Chuyến xuất ngoại đầy thách thức của Công Phượng

26/12/2022 08:48 GMT+7

Nếu lần xuất ngoại đầu năm 2016 của Công Phượng đến Mito Hollyhock đem đến biết bao kỳ vọng thì lần trở lại Nhật Bản khoác áo Yokohama FC của anh tạo ra không ít băn khoăn.

Cuối năm 2015 đầu năm 2016, bầu Đức với 3 thương vụ xuất khẩu cầu thủ liên tiếp gồm Công Phượng đến Mito Hollyhock, Tuấn Anh đến Yokohama FC (đều ở J-League 2), Xuân Trường cập bến Incheon United (K-League 1) đã gây tiếng vang lớn. Việc ông Ba Đức (tức bầu Đức) đồng loạt “gả” 3 viên ngọc của mình ra nước ngoài đem đến rất nhiều kỳ vọng. Tiếc là cả 3 cầu thủ mới qua 20 tuổi này không thể chiếm được suất đá chính, sau một thời gian lận đận đều lục tục về lại HAGL.

Công Phượng (phải) trong màu áo tuyển VN gặp tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á

Độc Lập

Tuy nhiên, Công Phượng vẫn luôn ấp ủ ý định trở lại Nhật Bản, đặt tên con trai là Mito như một sự trân trọng đến CLB Mito Hollyhock. Anh cũng có kế hoạch mở một công ty quản lý thể thao tại thị trường J-League. Ước nguyện đó nay đã thành hiện thực khi anh chính thức gia nhập Yokohama FC. Yokohama FC không lạ gì cầu thủ Việt Nam, từng là nơi Tuấn Anh chơi bóng, nhưng đó là khi đội bóng này còn chơi ở J-League 2. Còn lần này, Công Phượng cập bến khi đội thành phố cảng sầm uất nhất Nhật Bản vừa giành suất lên chơi ở J-League 1. Tính cạnh tranh sẽ ở một tầm rất khác!

Đây sẽ là một sự kết duyên đáng chú ý, khi Yokohama FC dường như vẫn muốn tìm kiếm một cơ hội để trọng dụng cầu thủ Việt Nam, như cách Consadole Sapporo đã thành công với Chanathip Songkrasin. Năm 2017, cũng vừa mới từ J-League 2 lên chơi J-League 1, Consadole Sapporo mượn “Messi Thái” từ Muangthong United trong 2 năm, sau đó mua đứt tiền vệ này. Đó là thương vụ đầu tư thành công, khi từ một chàng trai Đông Nam Á ít người biết, Chanathip đã chinh phục bóng đá Nhật Bản, khiến nhà đương kim vô địch Kawasaki Frontale phải bỏ đến 4 triệu USD để chiêu mộ. Đó cũng là giấc mơ của mọi cầu thủ Đông Nam Á giàu khát vọng.

Công Phượng từng rất được Chủ tịch CLB Mito Hollyhock, ông Kunio Numata ngưỡng mộ, đến mức đích thân đến Hàm Rồng để thuyết phục ông Ba Đức gia hạn hợp đồng thêm 1 năm mà bất thành. Ông Kunio Numata khẳng định Công Phượng rất giàu tiềm năng, nhưng không may gia nhập đội bóng và môi trường mới với cái vai bị gãy sau giải U.23 châu Á 2016 tại Qatar. Ông cố gắng thuyết phục HAGL rằng Công Phượng có thêm thời gian thích ứng sẽ thành công rực rỡ ở Mito Hollyhock, nhưng vẫn không nhận được cái gật đầu. Vài năm sau, Công Phượng sang Bỉ thử sức ở CLB Sint-Truidense nhưng cũng không khẳng định được mình và trở lại HAGL. Giờ đây, ở tuổi 27, anh lại một lần nữa giong buồm ra biển lớn!

Hai lần xuất ngoại đều không thành công đem lại những bài học đắt giá cho cái gọi là đá bóng nơi xứ lạ quê người, mà những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu, Quang Hải là người hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng có vẻ những thất bại đó không làm phai mờ quyết tâm ra nước ngoài chơi bóng của “cục cưng” của bầu Đức, nhất là sau chiến dịch AFC Champions League trước các ông lớn K-League và J-League. Đến mức Công Phượng chấp nhận từ bỏ cơ hội cùng tuyển Việt Nam chinh phục AFF Cup 2022, để chuẩn bị tốt nhất cho việc hòa nhập đội bóng mới. Công Phượng hiểu rõ Yokohama FC là một cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn do cuộc chiến ở J-League 1 khốc liệt hơn nhiều thế giới J-League 2 mà anh từng thất bại 6 năm trước. Ở tuổi 27, hy vọng anh sẽ đạt độ chín để vững vàng đương đầu với các thách thức, để trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên khẳng định được mình ở giải đấu cao nhất Nhật Bản, cũng là hàng đầu châu Á!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.