Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen:

Có ai tiết kiệm điện bằng mẹ tôi

03/09/2023 14:15 GMT+7

Nói về tiết kiệm điện thì trong gia đình tôi mẹ là số một, từ những hành động nhỏ của mẹ chuyển dần sang chúng tôi bằng sự nhắc nhở, la mắng và thậm chí phạt khi có đứa nào có biểu hiện lãng phí điện.

Việc hạn chế điện của mẹ chỉ đơn thuần là tiết kiệm tiền, mẹ quy định mỗi tháng chỉ được dùng một trăm năm mươi nghìn tiền điện. Mẹ có hẳn một quyển sổ theo dõi tiền điện, tháng nào trả ít thì mẹ lấy khoản dư ấy cất vào ống heo, đó là số tiền để tết mẹ sắm đồ cho các con nên chúng tôi rất hào hứng trong việc tiết kiệm điện. 

Có ai tiết kiệm điện bằng mẹ tôi - Ảnh 1.

Tôi thấy mẹ thường giặt tay nên cũng tranh thủ một tuần 3 lần giặt đồ bằng tay, cho bớt tốn điện

TGCC

Thứ bảy và chủ nhật chúng tôi có thời gian rảnh sẽ nấu cơm bằng bếp củi, mỗi tuần có 2 ngày như thế thì một tháng cũng dư được khối tiền. Vì tinh thần tiết kiệm điện của chị em tôi rất cao nên chúng tôi luôn hóng thành quả của mình khi chú thợ điện đến nhà vào cuối tháng. 

Chú ấy bảo đến nhà ai thu tiền thấy họ cũng ỉu xìu mà đến nhà tôi lại được chào đón rất nồng nhiệt. Với chúng tôi chú không đơn thuần là người thu tiền điện mà còn là người báo cáo tài chính mỗi tháng, chú vừa thông báo tiền điện giảm lập tức chúng tôi nhảy cẫng lên vỗ tay rầm rầm như đón chào một niềm sung sướng tột cùng.

Từ ngày tôi có gia đình và sinh thêm bé Gạo, mẹ lên chăm sóc cháu và ở với vợ chồng tôi luôn. Việc đầu tiên mẹ làm khi bước vào nhà tôi là mẹ tìm hướng gió, mẹ nói ngồi chỗ có gió trời người sẽ khỏe hơn là ngồi dưới quạt, sau đó mẹ dọn dẹp đường luồng có gió sạch sẽ đưa nôi cháu ra đó, trưa lại mẹ trải chiếu nằm bên dưới, cháu nằm trên nôi mẹ đu đưa cháu ngủ, phe phẩy chiếc quạt và hát ru những bài như ngày xưa mẹ vẫn hát ru chị em chúng tôi. 

Có nhiều buổi trưa trời hanh hanh nắng nghe được tiếng mẹ ru cháu cả tuổi thơ êm đềm của tôi lại hiện về trong veo đến lạ. Lúc cháu ngủ mẹ tôi lấy quần áo ra giặt bằng tay, có cản cũng không được mẹ nói giặt tay sạch hơn giặt máy, nhưng tôi biết một phần là mẹ muốn tiết kiệm tiền cho chúng tôi. 

Có ai tiết kiệm điện bằng mẹ tôi - Ảnh 2.

Sử dụng thiết bị điện tiết kiệm tại TP.HCM

EVNHCMC

Qua thời gian tôi thấy mẹ làm cũng có lý nên tôi cũng tranh thủ tuần 3 lần giặt đồ bằng tay, nước giặt cuối cùng sẽ tận dụng lau nhà lần một, rồi các loại nước rửa rau, nước vo gạo đều được đổ dồn vào một cái xô để tận dụng tưới cây, dùng ít nước cũng là một cách tiết kiệm điện vì ít bơm nước hơn.

Nhờ thừa hưởng tính tiết kiệm điện từ mẹ nên dù ở tập thể nhưng khi nới rộng nhà tôi cũng nhắc nhở chồng mình lắp thêm một khoảng tôn sáng nhỏ để hạn chế việc thắp điện sáng vào ban ngày. Đi dạy tôi luôn nhắc nhở lớp trưởng tan học nên về cuối cùng, tắt hết các bóng điện cũng như quạt, nói cho các em hiểu tiết kiệm điện sẽ tốt như thế nào trong việc bảo vệ môi trường, đi dạy về tôi hay vòng lên phía văn phòng xem các quạt và bóng điện đã được tắt chưa, nếu chưa tắt tôi sẽ là người làm việc ấy.

Giờ con gái của tôi đã lên bốn tuổi, cháu chưa ý thức được việc biến đổi khí hậu là gì nên tôi dạy cháu tắt ti vi, quạt… khi không sử dụng để dành tiền mua ô tô nên cháu cũng rất hăng hái làm theo. 

Có thể một phần quen hơi bà từ bé và cũng có thể “lây” tính tiết kiệm điện của cả gia đình nên cháu thích bà quạt ru ngủ những trưa và tối. Để tiếng ru của bà thêm ngọt, giấc ngủ của con thêm nồng, tôi tự tay làm tặng mẹ chiếc quạt nan thật đẹp. Đi đâu mẹ cũng cầm theo phe phẩy và được dịp khoe con gái khéo tay.

Có ai tiết kiệm điện bằng mẹ tôi - Ảnh 3.

Có thể một phần quen hơi bà từ bé và cũng có thể “lây” tính tiết kiệm điện của cả gia đình nên cháu thích bà quạt ru ngủ những trưa và tối

TGCC

Nhớ ý thức tiết kiệm mà trong khu tập thể này nhà tôi dù có nhiều thiết bị điện hơn cả nhưng số tiền điện thì cũng không nhiều mấy. Việc chúng tôi vui hơn hết là đã góp một phần nhỏ của mình vào việc bảo vệ môi trường, giúp cho bà mẹ thiên nhiên dễ thở hơn. Mẹ thiên nhiên hạnh phúc thì cả nhân loại bình yên.

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.