Hà Nội ĐÃ CÓ "BÀI HỌC THẤT BẠI" TỪ KẾT HỢP XÉT TUYỂN
Giữa lúc dư luận nóng về việc căng thẳng thi vào lớp 10 ở Hà Nội, những thông tin một số tỉnh thành chỉ xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên khiến không ít người đặt câu hỏi liệu các địa phương khác như Hà Nội, TP.HCM có thể áp dụng cách làm này không?
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, Hà Nội chưa thể và chưa tính đến việc bỏ thi tuyển vào lớp 10. Theo vị này, không thể so sánh Hà Nội với các địa phương khác vì mức độ cạnh tranh vào lớp 10 ở thủ đô rất căng thẳng. Việc thi vào lớp 10 THPT công lập, đặc biệt những trường "top" (chưa nói trường chuyên), lâu nay được đánh giá là khốc liệt hơn thi vào ĐH khi trường công lập chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 60% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS.
Cũng theo vị này, nếu xét tuyển bằng học bạ thì không thể tránh khỏi tiêu cực "chạy" học bạ đẹp mà nhiều ý kiến vẫn phàn nàn. Còn xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế thì sẽ gây ra tình trạng thiếu công bằng vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học luyện thi lấy chứng chỉ. Còn xét cộng điểm các giải thưởng thì vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT, vì từ năm 2018 bộ đã bỏ quy định cho phép cộng điểm khuyến khích hoặc tuyển thẳng với HS đoạt giải trong các kỳ thi, cuộc thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, thi viết thư quốc tế, giải toán trên máy tính cầm tay, giải toán bằng tiếng Anh, giải toán trên internet, thi văn nghệ, thể thao... các cấp. "Do vậy, chúng tôi chưa hình dung nếu xét tuyển thì nên xét thế nào để đảm bảo công bằng và không nảy sinh tiêu cực", vị này nói.
Từ năm 2018 trở về trước, Hà Nội có cả chục năm áp dụng thi kết hợp xét học bạ và các điểm ưu tiên, khuyến khích để tuyển sinh vào lớp 10. Sau 10 năm triển khai, quy định này nảy sinh rất nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ, tỷ lệ HS giỏi ở cấp THCS chiếm áp đảo so với số HS khá, trung bình… So sánh giữa điểm thi và điểm học bạ cũng thấy nhiều HS 4 năm liền là HS giỏi với điểm trung bình môn văn, toán trên 8,0, nhưng điểm thi chỉ đạt dưới trung bình...
Từ năm 2019, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất với UBND TP bỏ kết hợp xét tuyển, thay vào đó chỉ tính kết quả thi 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10. Thời điểm đó, chính lãnh đạo và giáo viên các trường THCS cũng cho rằng đây là một quyết định phù hợp, bởi sẽ giảm áp lực làm đẹp học bạ cho HS, nhằm lấy thành tích của lớp, của trường. Với quy định này, HS và giáo viên sẽ phải dạy, học và thi thực chất.
TP.HCM TỪNG XÉT TUYỂN VÀ… BÁO ĐỘNG ĐỎ
Vào năm học 2007 - 2008, song song với hình thức thi tuyển, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định thực hiện xét tuyển lớp 10 tại 3 huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi. Sau đó, mỗi năm học tiếp theo, sở triển khai mở rộng thêm 2 quận, huyện ở khu vực có điều kiện về cơ sở trường lớp để thực hiện xét tuyển theo kết quả học tập lớp 9. Cho đến năm học 2011 - 2012, TP.HCM có 9 quận, huyện thực hiện theo phương thức này là huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Tân; quận 9, 2, 6.
Tuy nhiên, tại buổi họp công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2011 - 2012, hiệu trưởng các trường ở khu vực thực hiện xét tuyển đã lên tiếng báo động về động lực học tập cũng như những bất cập của phương thức này trong quy trình tuyển sinh lớp 10.
Tại thời điểm đó, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (trước đây là Q.Thủ Đức, nay thuộc TP.Thủ Đức) thông tin, ngay trong học kỳ 1 của năm đầu tiên thực hiện xét tuyển, trường phải trả hồ sơ cho 30 HS lớp 10, trong đó đa phần là không theo học được. Chất lượng HS giảm xuất phát từ tâm lý khi tuyển sinh lớp 10 không phải thi mà xét tuyển nên chỉ cần học lực trung bình các năm ở bậc THCS, HS đã chắc chắn vào lớp 10 công lập. Điều này khiến nhiều HS không cố gắng trong học tập...
Tương tự, hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh (H.Cần Giờ) lúc bấy giờ cũng thông tin, đầu năm trường này có 75,3% HS khá, giỏi lớp 9 vào lớp 10, chỉ sau một học kỳ, tỷ lệ này chỉ còn 14,9%. Những năm đó, mỗi năm trường có 5% đến 10% HS bỏ học vì không theo nổi chương trình lớp 10.
Việc thực hiện song song phương thức thi tuyển và xét tuyển lớp 10 kéo dài cho đến năm học 2014 - 2015 thì tất cả các trường THPT tại TP.HCM đều tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập. Theo như nhận xét của lãnh đạo sở lúc bấy giờ thì sau một thời gian, hình thức xét tuyển đã bộc lộ nhiều khuyết điểm như mất đi sự cạnh tranh, làm giảm động lực học tập của HS khiến chất lượng đầu vào ngày càng giảm sút…
Chính vì vậy, đến thời điểm hiện nay, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), cho rằng TP.HCM không thể thực hiện phương án xét tuyển bởi chịu áp lực việc tăng dân số cơ học nên xây trường kiểu nào cũng không đủ chỗ cho HS. Thực tế, mỗi năm TP xây thêm hàng ngàn phòng học nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu, đặc biệt khu vực nội thành.
Theo ông Nghi, năm 2021, khi TP phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nên tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức xét tuyển. Việc xét thực hiện căn cứ theo đăng ký nguyện vọng của HS diễn ra vào trước đó, trên tinh thần kỳ thi vẫn diễn ra và đăng ký theo năng lực học tập. Tuy nhiên, việc xét vẫn không chính xác bằng thi do mặt bằng HS mỗi trường, mỗi quận huyện mỗi khác.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), khẳng định thi tuyển là phương án tối ưu, công bằng và minh bạch với TP.HCM trong giai đoạn hiện nay do TP chịu áp lực về dân nhập cư, gia tăng dân số cơ học mạnh, do vậy nhu cầu trường lớp phải tăng. Đồng thời còn thể hiện sự công bằng là đáp ứng nguyện vọng của HS vào học đúng trường phù hợp.
Dưới góc độ quản lý, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: "Nhiều năm qua, TP.HCM đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đảm bảo sự công bằng, khách quan, đáp ứng đúng nguyện vọng theo năng lực của HS. Điều này còn phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện về cơ sở vật chất của TP. Quan điểm của sở là vẫn tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh lớp 10. Thêm vào đó, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phân hóa, qua giai đoạn giáo dục cơ bản thì HS được quyền lựa chọn môi trường học để thực hiện nội dung phát triển năng lực, phẩm chất, định hướng nghề nghiệp. Do vậy, hình thức thi là phù hợp để HS lựa chọn được môi trường học phù hợp năng lực, định hướng nghề nghiệp bản thân và gia đình".
Vì sao Đồng Tháp và Vĩnh Long không tổ chức thi tuyển?
Đồng Tháp và Vĩnh Long là 2 địa phương đầu tiên ở ĐBSCL không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, thay vào đó là xét tuyển.
Ngày 23.2, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có hơn 23.400 HS lớp 9, tỉnh sẽ xét tuyển 70% số HS tốt nghiệp THCS vào các trường THPT. Những em không trúng tuyển sẽ học nghề hoặc học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên hoặc các trường THPT có chương trình giáo dục thường xuyên.
Theo đó, tỉnh sẽ tuyển sinh lớp 10 hệ không chuyên bằng kết quả học tập, rèn luyện của 4 năm học THCS.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết: "Nếu HS nào xét tuyển đạt thì vào học trường THPT, còn không đạt thì mình sẽ tư vấn hướng nghiệp cho các em vào học nghề hay học giáo dục thường xuyên. Phương thức xét tuyển vẫn đảm bảo được chất lượng, nhưng giảm áp lực thi cử cho HS, giảm tốn kém chi phí cho ngành giáo dục và xã hội".
Cùng ngày, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết năm học 2023 - 2024, đối với tuyển sinh lớp 10 vào trường THPT chuyên, thực hiện xét tuyển kết hợp thi tuyển (giữ ổn định như năm trước); tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông dân tộc nội trú, lớp 10 THPT thực hiện xét tuyển.
Bà Nhuận cho hay việc tổ chức xét tuyển vào lớp 10 có nhiều ưu điểm hơn, vì hình thức xét tuyển đơn giản, đặc biệt là rất công khai và minh bạch; mang tính ổn định và chắc chắn bởi vì đánh giá cả một quá trình 4 năm học của các em ở cấp THCS chứ không chỉ là qua một kỳ thi tuyển sinh. Đồng thời, giảm áp lực thi cử cho HS và phụ huynh. Các em HS có thể tính được điểm xét tuyển của mình để đăng ký vào các trường mà các em lựa chọn cho phù hợp và cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
Trần Ngọc - Nam Long
Bình luận (0)