Có Android và Chrome OS rồi, vì sao Google vẫn xây hệ điều hành mới?

23/08/2016 16:04 GMT+7

Vượt qua những thang đo như doanh thu và thị phần, hệ điều hành hoàn toàn mới được Google xây dựng cho thấy tầm nhìn xa tới hàng chục năm trong tương lai…

Cách đây không lâu, Google đã hé lộ về một hệ điều hành mới có tên Fuchsia, tương lai sẽ thế chỗ cả Android và Chrome OS. Rằng đây là một hệ điều hành mã nguồn mở có thể chạy trên nhiều thiết bị khác nhau, từ các vật dụng nhỏ… cho tới máy tính để bàn.
Sẽ thật lạ kỳ khi Google đang sở hữu trong tay cả hai nền tảng đắc lực như Android và Chrome OS, mà vẫn phát triển thêm một hệ điều hành khác? Câu trả lời nằm ở tầm nhìn trong tương lai, nơi mà Google sẽ thống trị làng công nghệ bằng nền tảng duy nhất.
Khi thang đo doanh thu, thị phần không còn ý nghĩa
Công bằng mà nói, Google vẫn đang làm chủ nền tảng di động với Android, doanh thu lẫn thị phần của hệ điều hành này vẫn đang duy trì ở top đầu. Còn như Chrome OS, tuy không phải số một, nhưng ít nhất nền tảng này vẫn đem về doanh thu đều đặn cho Google.
Google đang tính tới tương lai hàng chục năm sau Ảnh: Reuters
Thật chẳng dễ gì cho một gã vốn nhà đã giàu, giờ lại nai lưng đi cầy sâu cuốc bẫm từ đầu? Đang làm kẻ thống trị không muốn, Google lại muốn đi làm dân đen? Không, lý do thực sự khiến Fuchsia ra đời không hề liên quan tới doanh thu hay thị phần, mà chính là xu hướng.
Trước đây, điện thoại sẽ có nền tảng riêng của điện thoại, hoặc cùng lắm dùng chung với máy tính bảng. Máy tính sẽ có nền tảng riêng. Đồng hồ thông minh cũng có một OS độc lập. Nói tóm lại, xu hướng trước đây sẽ là phát triển độc lập, đường ai nấy đi.
Thế nhưng, xu hướng hiện tại đã thay đổi: tất cả trong một. Dễ nhận ra nhất chính là xu hướng Internet of Things đang rất thịnh hành. Nghĩa là thay vì để các thiết bị hoạt động riêng biệt, người ta đang muốn chúng thực sự kết nối, thực sự gắn kết với nhau.
Một hệ điều hành cho tất cả
Dù không trực tiếp hé lộ kế hoạch của mình với báo giới, nhưng tất cả động thái gần đây của Google liên quan tới nền tảng Fuchsia đều chỉ ra hướng đi này. Thứ nhất, nhân Linux trên Android đã quá lỗi thời, thậm chí là ngày càng chiếm dụng dữ liệu.
Fuchsia được định hình là tương lai của Google - Ảnh chụp lại từ Pocketlint
Hệ quả là các thiết bị chạy hệ điều hành nhân Linux luôn yêu cầu phần cứng đắt tiền, gây tốn kém, không thể tối ưu được giá thành sản phẩm. Thứ hai, nhân Linux cũng không chạy theo thời gian thực, dẫn tới không tối ưu được hiệu suất hoạt động.
Rõ ràng, một cỗ máy tới từ tương lai luôn cần hiệu năng cao hơn sản phẩm đời cũ. Thêm hiệu suất là thêm tốn kém, vẫn không tối ưu được giá thành. Thứ ba, bản thân Linux cũng không phù hợp với các thiết bị IoT bởi lý do có nhiều lỗ hổng bảo mật.
Tóm lại, với cả ba thiếu sót trên, nhân Linux hay Android sẽ không thể bảo vệ được ngôi vương Google của hàng chục năm sau. Xu hướng thay đổi, Google sẽ buộc phải gồng mình. Hãy cùng chờ đợi Fuchsia: một hệ điều hành cho tất cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.