Clip bị đòn vì cãi CSGT: ‘Tôi bị đánh miệng sưng vù, máu chảy nhiều’
(TNO) Trao đổi với PV Thanh Niên Online trưa nay 7.9, chị Đỗ Vũ Hoàng Anh, 22 tuổi (ở quận 9), người đăng clip cự cãi với CSGT, khẳng định trong khi tranh cãi chị đã bị một người đàn ông mặc thường phục đứng cùng nhóm CSGT ở ngã ba Thái Lan đấm thẳng vào mặt chị, rồi người này lên xe bỏ đi.
Tự động phát
(TNO) Trao đổi với PV Thanh Niên Online trưa nay 7.9, chị Đỗ Vũ Hoàng Anh, 22 tuổi (ở quận 9), người đăng clip cự cãi với CSGT, khẳng định trong khi tranh cãi chị đã bị một người đàn ông mặc thường phục đứng cùng nhóm CSGT ở ngã ba Thái Lan đấm thẳng vào mặt chị, rồi người này lên xe bỏ đi.
>> Xuất hiện đoạn clip ‘bị đòn’ vì cự cãi với CSGT
>> Clip 'bị đòn' vì cự cãi với CSGT: 'Người ta nói, người ta đăng trên mạng là chuyện của người ta'
Video: Chị Đỗ Vũ Hoàng Anh đang kể lại câu chuyện khiến chị bị thương ở mặt |
Như Thanh Niên Online đã thông tin, vụ việc clip do chị Hoàng Anh đưa lên mạng xã hội cho rằng có một người lạ mặt, đứng cùng tốp CSGT Ngã ba Thái Lan, Đồng Nai, đã hành hung chị sau khi tranh cãi số tiền đóng phạt, cũng như thực hiện việc quay clip với CSGT.
Hiện công an Đồng Nai đang tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc; tuy nhiên, trả lời Thanh Niên Online, ông Ngô Thành Công, Trạm trưởng Trạm kiểm soát giao thông Ngã ba Thái Lan, hoàn toàn phủ nhận không có sự việc này và cho biết "muốn nắm thông tin gì thì lên gặp lãnh đạo Phòng CSGT",.
Để có góc nhìn đa chiều từ các bên, Thanh Niên Online đã gặp trực tiếp chị Hoàng Anh để nghe kể lại toàn bộ sự việc. Dưới đây là toàn bộ cuộc trao đổi giữa Thanh Niên Online với chị Hoàng Anh.
Giống trên Facebook, chị Hoàng Anh kể tường tận sự việc với phóng viên:
Lúc hơn 15 giờ ngày 4.9, tôi cùng bạn trai đang đi xe máy trên Quốc lộ 51 từ Bà Rịa – Vũng Tàu hướng về Sài Gòn, tới khu vực gần ngã ba Thái Lan thì gặp một tốp CSGT gồm 3 người và một người mặc áo hồng đang ghi chép. Khi xe bị thổi vào, một anh cảnh sát lại chào và nói xe chúng tôi vi phạm vượt quá tốc độ.
Sau đó họ yêu cầu chúng tôi đưa giấy tờ xe, bằng lái để kiểm tra. Bạn tôi xuất trình đầy đủ. Anh CSGT trực tiếp lập biên bản nói nếu không có tiền đóng thì giam bằng lái sau này quay lại đóng. Mức phạt là 750 ngàn đồng. Tôi thấy nhà ở tít Sài Gòn mà đóng phạt ở Đồng Nai xa quá nên xin xỏ nhưng họ không đồng ý. Xin không được, chúng tôi cũng đồng ý để họ viết giấy phạt để rồi đi đóng luôn.
Nhưng khi đứng gần đó, tôi nghe được lời anh CSGT nói với bạn tôi là có 500 ngàn đồng không đưa đây rồi đi. Tôi thắc mắc là 500 ngàn đồng đó là tiền gì. Lúc đó tôi lột khẩu trang ra và hỏi anh công an giải thích đó là tiền gì. Anh CSGT nói tôi không nói chuyện với cô, cô không lái xe nên mời cô đi ra ngoài. Giọng anh ta rất lớn tiếng.
Tôi mới hỏi tại sao anh không tiếp em? Em đang ngồi trên xe vi phạm và là người có nghĩa vụ đóng phạt thì tại sao anh không tiếp em? Anh ta mới nói tôi không phải là người lái xe nên đi ra ngoài.
Chị Đỗ Vũ Hoàng Anh đang kể lại việc mình bị đánh - Ảnh: Trung Hiếu
|
Tôi yêu cầu anh CSGT giải thích 500 ngàn đồng đó là tiền gì. Khi tôi và anh cảnh sát đang tranh cãi thì anh mặc áo hồng đang ghi chép giờ giấc, biển số, tốc độ xe vi phạm đọc lại cho người lập biên bản, ở gần đó đi ra và ủi thẳng người vào tôi, khiến tôi loạng choạng suýt té.
Tôi đẩy vai người này ra và nói sao chú là đàn ông mà đối xử như vậy với phụ nữ. Nghe xong, ổng quay lại đấm thẳng vào mặt tôi. Bạn trai tôi lúc đó bị hai anh CSGT giữ lại. Tôi bị đánh dập cả hai môi, máu chảy rất nhiều.
|
Thấy tôi bị đánh, một chị cũng bị phạt đứng gần đó chạy lại can thiệp. Một lát sau có chiếc xe hơi chạy tới tấp vào lề.
Một người đàn ông trên xe bước xuống nói là thanh tra giao thông đang kiểm tra đoạn đường này. Người đàn ông này nói tôi về đồn để ông giải quyết. Tôi còn nhớ khi tôi lên xe về đồn, người đàn ông này có quay phim lại.
Tôi nhớ người CSGT lập biên bản rồi sau đó xô đẩy tôi có tên Võ Chí Công, thẻ ngành số 403918. Ở đồn, khi lập biên bản tôi nhớ ngoài tôi và anh Công còn có 2 anh thanh tra giao thông, anh Trạm trưởng trạm kiểm soát CSGT ngã ba Thái Lan.
Anh thanh tra giao thông yêu cầu phải triệu tập người đàn ông áo hồng đánh tôi. Lúc này anh Công mới nói không biết người này. Người đàn ông đó chỉ đi ngang ghé vô chơi rồi xảy ra chuyện. Anh thanh tra không chịu, nói anh Công đừng giỡn mặt. Bằng mọi giá phải kêu người áo hồng đánh cô bé này lên đây.
Lúc đó tôi thấy mình được bảo vệ nên có quay clip. Nếu người đàn ông áo hồng đó không quen biết thì tại sao đứng đó ghi chép dùm CSGT?
Bị anh thanh tra hỏi dồn quá, một lát anh Công mới kêu người đàn ông áo hồng lên. Sau đó, tôi và người đó viết bản tường trình. Ban đầu anh Công không nói gì nhưng sau đó anh ấy có xin lỗi tôi.
Rồi ông trạm trưởng mới nói với tôi rằng chú để lính ra ngoài làm sai thì cũng như ở nhà chú làm sai. Rồi ông trạm trưởng hỏi tôi giải quyết ra sao?
Tôi chỉ nói là muốn giải quyết theo những gì diễn ra là tôi bị hành hung. Tôi yêu cầu phải bồi thường và phải làm rõ mối quan hệ của anh Công với người đàn ông áo hồng đã đánh tôi.
- Vậy lúc làm việc, cảnh sát giao thông có thừa nhận người đàn ông áo hồng là cảnh sát không?
Họ nói người đó không phải là CSGT. Tôi thắc mắc tại sao không phải là CSGT nhưng người này lại ghi mọi thông tin như biển số xe, tốc độ vi phạm để đọc cho CSGT viết vào biên bản xử phạt.
Người đàn ông được chị Anh cho đã đánh vào mặt mình. Sau khi đánh chị Anh, người này lên xe bỏ đi. Trước áp lực của vị thanh tra giao thông, CSGT trạm ngã ba Thái Lan phải gọi người này trở về trạm làm việc. Người này đã xuất trình chứng minh nhân dân khi làm việc ở trạm - Ảnh: Người nhà chị Anh cung cấp
|
|
Khi lập biên bản xong, anh Công nói với tôi là người đánh tôi có hoàn cảnh khó khăn, con còn nhỏ. Lúc này trời cũng chiều rồi, tôi sợ trời tối nên chấp nhận bồi thường 2 triệu đồng.
Khi tôi đồng ý, họ yêu cầu tôi phải xóa clip trong điện thoại. Tuy nhiên, trước đó khi trên đường tới trạm, tôi đã lưu clip và gửi cho anh trai mình. Anh trạm trưởng cũng nói tôi về đi, mọi chuyện họ sẽ xem xét và xử lý.
Ban đầu tôi tính bỏ qua, không làm lớn chuyện. Nhưng khi clip được lan truyền trên mạng, tôi thấy bức xúc vì cảnh quay người đàn ông ghi chép rõ ràng thế mà CSGT nói không quen biết người này. Họ phủ nhận người đàn ông này chỉ là người dân đứng gần, thấy tôi xô xát nên chạy lại can thiệp. Tôi thấy họ nói không đúng bản chất sự việc.
- Chị bị đánh thương ở đâu?
Tôi bị đánh dập cả môi trên và môi dưới. Do bị đấm thẳng vào miệng nên hai cái răng giờ vẫn bị lung lay. Giờ cũng đỡ nhiều rồi chứ lúc mới bị đánh môi sưng phù, máu chảy rất nhiều. Khi về đồn làm việc, máu nơi miệng tôi rỉ thấm ướt hai tờ khăn giấy.
- Cảm ơn chị!
“Giờ tao đánh mày có được không?”
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, chị N.C.B.N cho biết thời điểm đó mình cũng bị CSGT lập biên bản và là người chứng kiến toàn bộ vụ xô xát. Chị N. nói: “Khi đó, CSGT bắt rất nhiều người trong đó có tôi và chị Anh. Lúc đó, chị Anh đã chịu lập biên bản và tính đi về rồi. Nhưng khi nghe người cảnh sát lập biên bản nhắc tới 500 ngàn đồng thì chị Anh quay lại hỏi 500 ngàn đồng là tiền gì. Người kia không trả lời mà chỉ nói chị là người ngồi sau, không cầm lái nên không liên quan. Không hài lòng, chị Anh cầm điện thoại ra quay. Lúc đó người đàn ông mặc áo hồng phụ ghi biên bản mới xấn tới thúc mạnh vào người chị Anh. Lúc này chị Anh mới hỏi người này là đàn ông sao hành xử với phụ nữ như vậy. Người này vừa quay xe vừa hùng hổ nói giờ tao đánh mày có được không. Nói rồi người này dùng tay đấm thẳng vào mặt chị Anh. Hai người cảnh sát đứng gần đó giữ bạn trai chị Anh lại để người đàn ông kia chạy xe tuốt vào trong rẫy. Thấy xô xát vậy nên một số người dân kêu thanh tra giao thông đang tuần tra gần đó đến làm việc. Người đánh chị Anh to con, cao hơn 1,7m, mặt khá bặm trợn. Giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mặt người đó và sẵn sàng làm chứng”. |
Bình luận (0)