Khi lần đầu tiên gặp tôi, em chưa bán ruốc. Em đang là sinh viên năm thứ ba Khoa Báo chí. Em đang cộng tác với một tờ báo. Em muốn viết bài báo về nghệ thuật ca Huế thính phòng cho số báo Tết Bính Thân.
Lòng vui khi hiểu được người bạn trẻ lại quan tâm đến những giá trị truyền thống của quê nhà yêu dấu nên tôi đã nhiệt thành cung cấp tư liệu giúp em viết xong bài báo xuân. Tôi thầm cảm ơn em đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu trên hệ thống truyền thông một loại hình nghệ thuật dân tộc mà người Huế chúng tôi đang trân trọng và tìm cách bảo tồn và phát triển.
Sau một thời gian dài kể từ ngày đọc bài em trên báo, tôi không gặp lại em. Tôi nghĩ chắc em đã ra trường và đã có được việc làm nơi nào đó. Không ngờ em đã tìm đến nhà tôi nằm sâu trong hẻm cụt. Em cười hiền, nhỏ nhẹ nói với tôi: “Con mới ra quê, mạ con gửi ruốc vô biếu bác”. Nói xong em rụt rè trao tôi thẩu ruốc. Xúc động trước món quà quê của mạ Lệ Thủy, Quảng Bình tôi đã viết vội trong trưa đoản văn “Ngọt lắm ruốc ơi” với nội dung sau:
Buổi sáng bình yên, đang nâng niu, chăm chút những cây ớt non vừa trồng thì Thanh Nhàn tới. Mừng đón Thanh Nhàn cô sinh viên báo chí vừa mới quen.
- “Cháu mới về quê Lệ Thủy vô, cháu tặng bác thẩu ruốc do mạ cháu làm để bác dùng!”
Cảm động lắm! Mừng chi lạ! Món quà quê thơm thảo chơn chất nhận từ tay người bạn vong niên vô cùng quý hóa. Mở nắp thẩu ruốc ra mùi ruốc rất hấp dẫn khứu giác. Màu ruốc hồng nâu thật thà!
Ngắm nhìn thẩu ruốc Thanh Nhàn tặng, tự nhiên những hồi ức có liên quan tới ruốc ùa về: Thời niên thiếu thất học theo mạ ra chợ Quảng Trị bán cơm mạ thường dặn: “Nhớ nêm ruốc khi nước đang còn nguội, đừng nêm ruốc khi nước đang nóng mà nghe mùi ruốc, khó ăn Cười hí!” (tên ở nhà tôi lúc nhỏ là Cười). Những bữa cơm mùa đông ở nhà mạ thưởng kho ruốc với thịt heo ba chỉ cắt theo hình hột lựu có pha thêm tí đường, ớt, tiêu, tỏi. Có món ruốc kho này mấy anh em tha hồ ăn được nhiều cơm. Lớn lên, khi mới lập gia đình biết pha chế ruốc, chanh, ớt, tỏi với nước cá kho xấp để chấm rau lang luộc, đọt bí ngô…, biết nấu canh dùng ruốc thay cho bột ngọt được hiền thê khen phổng mũi!
Nhớ mấy lần về bến xe An Cựu thăm má Hoa - người mẹ kết nghĩa trong nhà tù Côn Đảo năm 1972 - khi kho cá, ướp thịt nướng cũng nêm thêm ruốc. Má nói: “Thêm một ít ruốc miếng cá, miếng thịt sẽ thấy thấm tháp, đậm vị hơn!”. Đúng như lời má nói, cách má làm, tôi thấy ngon thiệt khi thưởng thức những món ăn do má nấu có gia thêm ruốc. Vậy là sau này tôi cũng bắt chước má cho thêm ruốc khi chế biến cá, thịt bên cạnh các loại gia vị thông thường khác. Tiếc má ra đi sớm, tôi không còn có dịp ăn những món ngon được nấu, nướng từ tay má.
Khi viết chùm thơ “Lục bát đặc sản Huế” tôi rất thú vị khi thấy mình đưa được từ “ruốc” vào thơ trong bài “Cơm hến”:
Đã mê ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm cơm nguội rau lành
Mời em buổi sáng chân thành món quê
Cảm ơn Thanh Nhàn nghe! Trưa nay bữa cơm một mình của bác Quê đã có thêm món mướp đắng, dưa leo chấm ruốc do Mạ làm từ Lệ Thủy, Quảng Bình xa xôi. Khóm rau thơm mới trồng trong chậu vừa kịp ra lá sẽ góp phần ý vị cùng món quà quê dân dã, thanh đạm của Thanh Nhàn.
Ăn ngậm mà nghe!
Ừ! Ngậm mà nghe!
Tình quê ngọt lắm!
Ruốc ơi!
Với bài viết này, em Thanh Nhàn đã xin phép tôi biến thành một bài PR cho việc bán ruốc của em. Tôi rất mừng khi biết em dùng “Ngọt lắm ruốc ơi” vào thực tế cuộc sống. Từ nay em đã là cô bé bán ruốc trước mắt tôi. Mạ quê nhà chắc vui nhiều khi ruốc mình đã có đầu ra mà người giúp mạ phát hành ruốc đến người tiêu dùng nhiều nơi chốn là cô con gái xinh, hiền lành của mạ. Cảnh Thanh Nhàn chịu khó chịu thương lặng thầm chạy xe đưa ruốc cho khách hàng sau giờ tan việc mỗi chiều với tôi là hình ảnh đẹp, đáng quý về lòng hiếu hạnh. Ruốc mạ ngọt, ngon, không có cát... nên được nhiều người thích.
Thanh Nhàn cập nhật cách mạ chế biến ruốc như thế nào; nhắn nhủ khách hàng nên bảo quản ruốc ra sao để giữ ruốc được lâu mỗi ngày trên Facebook đã tạo được niềm tin cậy của khách hàng. Càng thương mạ nhọc nhằn lao nhọc sớm hôm Thanh Nhàn càng quyết tâm tìm kiếm nguồn tiêu thụ ruốc. Có lần em tâm sự: “Đêm qua cháu không ngủ được khi mạ nhắn tin đạp xe chở ruốc lên bến xe gửi ruốc vô Huế cho con mà không gửi được vì ngày lễ xe đông người đành phải chở về trong ngọn gió Lào nóng rát. Nghe mạ nhắn tin mà cháu buồn và thương mạ quá! Trong nắng nôi Quảng Binh chắc mạ cháu khổ thân lắm!”
Tôi gọi em là “cô bé bán ruốc” bởi tôi trân quý em vô cùng! Trong khi các bạn cùng trang lứa đang có một đời sống bình an không bận tâm vì chuyện miếng cơm manh áo thì Thanh Nhàn luôn hướng lòng về mạ. Mạ Lệ Thủy, Quảng Bình đang nhọc nhằn trong khắc nghiệt thời tiết miền Trung thương khó mưu sinh. Cô sinh viên báo chí ra trường không được tác nghiệp bởi chính ngành nghề mình đã học, đã mơ ước sẽ một ngày viết những trang báo tâm huyết, nhiệt thành ngợi ca con người, quê hương, ngợi ca cuộc sống.
Bằng cách nhìn lạc quan, tôi hy vọng từ thực tiễn em đang mỗi ngày trải nghiệm, kinh qua, em sẽ tích lũy nhiều vốn quý cho mai này hình thành những trang viết mới. Cô bé bán ruốc của tôi đang là trang cổ tích trong tâm hồn tôi sáng trưng, nhân hậu. Tôi tưởng tượng một ngày cô bé bán ruốc ôm chầm mạ Quảng Bình sung sướng cười khoe: “Mạ ơi! Ruốc mạ gửi vô Huế con bán hết rồi nè!”
Bình luận (0)