Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết tháng 2, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,2 triệu, tăng 14% so với tháng 12.2022, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ tháng 1.2022. Trong đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,26 triệu, chiếm 70%.
Như vậy, trong 1 năm qua, Việt Nam đã có thêm hơn 2 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Tổng số lượng giao dịch bằng tài khoản Mobile Money đạt lũy kế hơn 20 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.372 tỉ đồng.
Dịch vụ Mobile Money được cấp phép thí điểm cho một số nhà mạng triển khai hồi tháng 11.2021. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ và nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đánh giá của nhà mạng, tiềm năng của Mobile Money là vô cùng lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt hầu như chưa phủ sóng đến tận nơi. Việc triển khai Mobile Money cũng sẽ giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Song song đó, số lượng người dùng điện thoại di động thông minh (smartphone) ngày càng tăng là điều kiện thuận lợi để phát triển Mobile Money. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 99,6 triệu thuê bao điện thoại di động smartphone, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 7,1 triệu thuê bao. Thuê bao băng rộng di động ước đạt 85,79 triệu (86,3 thuê bao/100 dân), tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (tăng 10,55 triệu thuê bao). Thuê bao điện thoại “cục gạch” - Feature phone - là 23 triệu, giảm 3,8 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài các nhà mạng di động truyền thống, hiện cũng có 4 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo là Đông Dương, Mobicast, ASIM, Digilife với tổng số lượng thuê bao điện thoại di động là 2,31 triệu, chiếm 1,8% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường. Các nhà mạng này cũng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí...
Cả ba nhà mạng lớn tại Việt Nam bao gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chính thức triển khai dịch vụ Mobile Money trên cả nước. Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản trên điện thoại di động để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng...
Bình luận (0)