Chuyện vợ chồng già khuyết tật

20/01/2015 09:28 GMT+7

Người làng Tân Hòa (xã Tân Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) ai cũng cảm kích, khâm phục cuộc sống nghèo khó mà tình cảm của vợ chồng ông bà Phan Quang Trị (67 tuổi) và Lê Thị Hậu (66 tuổi).

Người làng Tân Hòa (xã Tân Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) ai cũng cảm kích, khâm phục cuộc sống nghèo khó mà tình cảm của vợ chồng ông bà Phan Quang Trị (67 tuổi) và Lê Thị Hậu (66 tuổi).

Chuyện vợ chồng già khuyết tậtVợ chồng ông Trị bà Hậu bên nhau - Ảnh: T.Q.N
Mối lương duyên Bắc - Trung
Ông Trị sinh ra đã bị tàn tật, nửa người bên trái không cử động được, yếu. Sau này bố lấy vợ khác, cực khổ quá nên ông đi lang bạt chỗ này chỗ khác. Ông ra Hà Nội, rồi vào trường mồ côi trung ương. Bà Hậu cũng bị tàn tật bẩm sinh, liệt cả 2 chân nhưng vẫn có thể đi lại được. Bà Hậu kể: “Tuổi thơ của bác cơ cực, sinh ra đã không biết mặt bố; sinh xong vì quá đói nên mẹ đem cho một gia đình hiếm muộn. Sau đó bố mẹ nuôi lại sinh được mấy người con nữa. Rồi bố nuôi mất, vì mẹ nuôi còn quá trẻ nên mới đi bước nữa, bỏ bác lại với chú thím. Chú thím nuôi bác lớn lên, bác cũng đi chăn trâu cắt cỏ, đi làm. Cảm thấy cực khổ nên bác tự đi tìm kiếm một công việc gì đó, bác đi làm nhà hợp tác Đại Đồng, đứng đó làm giấy, phong bì thủ công”. Sau đó bà Hậu được đưa vào các trại mồ côi ở Hà Đông và Phú Thọ.
Thời gian ở trong trung tâm, ông bà đã gặp nhau, 2 người thương yêu nhau vì cùng cảnh. Bà Hậu kể tiếp, hai bác báo lên ông giám đốc trung tâm thì ông có nói câu mà bác còn nhớ đến giờ: hoàn cảnh của 2 cháu thế này mà thương yêu nhau, lấy nhau thì liệu có được trọn vẹn hay không. Khi được đồng ý, ông bà về Quảng Bình ra mắt nhà chồng. Hai người đón xe từ Hà Nội vào, đến Đồng Hới, xe đến chợ Mai từ 9 giờ sáng nhưng ông bà ngồi ở ven QL1 đến 9 giờ tối mới bắt đầu đi bộ vào nhà mẹ kế của ông Trị; lý do vì ông bà mặc cảm, sợ làng xóm biết. Vào nhà rồi, bà Hậu cũng chỉ ngồi một chỗ trên giường, không dám đứng dậy đi. Bà xấu hổ, sợ người ta nghĩ sao ông này tàn tật mà ưng người cũng tàn tật vậy thì lấy gì mà ăn. Thế là bà cứ ngồi hoài vậy. Làng xóm nghe tin ông Trị đưa vợ về nên đổ đến xem, hỏi thăm. Nhiều người xì xào “sao cô ấy đẹp mà sao ngồi mãi vậy”. Tình thế khiến bà Hậu càng lo lắng hơn, bụng nghĩ chắc mai bà đón xe về Hà Nội lại quá.
Trở lại lần 2
Mọi chuyện rồi cũng qua, ông bà nương tựa nhau sống nhờ vào sổ gạo nhà nước cấp. Bà còn được hỗ trợ cái máy may để may vá áo quần kiếm thêm tiền. Áo quần bà may rất đẹp, có danh trong vùng với thương hiệu thợ may Hà Nội. Hạnh phúc đến khi bà sinh được đứa con trai khỏe mạnh. Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài được lâu bởi lúc con đầu mới được 2 tuổi rưỡi và mang bầu đứa con thứ 2 được 3 tháng (năm 1977) thì ông Trị bỏ đi miền Nam. Mấy mẹ con bà Hậu phải đi ở nhờ và xin ăn. Sống cơ cực cho đến năm 1987, bão lụt làm hỏng hết nhà, 3 mẹ con không có nhà ở, đói rét nên bà bấm bụng đưa con trở lại Hà Nội. Mỗi ngày, người con trai thứ 2 là Phan Quang Thanh chở bà đến chợ Đồng Xuân mua một bao mía, về chặt ra bán ở trường sư phạm. Sau đó Thanh mang cái bao đi móc rác thải tìm phế liệu bán. Còn người con trai đầu là Phan Quang Tuấn thì bà xin một người bạn cho đi làm dép nhựa.
Ông Trị biền biệt không một dòng tin tức thư từ cho đến năm 1992, tức là 15 năm sau, khi bà đang bán mía thì có người nhà đến thông báo ông ra, lúc đó bà không tin vì nghĩ một là ông chết đâu rồi hai là ông quên rồi chứ làm gì có chuyện đi tìm lại. Vì yêu thương nên bà bỏ qua hết. Năm 1998, sau 6 năm làm ăn kiếm tiền, vợ chồng ông bà và đứa con đầu về lại quê Quảng Bình. Bà nghĩ, thôi thì gái theo chồng và để cho con có gốc gác. Từ đó đến nay, ông bà sống chật vật đầy lo toan cơm gạo tại làng Tân Hòa. Mấy năm trở lại đây, ông bà nuôi thỏ mẹ và gà thịt bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Điều không may là cách đây 4 năm, bà Hậu bị trượt chân ngã nên giờ không thể tự đi lại mà phải dùng xe lăn. Để có thức ăn cho thỏ, bà lăn xe đi khắp nơi tìm kiếm cắt lá mang về. Cơ thể ông Trị khó đi lại nên tất cả công chuyện ở xa đều do bà đảm đương, hầu như chỗ nào trong vùng cũng in dấu xe lăn của bà. Cuộc đời đầy thăng trầm sóng gió nhưng giờ bà Hậu cũng mãn nguyện phần nào khi 2 người tóc đã bạc đầu, xem như ước muốn năm xưa của bà đã thành hiện thực, hai con trai đều có gia đình riêng.
Mỗi khi đau ốm, đi lại lên xuống xe lăn, ông đều phụ tay nâng đỡ bà. Từ ánh mắt ông nhìn bà cười âu yếm khi bà kể chuyện, mới cảm nhận được ông đang muốn thương yêu, chăm lo cho bà hơn để bù đắp những tháng ngày xa cách, thiệt thòi của bà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.