Bật khóc khi biết vảy tê tê dùng để làm thuốc
Nguyễn Nguyệt Linh là học sinh lớp 8 Trường THPT Marie Curie (Hà Nội). Từ nhỏ, Linh đã được ba mẹ cho đi tham quan các khu rừng nguyên sinh và tham gia hoạt động của các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn thiên nhiên như Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt.
Nguyệt Linh (giơ tay) trong một chuyến cắm trại ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hoá) |
nvcc |
Được trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, được tiếp cận thường xuyên với những kiến thức, hoạt động này, Nguyệt Linh hình thành tình yêu với động vật hoang dã nói riêng và tình yêu thiên nhiên, môi trường nói chung từ lúc nào không biết. Linh tự thấy mình có trách nhiệm đóng góp công sức dù là nhỏ bé vào công tác bảo vệ thiên nhiên, môi trường, động vật hoang dã để giúp cân bằng hệ sinh thái trên trái đất.
Chị Lê Hoàng Minh Nguyệt, mẹ của Nguyệt Linh kể lại: "Năm lớp 6, gia đình tôi cho các con đi Quảng Ninh chơi. Khi tham quan bảo tàng ở đây, nghe cô nhân viên giới thiệu về con tê tê, trong đó có chi tiết vảy của động vật này rất quý, vẫn được dùng để làm thuốc, Linh trở về và khóc mãi. Con nói nếu như vậy thì người ta sẽ tìm cách săn tê tê. Con không chấp nhận một động vật hoang dã quý hiếm như vậy lại bị giết hại".
Linh và em trai được ba mẹ cho đi trải nghiệm rất nhiều |
nvcc |
Một lần có dịp tham quan Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam ở rừng Cúc Phương, Linh thấy các sản phẩm của trung tâm này như áo, túi, sticker mang thông điệp ý nghĩa nên đã nhận về bán cho bạn bè, bán trong khu chung cư nơi Linh sinh sống. Số tiền thu về gần 6 triệu đồng, Linh đã gửi cho trung tâm trên để đóng góp vào quỹ bảo tồn động vật hoang dã.
Linh cũng chính là cô nữ sinh từng viết bức tâm thư gửi 40 hiệu trưởng ở Hà Nội với mong muốn nhà trường sẽ không thả bóng bay vào ngày lễ khai giảng, với thông điệp "Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển để bảo vệ môi trường" vào tháng 7.2019, khi chuẩn bị lên lớp 6. Thời điểm đó, hành động này của Linh đã lan tỏa rộng rãi và khiến nhiều người xúc động.
Sau đó, Linh từng tham gia Diễn đàn Thanh niên và phát triển bền vững (nội dung về môi trường và chống biến đổi khí hậu) tại Đà Bắc, Hoà Bình. Đây là một hoạt động của tổ chức Live and Learn. Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11.2019, Linh cũng góp tiếng nói trong đoạn phim “My future, Our Planet” (Tương lai của tôi, Hành tinh của chúng ta) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và đoạn phim ngắn về biến đổi khí hậu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2020 đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất .
Tận diệt động vật, tương lai con người sẽ ra sao?
Nhận thấy trong cuộc sống, nhiều người vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái... bằng tình yêu, lòng đam mê và kiến thức được bồi đắp trong suốt những tháng ngày thơ ấu, Nguyệt Linh nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ (CLB) dành cho các bạn tuổi teen yêu động vật, quan tâm đến các vấn đề phúc lợi và bảo tồn động vật. Cùng với sự hỗ trợ của mẹ là chị Minh Nguyệt (là giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân), vào 3.3 - ngày Thế giới bảo tồn động, thực vật hoang dã, CLB “Forever an Animal Lover Club (tạm dịch CLB Mãi mãi là một người yêu động vật)” của Linh đã được thành lập.
Cô bé yêu động vật không ngừng tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã |
nvcc |
Nguyệt Linh tại rừng Cát Bà (Hải Phòng) |
nvcc |
Sau thời gian ngắn, CLB nhận được hàng trăm đơn đăng ký tham gia của học sinh nhiều trường khác nhau. 40 bạn trẻ thực sự tâm huyết đã trở thành thành viên nòng cốt của CLB. Trang fanpage "Forever an Animal Lover Club" luôn cập nhật, lan toả những bài viết, cuộc thi liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã.
Nguyệt Linh tâm sự: "Con người tự nhận mình là động vật cao cấp, là "động vật bá chủ" của muôn loài nên ích kỷ, cho mình quyền được tiêu diệt các loài động vật khác để mang lại lợi ích cho mình. Như vậy chính là phá vỡ hệ sinh thái trên trái đất này. Con người chỉ có thể tồn tại nếu như hệ sinh thái trên trái đất được bảo vệ. Phá vỡ hệ sinh thái bằng cách tận diệt động vật hoang dã, tàn phá thiên nhiên, môi trường chỉ vì lợi ích trước mắt, thì tương lai con người sẽ ra sao?".
Lực học vẫn thuộc hàng "tốp" của lớp
Không chỉ điều hành CLB, Linh còn tham gia viết sách. Tháng 6.2021 Linh cùng với 2 bạn khác xuất bản cuốn sách "Một mẩu rừng cho bạn", được tiến sĩ Nguyễn Thị Thùy của tổ chức Actions for Climate Change and Biodiversity (Hành động vì Biến đổi khí hậu và Đa dạng sinh học) thẩm định nội dung và hiệu đính. Sách do NXB Thanh Niên in 2.000 cuốn và từng tái bản thêm 2.000 cuốn.
Cuốn sách thứ 2 Linh tham gia viết vừa được xuất bản mới đây |
nvcc |
Toàn bộ tiền bán sách này Linh quyên góp cho Quỹ trồng rừng phòng hộ ở Mèo vạc của Bộ Tài nguyên và môi trường. Gần đây nhất, Linh và 14 bạn trong CLB cũng vừa hoàn thành cuốn sách gần 100 trang có tên Những người bạn trong khu rừng ngập mặn, với phần 1 là cuộc sống của 1 bạn nhỏ ở khu rừng ngập mặn Xuân Thủy, phần 2 mô tả 51 loài động thực vật tiêu biểu của Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định). Sách được Phòng khoa học của Vườn Xuân Thủy hiệu đính về mặt chuyên môn và khoa học. Tiền bán sách này cũng dự kiến sẽ gây quỹ trồng cây tại vườn.
Dù dành nhiều thời gian vào các hoạt động như vậy, việc học chính khoá của Nguyệt Linh vẫn không hề bị ảnh hưởng. Năm học vừa qua Linh có điểm số nằm trong tốp 10 của lớp, đứng đầu lớp về môn tiếng Anh. Linh còn biết chơi piano, vẽ và dancing.
Bình luận (0)