Có biểu hiện lợi ích nhóm bao che cho cát tặc

07/07/2017 06:51 GMT+7

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định có biểu hiện lợi ích nhóm bao che cho cát tặc

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định như vậy tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi, diễn ra ngày 6.7 tại Hà Nội.
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, do nhu cầu về cát, sỏi lớn, nguồn lợi cao nên nảy sinh nạn khai thác trái phép tràn lan. Nhiều nơi, cát tặc có những thủ đoạn đối phó tinh vi, thậm chí sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ, đe dọa người dân tố giác, đấu tranh. “Nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước bộ, ngành địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả, thiếu phối hợp chặt chẽ. Một số quy định về pháp luật còn bất cập, việc phân trách nhiệm giữa bộ, ngành và các địa phương chưa rõ ràng. Tại một số địa phương còn buông lỏng quản lý. Thậm chí, lợi ích nhóm bao che cho hoạt động khai thác cát trái phép”, ông Bình khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng thừa nhận có tình trạng lợi dụng các dự án nạo vét để khai thác cát, sỏi trái phép. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay gần 1 năm qua, lực lượng công an các cấp đã bắt giữ, xử lý hơn 4.300 vụ việc với gần 3.000 đối tượng; lập hồ sơ khởi tố 2 vụ về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo điều 72 bộ luật Hình sự.
Để chấn chỉnh, ngăn chặn, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay: “Thời gian tới sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi, lập bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép”. Ông Trương Hòa Bình cũng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp soạn thảo Nghị định ban hành quy chế hoạt động nạo vét, duy tu luồng nước cảng biển, luồng đường thủy nội địa.
Cần vật liệu thay thế cát tự nhiên
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều đặt vấn đề về lâu dài, cần có vật liệu thay thế cát tự nhiên và sử dụng nguồn cát tự nhiên sao cho tiết kiệm, hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, nhu cầu sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng đến năm 2025 là hơn 100 triệu m3, nhưng đến nay mới chỉ cấp phép khai thác khoảng 70 triệu m3. Thời gian qua, thị trường cát xây dựng vẫn khan hàng, nguồn cung cát, sỏi từ trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu xây dựng. Thị trường cát, sỏi đặc biệt khan hàng khi thực hiện đợt cao điểm tấn công cát tặc từ cuối tháng 3 khiến giá tăng mạnh gấp 2 - 3 lần, nhất là ở các tỉnh phía nam, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như khiến nhiều dự án “đội vốn”.
Theo ông Khánh, hiện tại các công trình trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, Lai Châu... đều đưa lượng lớn cát nhân tạo vào sử dụng, khá hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.