Đó là một câu chuyện về sự chia rẽ trong tương lai gần của nước Mỹ.
Với mục đích như một lời cảnh tỉnh, Civil War bắt đầu chậm rãi sau đó chuyển sang dồn dập dẫn đến một cuộc đột kích kinh hoàng vào tận Washington, D.C.
Phim dẫn người xem theo chân một nhóm nhà báo trên đường đến Điện Capitol trong khi nước Mỹ đang trở nên hỗn loạn. Rõ ràng đây là cú sốc mang tính khiêu khích. Civil War được tạo ra để phản ánh sự rạn nứt và cũng nhằm mục đích gắn kết mọi người lại với nhau.
Nữ nhiếp ảnh gia chiến tranh kỳ cựu Lee Smith (Kirsten Dunst đóng) cùng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp dùng máy ảnh và ngòi bút mô tả lại sự kiện bi thảm này. Họ đại diện cho sự trung dung đáng lo ngại, rất cần thiết cho công việc nhưng trong thực tế lại phản nhân tính khi cố gắng không đứng về phía nào.
Trailer phim Civil War
Các hãng tin phát triển mạnh nhờ xung đột, gây ra nỗi sợ hãi về khả năng xảy ra cuộc nội chiến thứ hai ở Mỹ. Đạo diễn kiêm biên kịch Alex Garland bỏ qua lý do vì sao cuộc xung đột bắt đầu, chỉ đưa ra sự việc bang Texas và California đều muốn ly khai và sau đó tập hợp các nguồn lực, tự gọi là "Lực lượng bờ Tây" để chống lại một tổng thống ba nhiệm kỳ, khát quyền lực (Nick Offerman đóng).
Nước Mỹ trong Civil War đang trong tình trạng suy thoái hoàn toàn. Người Mỹ chống lại nhau, và những người duy nhất được phép di chuyển tự do qua các vùng đầy hỏa lực là những người có dòng chữ "PRESS" in trên áo khoác hay xe của họ.
Garland sớm tạo ra sự hỗn loạn khi Lee Smith cầm máy ảnh lên và bắt đầu ghi lại cuộc tàn sát. Vài giây trước, nữ nhà báo đã kéo cô gái trẻ Jessie (Cailee Spaeny) đến nơi an toàn, cứu mạng cho người muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chiến tranh thực thụ. Jessie đầy tham vọng muốn theo Lee Smith cùng phóng viên Joel (Wagner Moura) và nhà báo chính trị kỳ cựu Sammy (Stephen McKinley Henderson) đến Washington, D.C. để phỏng vấn tổng thống.
Trong một cảnh quay yên bình, 4 người vào một thị trấn dường như chưa bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Họ bước vào cửa hàng thời trang, nơi Lee thử một chiếc váy và ngắm mình trong gương. Civil War chính là tấm gương đó, cho nước Mỹ thấy những rủi ro của xung đột và cái giá phải trả.
Tác phẩm đưa câu chuyện cảnh báo, sử dụng lại nhiều hình ảnh mà khán giả đã từng thấy tại các vùng chiến sự ở nước ngoài: người bất đồng chính kiến bị treo cổ, xác chết phủ vôi chất đống trong những ngôi mộ tập thể… Tất cả xuất hiện trong bối cảnh quen thuộc của nước Mỹ.
Nếu trước đây Lee biết đồng cảm thì giờ đây cô dần trở nên vô cảm. Khán giả chưa bao giờ thấy Kirsten Dunst như thế. Chuyến đi căng thẳng, ngày càng tàn khốc đẩy cả nhóm nhà báo trượt sâu hơn trong sâu kín tâm hồn, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác, giữa tình người và sự dửng dưng.
Civil War rất giống nước Mỹ ngày nay khi mà tài tử Jessie Plemons xuất hiện trong bộ quân phục rằn ri, đeo kính râm hình trái tim, chĩa súng vào các nhà báo không có vũ khí. "Bạn là người Mỹ như thế nào? Đến từ vùng nào của nước Mỹ?", anh ta hỏi và yêu cầu mỗi người trong số họ nói rõ nguyên quán, lạnh lùng xả súng vào những nhà báo Mỹ gốc Á. Trong bối cảnh chính trị ngày nay, đây là những câu hỏi với ẩn ý đáng sợ không kém.
Tuy nhiên không phải vì thế mà Civil War hoàn chỉnh, đặc biệt là cái kết khi mà tổng thống bị tận diệt. Civil War từng bị chỉ trích vì lợi dụng căng thẳng trong năm bầu cử, trong khi trên thực tế, phim minh họa sự vô ích của "các phe". Qua tác phẩm, Alex Garland là người trả lời câu hỏi: người Mỹ có thể hòa hợp được không?
Civil War (tựa Việt Ngày tàn của đế quốc) tiêu tốn 50 triệu USD của hãng A24, ra rạp tại Việt Nam từ ngày 12.4.
Bình luận (0)