Tôi không ham mê rượu chè, bia bọt. Cà phê thì có chút chút. Thích xem phim ảnh thời xa xưa. Nhạc cách mạng cũng mê lắm. Trước khi đội tập trung trở lại vào tháng 3 chuẩn bị cho SEA Games, tôi sẽ tranh thủ đi câu cá vài buổi cho đỡ nhớ. Rồi có thể đi cà phê với mấy ông bạn già, hoặc cũng có thể chỉ đơn giản ở nhà ngồi xem phim truyền hình với bà nhà. Hồi còn trẻ, tôi cũng hay dắt bà ấy vào Nhà hát lớn xem ca nhạc”.
“Tôi xin không nhận lời khen là HLV thành công nhất bóng đá nữ Đông Nam Á”
Hỏi vui ông là đã bao giờ ông bị bắt nạt, ông Chung nói: “Tôi hiền nhưng không nhu nhược. Hiền nhưng là hiền hòa, điềm đạm. Mà có lẽ tính tình mình thế, không ai nỡ hại mình, bắt nạt mình. Còn lúc làm thầy, mình cũng phải có cái uy. Cái uy, thần thái của nghề HLV phải hòa quyện với nhau. Tôi cao 1,75m, khi còn đá, trừ thủ môn là vị trí tôi không chơi, chứ tôi chơi được cả tiền đạo, trung phong, tiền vệ, rồi có lúc còn làm cả hậu vệ. Khi hết đá thì chỗ nào cần sự đóng góp của tôi, tôi xin nhận nhiệm vụ. Không nề hà, làm CLB nam, đội tuyển nữ, chưa kể có gần 10 năm tôi làm công tác quản lý với vai trò Trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT. Ở đâu cũng cố gắng hết sức mình. Báo chí ca ngợi tôi là HLV thành công nhất bóng đá nữ Đông Nam Á, tôi xin không nhận, không phải vì mình khiêm tốn mà vì tôi thấy dường như mọi lời ca ngợi cứ không hợp với tính của mình. Tôi chỉ thích một cuộc sống bình lặng, không ồn ào”.
“Bà ấy” của ông Chung cũng nhẹ nhàng như chồng mình vậy. Tôi bảo hai ông bà đúng cặp trời sinh. Ông kể về chuyện tình của mình với cô gái xinh đẹp Phạm Ngọc Uyển thuở còn thanh niên: “Bà nhà tôi cũng người Hà Nội gốc. Giáo viên tiểu học Trường Cát Linh, gần nhà tôi ở số 4 Trịnh Hoài Đức. Máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, trường sơ tán sang chỗ phố tôi ở. Thế là quen nhau rồi yêu nhau 5 năm mới cưới. Năm 1976, tôi còn theo đội của mình vào miền Nam thi đấu phục vụ bà con trong ấy, đến đầu năm 1977 mới ra Hà Nội để làm lễ cưới. Chúng tôi hầu như chẳng nặng lời với nhau suốt mấy chục năm qua. Bà ấy hiểu công việc của tôi. Đưa đội nữ đi thi đấu ở Ấn Độ, ngày nào tôi cũng gọi điện về hoặc bà ấy gọi cho tôi. Nên xa về địa lý thôi chứ không xa về tấm lòng.
Không thiếu thốn, không quá giàu có nhưng chúng tôi hài lòng với tất cả những gì mình đang có. Trai cả của tôi sinh năm 1977, có hai con gái, lớn tướng cả rồi, thành thiếu nữ hết cả rồi. Còn trai út sinh năm 1981 cũng có 1 thằng con trai. Tôi có 3 cháu nội. Hạnh phúc giản đơn chỉ vậy thôi”.
Bình luận (0)