Chuyến xe đò của mạ

13/09/2020 06:38 GMT+7

Những năm thuộc thập niên tám mươi cho đến cuối những năm chín mươi, xe đò vẫn rất còn thịnh hành.

Trên tuyến Đường 9 Nam Lào (thuộc tỉnh Quảng Trị), xe đò là phương tiện giao thông đi lại chủ yếu. Hầu hết những người đi xe đò là những người buôn bán làm ăn, họ đi về những miền rừng, gánh trên vai mình những miếng cơm manh áo của gia đình. Thấp thỏm những lo âu nhưng chở đầy những hạnh phúc. Cũng như bao người đàn bà khác, mạ đưa tay quẹt mồ hôi ướt đẫm mái tóc và bật cười khi nhìn lũ con thơ chờ mong ngoài ngõ khi mạ trở về.
Dải đất miền Trung có quá nhiều vất vả tai ương, cứ một mùa hạn hán kéo dài rồi sau đó mưa lũ ập đến. Cũng bởi thế mà hai đầu đất nước cứ hướng về miền Trung, như người mẹ hướng về đứa con ở nơi miền bĩ cực. Sự nhường cơm sẻ áo qua những tháng năm ròng rã cũng chẳng thể nào dứt được. Miền Trung nghèo, miền Trung lắm gian nan. Mạ cũng nghèo và lắm nỗi cơ hàn. Một chuyến đi về vùng bản có khi năm bữa, nửa tháng, có khi lụt lội đường sá hỏng không thể trở về sớm. Bên mạ xe lủng lẳng hàng nhưng chưa về được; bên lũ con thơ nháo nhác vì thiếu ăn.
Những chiều mưa ở thị trấn Cam Lộ nó lấy đi hai phần kỷ niệm trong cuộc đời mình về mạ. Chúng tôi thay phiên nhau đạp xe ra thị trấn. Một đứa buổi sáng đội mưa đi không thấy xe về, đứa thứ hai ra đứng chỏng chơ rồi về khi chiều rất muộn. Mạ chưa về, những ngày mưa cắt ngang. Có khi chúng tôi không còn nghe đói, mà chờ mong một tiếng nói, nụ cười. Có khi anh em chúng tôi nghĩ, hay là mạ đừng đi nữa được không.
Ngày tháng đói meo và bệnh tật. Chuyến xe đò lúc lắc chở mạ đi trong sự hao gầy. Gom góp được ít tiền, mua con bò làm giống rồi qua mùa mưa dịch cúm tràn về cả nhà nằm cạnh kề nhau. Con bò tương lai trừ nợ cho ông bác sĩ để trả tiền thuốc. Lần đó tôi thấy mạ khóc. Lần đó tôi biết rằng mạ sẽ phải đi. Ôm mấy đứa con vào lòng, khi chúng không còn sốt, mạ cười, thôi kệ hắn, tháng ngày sống khổ rồi cũng đi qua.
Số phận thả chúng tôi xuống trên mảnh đất khô cằn và sỏi đá, nó cũng cho chúng tôi sự rắn rỏi của những con người nơi thiên nhiên khắc nghiệt đến khi yếu lòng. Những đứa trẻ lên tám, lên chín đã ra đồng phụ gia đình làm đồng áng, lớn hơn chút đã xuống sông bắt cá về để mưu sinh. Nhưng những thứ đó chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Năm tháng ấy chúng tôi cứ phải bám lấy từng nương sắn, ruộng khoai. Có một bữa cơm là sự huy hoàng.
Chúng tôi chờ mong ở chuyến xe đò của mạ, vì nó có đủ thứ: cá suối, rau rừng, gạo trắng, nếp trên nương... những thứ được mạ đem về rồi bày cho con một bữa thịnh soạn. Chúng tôi nhanh nhảu ngồi vào chiếu, tíu tít chuyện trò nhưng không quên chờ mạ cùng ăn cơm. Bên mâm cơm, những ngày mưa, gia đình quá ấm cúng khi có người mạ tảo tần, yêu thương con còn hơn chính bản thân mình. Tôi ví mạ như chiếc xe đò, chở chúng tôi đi với những yêu thương và hy vọng; chở chúng tôi về với những tương lai, nơi cuộc sống có thể hồi sinh, nơi có đủ những đắng cay giúp người ta trưởng thành. Thường mạ nói, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời để khuyến khích anh em chúng tôi, cứ chăm chỉ rồi đời sẽ cho quả ngọt.
Sau thập niên chín mươi, những chuyến xe đò không còn đi về miền núi, thay vào đó là loại phương tiện có tên xe ca. Chúng tôi thường gọi nôm na thế và cái tên xe ca được hiểu là một phương tiện giao thông sang chảnh. Mạ bước lên xe ca, đẹp đến rạng ngời. Khi mạ vẫy tay chào là lúc tôi đứng ngẩn ngơ nhìn chiếc xe lăn bánh. Bảy giờ sáng, chín giờ cho tới mười một giờ trưa. Có ba chuyến xe đi về miền rừng trong một ngày đồng nghĩa là mạ có thể đi về trong ngày nhanh hơn, dễ hơn, đỡ vất vả hơn. Và chúng tôi có những cái ăn sớm, không phải chờ mong đến năm bảy ngày.
Nhưng dường như, có những thứ chẳng thể nào lý giải được. Trong trí nhớ tôi vẫn hằn in hình bóng những chiếc xe đò màu xanh, có rất nhiều ô cửa nhỏ nhìn ra bên ngoài. Và khi xe cập bến tôi có thể nhìn thấy ngay mạ ngồi ở ô cửa, tôi có thể nhanh nhảu nhảy lên xe phụ giúp mạ đưa đồ xuống rồi treo chúng lên chiếc xe đạp Thống Nhất chở về nhà. Một chuyến chở hàng, chuyến sau chở mạ. Cứ quen thuộc thế nhưng người trong gia đình cứ hay hỏi “mạ mô rồi” ở chuyến thứ nhất. Tôi thấy ấm lòng, thứ linh thiêng nhất vẫn là tình yêu của chúng tôi với mạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.