Chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt

12/07/2020 05:58 GMT+7

Sự kiện Đoàn Văn Hậu rời Hà Lan sau khi hợp đồng cho mượn giữa câu lạc bộ Hà Nội và Heerenveen kết thúc đã để lại nhiều nuối tiếc cho cả người trong cuộc lẫn người hâm mộ bóng đá cả nước.

Nhưng từ sự việc này, chúng ta mới thấy rằng, thay vì đặt câu hỏi cầu thủ Việt Nam có thành công ở nước ngoài trong tương lai hay không thì hãy tìm câu trả lời cho bài toán khác: Cầu thủ Việt Nam được chuẩn bị như thế nào cho xuất ngoại?
Trước tiên, rào cản lớn nhất khiến các cầu thủ Việt gặp khó khăn ở xứ người là bất đồng ngôn ngữ và thời gian dành cho họ hòa nhập là quá ít. Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng không hề dễ dàng trong quá trình hòa nhập với các CLB tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi họ còn chưa kịp thích nghi một cách thực sự với môi trường bóng đá tại những CLB đó thì phải nhận lệnh về nước hay chuyển sang một CLB khác.
Năm 2017, Xuân Trường từng khẳng định rằng anh đã chuẩn bị tâm thế một cách tốt hơn cho mùa giải thứ 2 tại Incheon United (Hàn Quốc) sau một mùa “làm quen” với tập thể có ngôn ngữ khác mình. Nhưng đùng một cái, Trường phải làm lại từ đầu với Gangwon United. Kế tiếp, Công Phượng chưa kịp tạo dấu ấn ở Incheon United lại phải sang Bỉ, vì thế thành công cũng chưa tìm đến với anh.
Trong số những cầu thủ Việt Nam đã ra nước ngoài, có lẽ Văn Hậu để lại nhiều luyến tiếc nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Hậu chia sẻ rằng, 10 tháng tại Hà Lan là 10 tháng đẹp nhất của anh kể từ ngày đi đá bóng. Nhưng khi Hậu đã có thể tự tin để đứng trước những đồng đội nước ngoài thì cũng là lúc hợp đồng cho mượn giữa CLB Hà Nội và Heerenveen kết thúc.
Có thể thấy rằng sức ép từ dư luận đã khiến đơn vị chủ quản các cầu thủ này khó giữ được sự kiên nhẫn khi thấy cầu thủ con cưng của mình phải thường xuyên ngồi ghế dự bị ở nước ngoài. Nhưng nên nhớ rằng chẳng cầu thủ nào đến từ nền bóng đá có trình độ thấp hơn, thậm chí thấp hơn rất nhiều, có thể được tung vào đá chính ở những giải đấu cao hơn ngay lập tức. Đơn cử như tiền đạo xuất sắc của tuyển Nhật Bản Takumi Minamino. Chuyển đến Liverpool (Anh) từ RB Salzburg của Áo với mức phí lên tới 7,25 triệu bảng hồi cuối năm 2019, thế nhưng Minamino đến nay vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn tại nước Anh. Gần đây, tiền đạo 25 tuổi này cũng thừa nhận anh đang “vật lộn” trong việc hòa nhập với văn hóa và ngôn ngữ tại xứ sở sương mù. Nên nhớ, Minamino là cầu thủ xuất thân từ nền bóng đá đứng đầu châu Á!
Với Văn Hậu, tiếc một điều là thời gian dành cho anh quá ngắn, chưa kể giải vô địch Hà Lan bị hủy giữa chừng vì dịch Covid-19. Nhưng những nỗ lực của Hậu tại đây rất đáng ghi nhận, thậm chí ban huấn luyện của Heerenveen đã khẳng định anh có đến 67% cơ hội ra sân chính thức ở mùa bóng tới nếu tiếp tục gắn bó với đội này.
Vì thế, muốn có được sự thành công, chúng ta phải chuẩn bị kỹ các kỹ năng ngoài chuyên môn cho các cầu thủ Việt Nam trước khi xuất ngoại, đồng thời cần có sự kiên nhẫn của dư luận cũng như của chính CLB sở hữu cầu thủ đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.