CLB Hà Nội sẽ không có sự phục vụ của Văn Quyết trong 8 trận tới do án treo giò, bên cạnh tiền vệ Hùng Dũng nghỉ thi đấu 1 tháng do vừa trải qua phẫu thuật. Đây là đòn giáng nặng nề vào tham vọng của thầy trò HLV Bozidar Bandovic, trong bối cảnh dù đứng thứ 3, nhưng lối chơi của đội bóng thủ đô dưới thời thầy mới vẫn chưa thành hình.
Dù vậy, CLB Hà Nội từng nhiều lần vượt qua bão chấn thương nhờ lực lượng dày dạn. Ở V-League 2020, những hậu vệ trẻ như Việt Anh, Văn Xuân đã chiếm suất đá chính và khẳng định năng lực, sau khi đội vắng hàng loạt trụ cột như Văn Hậu, Duy Mạnh, Đình Trọng. Trên hàng công, khoảng trống Quang Hải để lại được khỏa lấp bằng nguồn năng lượng của Tuấn Hải, chân sút giờ đã đóng vai chủ lực của CLB Hà Nội.
Trong tay HLV Bandovic lúc này cũng đang có lứa trẻ vừa dự SEA Games 32, đó là Văn Tùng, Văn Trường, Văn Chuẩn hay Tiến Long. Trong đó, Văn Tùng và Văn Trường được chờ đợi sẽ thay thế đàn anh gánh vác CLB Hà Nội trong những trận tới.
Với 5 bàn thắng ở SEA Games 32, Văn Tùng đã đáp lại niềm tin của HLV Philippe Troussier dù bỏ lỡ phần lớn giai đoạn chuẩn bị do chấn thương. Điểm mạnh của Văn Tùng là khả năng chọn vị trí, không chiến, xử lý gọn gàng trong vòng cấm và tận dụng tốt cơ hội. HLV Phạm Minh Đức đánh giá: "Văn Tùng là cầu thủ quan trọng trong lứa cầu thủ U.21 Hà Nội đã vô địch giải U.21 Quốc gia Báo Thanh Niên năm 2022. Văn Tùng có khả năng dứt điểm, chơi bóng thông minh và đã cải thiện rất nhiều ở khả năng chuyền bóng".
Trong màu áo CLB Hà Nội, Văn Tùng mới đá vỏn vẹn 108 phút ở V-League 2022 và chưa đá phút nào mùa này. Tiền đạo trẻ của U.22 Việt Nam chưa được tạo cơ hội ở CLB bởi chấn thương trong giai đoạn tiền mùa giải, bên cạnh CLB Hà Nội thường giao "ấn tiên phong" trên hàng công cho các ngoại binh. Để được đá chính, các nội binh phải chấp nhận dạt cánh hoặc đá lùi. Đây không phải sở trường của Văn Tùng, cầu thủ quen với vai trò mũi nhọn, với đầy đủ phẩm chất của một trung phong điển hình.
Bên cạnh Văn Tùng, Văn Trường cũng là "em út" tiềm năng mà đội Hà Nội đang sở hữu. Cầu thủ mang áo số 14 được triệu tập đá giải U.23 châu Á 2022 khi mới 19 tuổi, sau đó được đôn lên U.22 Việt Nam dự SEA Games 32. Dù chỉ đóng vai dự bị nhưng Văn Trường cũng cho thấy tiềm năng với thể hình tốt, khả năng rê dắt khéo léo và tạo đột biến tốt. Việc đá nhiều vị trí trên hàng công (tiền vệ trung tâm, tiền vệ tấn công, tiền đạo) cũng tạo điều kiện để Văn Trường phát triển đa dạng kỹ năng tấn công.
Nhưng cũng như Văn Tùng hay phần đông đội U.22 Việt Nam, Văn Trường chưa được thi đấu thường xuyên ở CLB với vỏn vẹn 1 trận vào sân từ ghế dự bị. Tiến Long (5 trận, 119 phút) và Văn Chuẩn (1 trận, 90 phút) là những tài năng khác của U.22 Việt Nam được dùng với tần suất hạn chế từ đầu giải.
Chia sẻ với Thanh Niên, HLV Phạm Minh Đức (hiện đang dẫn dắt đội trẻ Hà Nội) và Vũ Tiến Thành (CLB TP.HCM) có chung quan điểm: các HLV thường dè dặt với cầu thủ trẻ bởi áp lực thành tích. Đội bóng chơi không tốt vài trận, ghế HLV sẽ lung lay. Thể thức chia nhóm đua vô địch và trụ hạng ở giai đoạn hai của V-League 2023 càng khiến các đội phải "ăn chắc mặc bền" điểm số hơn, do đó cẩn trọng hơn với cầu thủ trẻ. CLB Hà Nội không phải ngoại lệ.
Dù vậy, HLV Bandovic rất có thể sẽ tận dụng nguồn lực trẻ để làm mới đội hình. Với trường hợp của Văn Tùng, đó là luồng gió mới cho hàng công. Chân sút sinh năm 2001 cần trân trọng từng cơ hội ở CLB Hà Nội để tiếp tục tiến bộ, qua đó hướng tới mục tiêu xa hơn là tìm kiếm vị trí ở đội tuyển Việt Nam. Tương tự, Văn Trường, Tiến Long hay Văn Chuẩn cũng cần trân trọng cơ hội như Việt Anh, Tuấn Hải để từng bước trở thành trụ cột đội bóng.
Nếu dàn sao U.22 Việt Nam chơi tốt, cả HLV Bandovic và ông Troussier đều hưởng lợi. Để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ tất yếu trước mắt, các cầu thủ trẻ cần bứt phá để khẳng định chỗ đứng của mình.
Bình luận (0)